Tản mạn chuyện thưởng Tết

08-02-2015 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Hơn chục năm nay, cứ gần Tết là trên báo chí và dư luận xã hội lại xôn xao chuyện thưởng Tết.

Hơn chục năm nay, cứ gần Tết là trên báo chí và dư luận xã hội lại xôn xao chuyện thưởng Tết.

Tôi nhớ trước đó, nhất là thời bao cấp, hình như không có, hoặc ít ai đặt ra chuyện thưởng Tết, nếu có thì như một đặc ân, một sự đột xuất mang yếu tố động viên, bởi nó rất ít, chỉ tượng trưng thôi và vì không phải là trong “kế hoạch” nên nó như kiểu tùy hứng.

Nhưng giờ thì khác, có vẻ như chuyện thưởng Tết đã là việc đương nhiên, là một phần của thu nhập, như lương. Tết đương nhiên phải có thưởng. Không chỉ trong các doanh nghiệp, mà ở cả các cơ quan hành chính sự nghiệp, hưởng lương ngân sách.

Vậy nên, cứ Tết là các ông hiệu trưởng, các trưởng phòng giáo dục, các giám đốc bệnh viện, trung tâm y tế… bạc mặt lo thưởng Tết cho giáo viên, món này không có trong kế hoạch ngân sách, phải tự chạy thôi.

Sở dĩ chỉ dẫn chứng ngành giáo dục và y tế vì đấy là nơi đông người hưởng lương nhất, chứ giờ hầu như tất cả các ngành đều phải quan tâm đến thưởng Tết, đều chạy tiền thưởng Tết.

Và từ chuyện thưởng Tết mới lòi ra rất nhiều vấn đề.

Các báo cứ hay thống kê, khối này thưởng thế này, khối kia thưởng thế kia, thưởng cao nhất có khi gần tỉ bạc. Còn giáo viên, đặc biệt những người dạy vùng sâu vùng xa, chả thấy ai khoe, nhưng ai cũng biết, có năm mỗi người chia nhau lạng bột ngọt, chai dầu ăn. Xênh xang hơn có khi còn có cái phong bì năm chục nghìn, nhưng đụng đến khoản đóng góp của cha mẹ học sinh thì… liệu hồn, ì xèo ngay. Tôi nghe kể ở một trường nọ, mỗi giáo viên được chia… một con gà.

Rồi ngay cán bộ công nhân viên khối sự nghiệp nữa, lấy đâu ra mà thưởng. Cơ quan nào “năng động” bấu xén chỗ này chỗ kia tí, thậm chí lấy phiếu đỏ giả vờ tiếp khách, phiếu xăng giả vờ đi công tác, rồi chia nhau vài ba trăm mà thì thà thì thụt như ăn trộm, mà ăn trộm thật chứ còn gì nữa, lộ ra là chết ngay, còn không thì… cuối năm ăn với nhau bữa cơm, bắt tay nhau rồi… ai về nhà nấy.

Nhưng các doanh nghiệp thì khác. Họ coi sự thưởng như sự hùng mạnh của doanh nghiệp và cũng là cách “tăng cường sức dân” - tức nhân viên của họ - nên có cả sự cạnh tranh trong việc công bố mức thưởng. Và thấy mức thưởng của họ mà kinh. Thường thì các doanh nghiệp Nhà nước thưởng cao hơn doanh nghiệp tư nhân, cao hơn cả doanh nghiệp nước ngoài. Trong doanh nghiệp Nhà nước thì khối ngân hàng là hoành nhất, rồi đến dầu khí, xăng dầu, điện (dù mấy năm nay điện xuống rồi)… Nhưng cũng từ đấy thấy vài điều lạ, ấy là càng các doanh nghiệp lỗ thì thưởng càng cao. Không phải là tất cả nhưng hiện tượng ấy khá phổ biến. Cứ lấy các ngân hàng thương mại mà so, năm nào cũng có các vụ án hàng trăm đến hàng ngàn tỉ, năm nào cũng có nợ xấu, nợ khó đòi rất cao, nhưng năm nào mức thưởng cũng vẫn rất cao. Tôi quen một cháu làm việc cho một ngân hàng của Đài Loan, tất cả đều nằm trong hợp đồng, kể cả thưởng Tết. Và thưởng thì thường là 1-2 tháng lương. Vấn đề là nó nói: Cháu không hiểu sao các ngân hàng của nước ta, nợ xấu nhiều thế, nợ khó đòi nhiều thế… mà thưởng Tết vẫn rất cao.

Rõ ràng là có sự chênh lệch rất lớn, đến bất công của việc thưởng Tết. Đành rằng thưởng là chuyện nội bộ của từng cơ quan, doanh nghiệp, là lấy từ quỹ đời sống, quỹ xã hội, quỹ vân vân của họ nhưng để sự bất công trong thưởng đến như thế, thưởng Tết mà bằng đến chục năm lương của người khác, dù trình độ ngang nhau, được đào tạo như nhau, thậm chí người thưởng ít hoặc không được thưởng trình độ hơn hẳn người được thưởng cao thì quả là không thể không gây nên những dư luận xã hội, hay nói một cách hình tượng là “tâm tư” xã hội.

Doanh nghiệp có quyền thưởng cho người lao động của họ nếu doanh nghiệp làm ăn có lãi và nếu sự thưởng ấy có lợi cho việc sản xuất và kinh doanh của họ. Nhưng để việc thưởng Tết trở thành “miếng giữa làng”, ai cũng có thì cần phải có vai trò điều tiết của Nhà nước. Đây chính là lúc cái sự “định hướng xã hội chủ nghĩa” phải phát huy sau khi chúng ta đã cố gắng phát triển “nền kinh tế thị trường”.

Tôi ủng hộ chuyện thưởng Tết và mong nó trở thành phong tục đẹp của xã hội khi chúng ta vẫn coi Tết là ngày lễ thiêng liêng nhất trong năm. Và tôi cũng mong khi cầm phong bì tiền thưởng, không có ai phải “đắng lòng” đến mức phải… “lệ rơi”…

Hoàng Hương Giang

 

 


Ý kiến của bạn