Tản mạn năm Giáp Ngọ và bài thuốc bổ can thận

25-01-2014 06:00 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Năm Quý Tỵ đã qua, để lại những ấn tượng thật tốt đẹp và sâu sắc; vui có, buồn có, nhưng tất cả vẫn là một xu thế vươn lên của sự phát triển không ngừng.

Năm Quý Tỵ đã qua, để lại những ấn tượng thật tốt đẹp và sâu sắc; vui có, buồn có, nhưng tất cả vẫn là một xu thế vươn lên của sự phát triển không ngừng. Và nhường lại đất trời cho mùa xuân Giáp Ngọ với một khí thế mã hồi của những ngày xuân tràn đầy sinh lực, đang phơi phới đi lên.

Theo thuyết Ngũ hành, năm Giáp Ngọ được quy tụ bởi một thiên can đầu tiên là “Giáp” tương ứng với hành “Mộc” và một địa chi là “Ngọ”,  tương ứng với hành Hỏa. Năm Giáp Ngọ sẽ tạo ra một cặp đôi thật là hoàn hảo giữa Thiên can và Địa chi. Do đó, năm Giáp Ngọ cũng sẽ là một năm thể hiện cho sự phát triển mạnh mẽ của vạn vật và của đất nước.

Cũng theo thuyết Ngũ hành, hành Mộc là biểu tượng màu xanh của cây cối, của sự sinh sôi, phát triển của vạn vật... Hành Hỏa là biểu tượng của lửa, của sức nóng, của sự ấm áp... Mộc sinh Hỏa. Như vậy, ngay từ đầu xuân Giáp Ngọ đã đầy ắp sự phát triển sinh sôi của hành Mộc, để rồi sẽ có được một kết quả thật rực rỡ, thật tốt đẹp của hành Hỏa tạo ra.

Hồng hoa.

Hồng hoa.

Đứng về mặt YHCT, hành Mộc là biểu tượng của tạng can, phủ đởm, còn hành Hỏa, biểu tượng của tạng tâm, phủ tiểu tràng. Như vậy, cả hai tạng can và tâm đều có sự liên quan đến một phủ chung là huyết, can tàng huyết (can chứa máu), tâm chủ huyết mạch (tâm quản về tuần hoàn huyết dịch). Trong cơ thể, can tàng huyết đầy đủ, huyết sung túc, tâm vận hành huyết mạch thông điều, sẽ là cơ sở vững chắc, báo hiệu cho một cơ thể  khỏe mạnh, đầy sức sống. Tuy nhiên, giữa các tạng trong cơ thể lại có sự liên quan mật thiết với nhau. Chẳng hạn, giữa tạng can và thận lại liên quan với nhau về chức năng quản lý gân, cốt (can chủ cân, thận chủ cốt). Còn giữa tạng tâm và tạng tỳ lại liên quan với nhau về chức năng tạo huyết và tuần hoàn huyết dịch (tỳ sinh huyết, tâm chủ huyết mạch). Chính vì lý do đó, trong điều trị, YHCT có những phương thuốc để tạng can khỏe mạnh, phục vụ tốt cho chức năng “can tàng huyết” tốt. Sau đây là một số phương thuốc bổ can thận:

Tư thận, bình can: thục địa 16g, sơn thù du 8g; mẫu đơn bì, hoài sơn, trạch tả, bạch phục linh mỗi vị 6g; từ thạch, sài hồ, mỗi vị 2g. Bào chế dưới dạng hoàn. Ngày dùng 2 - 3 lần, mỗi lần 10 - 12g, uống sau bữa ăn 1,5 giờ. Dùng trị can thận âm hư, tai ù, chóng mặt, hoa mắt.

Tư thận, dưỡng can: thục địa 16g, sơn thù du 8g; mẫu đơn bì, hoài sơn, trạch tả, bạch phục linh mỗi vị 6g; câu kỷ tử, cúc hoa mỗi vị 4g. Bào chế dưới dạng hoàn. Ngày dùng 2 - 3 lần, mỗi lần 10 - 12g, uống sau bữa ăn 1,5 giờ. Là phương thuốc tốt cho các trường hợp can và thận âm kém với các triệu chứng chóng mặt, hoa mắt, ù tai, mắt sợ ánh sáng, chảy nước mắt khi ra gió. Hoặc dùng phương: tang diệp 800g, vừng đen 200g. Bào chế dạng thuốc tán, hoàn. Ngày dùng 2 - 3 lần, mỗi lần 12 - 16g, sau bữa ăn 1,5 giờ. Phương thuốc có tác dụng trừ phong, minh mục. Dùng trị can thận bất túc, đau đầu, hoa mắt, thị lực giảm, ra gió chảy nước mắt.

Tư bổ can, thận: hà thủ ô đỏ, hà thủ ô trắng, mỗi vị 50g, thỏ ty tử, ngưu tất, đương quy, câu kỷ tử, bạch phục linh, mỗi vị 25g, bổ cốt chỉ 12g. Bào chế dưới dạng hoàn. Ngày dùng 2 - 3 lần, mỗi lần 12 - 16g, sau bữa ăn 1,5 giờ. Phương thuốc dùng tốt cho các trường hợp can, thận âm hư, cả khí và huyết đều kém, tiêu khát, tiểu tiện khó, nhỏ giọt, di tinh, toàn thân suy nhược.

Để có huyết dịch tốt nuôi dưỡng cơ thể, YHCT còn có các phương thuốc mang tính bổ huyết: thục địa, đương quy, xuyên khung, bạch thược mỗi vị 5g. Dạng thuốc sắc, ngày một thang, hoặc thuốc hoàn, ngày 2 - 3 lần uống, mỗi lần 10 - 12g. Phương này dùng tốt cho những cơ thể huyết kém, da xanh xao, mới ốm dậy, phụ nữ kinh nguyệt không đều, thấy kinh đau bụng.

Để có khí và huyết tốt, dùng phương vừa có tác dụng bổ khí, vừa có tác dụng bổ huyết: nhân sâm, bạch truật, bạch phục linh mỗi vị 5g; cam thảo 3g; thục địa, đương quy, xuyên khung, bạch thược mỗi vị 5g. Dạng thuốc sắc, ngày một thang chia 3 lần sau bữa ăn 1,5 giờ; hoặc dạng thuốc hoàn, ngày 2 - 3 lần, mỗi lần 10 - 12g, sau bữa ăn 1,5 giờ.

Trường hợp khí huyết lưỡng hư, song người và chân, tay hay lạnh, giấc ngủ không sâu, có thể gia thêm vào phương trên một số vị: quế nhục, viễn chí... để ôn bổ khí huyết: nhân sâm 8g, bạch truật, đương quy, thục địa, hoàng kỳ, bạch phục linh mỗi vị 12g; cam thảo, trần bì, viễn chí, ngũ vị tử mỗi vị 6g; quế nhục 4g. Bào chế dưới dạng thuốc sắc, ngày một thang, chia 3 lần uống sau bữa ăn 1,5 - 2 giờ, uống liền 2 - 3 tuần.

Để tạng tâm thực hiện tốt chức năng tuần hoàn huyết dịch, có thể sử dụng các phương thuốc mang tính hoạt huyết thông kinh: thục địa 9g, đương quy, bạch thược, đào nhân, hồng hoa, mỗi vị 6g, xuyên khung 3g. Dạng thuốc sắc ngày một thang, chia 2 - 3 lần, uống trước bữa ăn 1,5 giờ. Phương thuốc vừa mang tính bổ huyết, vừa hoạt huyết, hóa ứ. Dùng cho các trường hợp dinh huyết hư, trệ, kinh nguyệt không đều, kinh bế, kinh có hòn cục, khi có kinh, bụng trướng, đau bụng.

Hoặc dùng phương thuốc vừa hoạt huyết vừa trục ứ huyết, lại có tác dụng hành khí, giảm đau: đào nhân 12g, hồng hoa, đương quy, sinh địa, ngưu tất mỗi vị 9g; xích thược 6g, xuyên khung, cát cánh mỗi vị 4,5g, cam thảo, sài hồ mỗi vị 3g. Dạng thuốc sắc, ngày một thang, chia 3 lần, uống trước bữa ăn 1,5 giờ. Trị các chứng đau nhói ở sườn, ngực, đau đầu, mất ngủ, tim hồi hộp.   

GS.TS. Phạm Xuân Sinh

 

 


Ý kiến của bạn