Tản mạn đầu xuân...

03-03-2018 13:35 | Y tế
google news

SKĐS - Hôm mồng 3 Tết rồi, thấy nhơ nhớ bệnh viện. Đúng ra là tôi vẫn còn một bệnh nhân phải lưu lại bệnh viện qua Tết. Những ngày qua tôi không ở viện nên nhờ đồng nghiệp trực Tết theo dõi…

Đó là trường hợp bệnh nhân Nguyễn Trọng T., 44 tuổi, quê ở Sơn La, đi làm ruộng bị cành cây chọc vào mắt, mà tới 10 ngày sau mới đi viện. Lòng đen bị nhiễm nấm trở nên mủn nát. Khi mổ để khảo sát vết thương và loại bớt tổ chức nấm đi lại thấy một vết vỡ củng mạc nữa, khâu được chỗ này lại bục chỗ khác… Đến khổ! Vẫn biết bệnh nhân là người khổ nhất nhưng tôi vẫn phải kêu lên “Ông mà đi viện sớm thì có phải đỡ khổ cả tôi lẫn ông. Ông thì chắc chắn mất Tết rồi, còn tôi thì chẳng biết làm gì hơn cho ông bây giờ…”. T. chỉ lí nhí “Vâng, bác cố giúp em”.

Người thầy thuốc luôn sẻ chia với người bệnh trong cả những ngày Tết.

Người thầy thuốc luôn sẻ chia với người bệnh trong cả những ngày Tết.

Đã 10 ngày nằm viện, bệnh không chuyển được mấy, có chăng là T. đã bớt đau nhức và ăn ngủ được. Thoắt đã đến ngày 28 Tết, tôi mời T. lên khám lại và bàn bạc chuyện T. nên ở lại hay về nhà điều trị ngoại trú. T chia sẻ: Em có hai cháu vào miền Nam làm ăn, năm nay mới dồn tiền để ra thăm bố mẹ nên em xin bác cho em về quê ăn Tết với các cháu.

Biết là Tết bệnh viện sẽ khổ sở lắm, hoàn cảnh bệnh nhân nghe cũng thật oái oăm. Nhưng nếu để bệnh nhân về nhà ăn Tết thì tôi lại trăn trở, vì rất nhiều khả năng vết loét sẽ to dần và có thể bị thủng, đồng nghĩa với mù lòa… Quyết định chiều lòng bệnh nhân, nhưng rồi một lúc sau, em y tá lại gọi thảng thốt: Bệnh  nhân T. lại xin ở lại rồi anh ạ.

Ngày mồng 3 Tết, sân viện được chăng đèn kết hoa, hoa lá đã thay màu áo mới nhưng vẫn đượm buồn. Cái nhộn nhịp ngày thường đã biến mất. Các hành lang được tắt điện tối đa, các khoa không bệnh nhân lưu lại đóng cửa im ỉm. Nhưng khoa chấn thương của tôi vẫn nhộn nhịp. H. - cô điều dưỡng bạn thân đẩy chiếc xe chăm sóc đầy có ngọn đi dọc hành lang. Sau vài câu chúc Tết, nhận mừng tuổi của tôi, em kể lể: Đông lắm anh ạ, suốt từ 30 Tết. Sao mà lắm tai nạn thế, sao người ta vẫn đốt pháo hả anh. Chỉ có một mình em từ sáng tới giờ với 38 bệnh nhân. Tôi nhẩm tính thế là em phải thực hiện gần 100 mũi tiêm, 150 lần nhỏ thuốc, lau rửa và thay băng 38 mắt. H. tháo khẩu trang để xả stress với tôi rồi lại đẩy xe đi làm tiếp. Tội nghiệp em! Ngày thường còn có người chi viện chứ ngày Tết biết nhờ ai bây giờ. Gần 10 phòng bệnh đã có bệnh nhân nằm. Những khuôn mặt sạm đen sau các vụ nổ. Có người phải bỏ mắt. Họ nằm đó mệt mỏi bơ phờ vì vừa trải qua ác mộng. Bất cẩn, chủ quan, những cuộc vui không có điểm dừng, rượu bia quá đà... xô đẩy họ đến cơ sự này. Bao nhiêu năm qua, bao nhiêu tuyên truyền cảnh báo, răn đe, cả hình phạt nữa nhưng xem ra chưa thay đổi được mấy.

T. nằm ở căn buồng cuối, đóng cửa, đèn tắt im ỉm. Thấy tôi, anh chàng bật dậy. Chắc là T. mong tôi lắm. Cô vợ quê mặt mũi thật lam lũ cười bẽn lẽn chào tôi. Tôi hỏi thăm bệnh tật, Tết gia đình của họ. T. không đau nhức, mắt mở được to hơn. Hai đứa con thương bố nên xuống tận Hà Nội vào viện thăm rồi lại chuẩn bị xuôi miền Nam. Khám bệnh xong, tôi thở phào: Ổ loét bé hơn, tiến triển tốt…

Khám xong cho bệnh nhân, tôi trở về nhà. Thấy bệnh nhân ổn hơn, tiến triển tốt, trong lòng tôi thấy nhẹ nhõm… T. sẽ còn phải điều trị thêm một thời gian nữa. Rồi tôi chợt nhĩ: Một loét giác mạc do nấm thường ngốn của bệnh nhân 2 con trâu (khoảng 12 triệu) và 3 tháng nằm viện. Người nông dân đã nghèo lại thêm khổ là vậy.

Xuân 2018


BS. Hoàng Cương
Ý kiến của bạn