Ngày cuối cùng của năm, quyết rũ bỏ mọi vướng bận đời thường, tôi rẽ vào quán cà phê nằm trên con phố nhỏ. Hẹp thôi mà thi vị bởi cái không gian nhiều cây và hoa, thoang thoảng hương quỳnh và dìu dặt tiếng nhạc. Ngả người vào thành ghế, nhấm nháp vị đắng quyến rũ của cà phê, Ave Maria của Bach/Gounoud đưa tôi về với ký ức trong hành trình 365 ngày của năm 2014.
Những xì-căng-đan trong hoạt động nghệ thuật...
Ký ức đưa tôi về với hình ảnh ca sĩ Khánh Ly sau mấy chục năm ly hương trở về hát tại sân khấu Mỹ Đình với gần 4.000 khán giả. Giọng hát không còn như thời tôi nghe qua chiếc băng cối những năm 70, đổi lại là một giọng trầm ấm, sâu lắng và nhất là bà tự làm MC kể lại câu chuyện cuộc đời liên quan đến bà, đến nhạc sĩ họ Trịnh... Không cần nhìn giấy, câu chuyện bà kể rất súc tích, hấp dẫn và cảm động. Khán giả ngồi nghe say mê, lặng phắc suốt gần 3 tiếng đồng hồ.
Thế nên, nhà sản xuất (NSX) chương trình đã mời và Khánh Ly đã về liên tiếp 2 show chỉ sau 3 tháng. Show thứ hai gặp buổi trời mưa, lượng khách không như dự kiến. Giọng hát vẫn thế, lửa nhiệt tình và phong độ Khánh Ly không thay đổi, âm thanh ánh sáng sân khấu vẫn ở khung đỉnh của nhà nghề. Nhưng, có lẽ do vấp phải vấn đề tài chính, NSX đã phải tính lại bài toán về chi phí và xì-căng-đan bản quyền tác giả xảy ra.
Nhớ đến xì-căng-đan show diễn này, lập tức ký ức hiện ra khuôn mặt nhàu nhĩ, cáu kỉnh của NS Phó Đức Phương trên một số phương tiện thông tin đại chúng. Ở đó, có những người gọi ông là kẻ không biết điều, là kẻ tham lam, mê tiền quên mất thiên chức của mình là người sáng tác âm nhạc. Nâng ly cà phê nguội ngắt trên tay, tôi thử hình dung công việc của ông ở một chiều kích khác. Nếu ông không mẫn cán đến tận cùng, nếu ông không đến tận sân khấu - cái nơi mà tài sản (tác phẩm âm nhạc) của các nhạc sĩ được sử dụng để cấu thành nên giá của những chiếc vé vào cửa, làm nên doanh thu của đêm diễn để trực tiếp thương thảo thì liệu ông có là người hoàn thành nhiệm vụ được các nhạc sĩ ủy thác hay không? Có người bảo, việc gì phải đến như thế, hỏng hết cả hình ảnh cao quý của một tác giả từng được công chúng hâm mộ và kính trọng? Cứ việc ngồi ở văn phòng, luật đã có rồi, người ta không thực thi thì đem vụ việc ra mà kiện?
Căn bệnh Gato (ghen tức) hay sống cho sự thật?
Nếu cái việc thực thi luật pháp đơn giản, dễ dàng như thế thì nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả văn học đã không kêu lên rằng: dấn thân vào cõi quyền tác giả, mới biết thế nào là hai từ nhớp nhúa. Và truyền thông đã không thể có một hình ảnh Phó Đức Phương bặm môi, vung tay, mặt mày gân guốc; cũng không có một ông Phó Đức Phương với 12 năm dấn thân cho cái việc “đi đòi nợ thuê”, chỉ viết được mỗi một bài hát. Nghiệp đời, hay thói quen: làm cái gì cũng mẫn cán - trong âm nhạc một nốt (note) một chữ (ca từ) ông cũng đau đáu, cũng vật vã, cũng khổ ải? Ngay như cái việc thẩm định bài hát Chắc ai đó sẽ về của Sơn Tùng M-TP cũng đem lại cho ông không ít sóng gió. Sơn Tùng là cái tên được nhắc nhiều nhất trong năm qua ở làng giải trí Việt. Cùng với sự yêu mến của rất đông khán giả trẻ với các bản hit Cơn mưa ngang qua, Em của ngày hôm qua, Chắc ai đó sẽ về... lại là những ồn ào về chuyện “đạo nhạc”. Người trẻ không biết, đám đông không biết về chuyên môn bênh Sơn Tùng đã đành (vì đám đông ở ta chỉ nghe với thói quen nghe ca từ, giai điệu, chưa phân biệt được các bản phối (beat), chưa có khả năng để phân biệt rằng, nhờ bản phối hay mà tác phẩm trở nên có giá trị hơn. Thậm chí, còn ít người biết đến các nhạc sĩ hòa âm phối khí rất đáng trọng nể như: Minh Đạo, Trần Thanh Phương, Quốc Trung, Hồ Hoài Anh... Hai nhạc sĩ sau, sở dĩ được biết đến nhiều hơn vì các anh có viết ca khúc và có hình ảnh trên truyền thông.
Trước khi bị một hội đồng thẩm định (HĐTĐ) trong đó có NS Phó Đức Phương xem xét bản beat Chắc ai đó sẽ về để tiến hành một bộ phim cùng tên, nam ca sĩ được khán giả Bài hát yêu thích tung hô, với nhạc phẩm Cơn mưa ngang qua. Những bản nhạc của Sơn Tùng M-TP dần phủ sóng trên thị trường âm nhạc Việt Nam, đặc biệt, Em của ngày hôm qua trở thành một hiện tượng và MV này có lượt xem kỷ lục trên Youtube. Việc đi ngược lại với ý kiến đám đông đã đem lại cho ông NS vốn đã bị đám đông bức xúc, thêm một lần bị ném đá. Trong HĐTĐ có các tên tuổi như: Doãn Nho, Trương Ngọc Ninh, Đỗ Bảo, Dương Khắc Linh, Lê Minh Sơn... nhưng người bị ném đá dữ dội chỉ là Phó Đức Phương. Tưởng là ông sẽ nhụt chí, nhưng không, khi được mời lần hai vào HĐTĐ, ông vẫn tham gia, với tâm thức rằng: “Đây không phải chuyện thắng thua, đây là trách nhiệm của một người đứng đắn. Nếu cứ để xã hội hiểu lầm và bản thân Sơn Tùng cũng lầm lẫn theo thì danh dự làng nhạc Việt... còn ra gì nữa”. Và sau lần nữa thẩm định, Bộ VHTT&DL đã ra kết luận, Sơn Tùng phải viết lại bản phối (beat) thì phim mới được công chiếu, cũng có nghĩa Chắc ai đó sẽ về mới được công nhận là sáng tác của Sơn Tùng. Gạch đá nguôi dần...
***
Đêm đã khuya. Nhưng tôi vẫn chưa muốn về nhà. Lòng vẫn phân vân, buồn man mác. Làm việc đúng sao lại khó đến vậy. Sao sự thật lại không được ủng hộ? Phải chăng, vì “vô tri bất mộ”? Hay con người thường hành động theo cảm tính? Lúc này đã sắp tới giao thừa, quán vẫn còn một số khách. Những người tư lự như tôi chắc cũng đang xem lại bộ phim ký ức của một năm, một tháng, một đời... Chắc cũng day dứt câu hỏi: Có nên sống vì sự thật không? Hay cứ a dua cho vui, cho dễ?... Tôi nhớ đến câu nói của NS Đỗ Bảo, tác giả của những Bức thư tình, hiện đang là giảng viên Trường Nghệ thuật quân đội: “Việc mượn beat để ứng tác tác phẩm là đạo nhạc. Cách làm này tạo ra những sáng tác giả dối, từ đó nền âm nhạc sẽ tràn ngập các tác phẩm phái sinh hàng nhái, triệt tiêu lao động sáng tạo và môi trường đào tạo âm nhạc”...
Không gian lại vẳng lên bản Ave Maria. Một tác phẩm có phần hòa âm từ một bản nhạc của Johann Sebastian Bach do một nhà soạn nhạc Pháp Charles Gounod viết ra. Ca khúc này sau đó đã trở thành một trong những bài hát kinh điển nổi tiếng, nhưng cả thế giới và chính C. Gounod vẫn gọi là “Ave Maria” là của Bach/Gounoud. Tôi nghĩ, Sơn Tùng còn quá trẻ, 20 tuổi đời, em có năng lực bẩm sinh, em đã làm được một số việc không phải ai cũng làm được. Nhưng những ngộ nhận của đám đông, những người không căn cứ từ sự thật mà chỉ dựa vào cảm tính nhất thời, có thể dẫn đến ngộ nhận của em và như thế nguy hiểm cho con đường sáng tạo mà em lựa chọn...

Không thật thì... còn ra gì nữa
Lan man nghĩ ngợi, lại nhớ chuyện chẳng liên quan gì đến giới showbiz, đến chị Phạm Thị Lành, người bán vé số nghèo ở Đồng Tháp đã từ chối 10 chiếc vé số đoạt giải trị giá lên tới 6,6 tỉ đồng năm nào. Chỉ là một phụ nữ ít được học hành, từ Hồng Ngự chị Lành bươn chải theo nghề bán vé số xa nhà đến tận Bến Lức, Long An. Hôm ấy, anh Đỗ Ngọc Tuấn, một khách hàng quen đi qua, nói chị bán chịu cho 10 tờ vé số (chưa trả tiền). Bất ngờ, 10 tờ vé số chị Lành giữ lại cho anh Tuấn trúng lô đặc biệt với tổng trị giá 6,6 tỉ đồng. Theo các luật sư, cũng như theo lời anh Tuấn thì về mặt luật pháp thì giao dịch mua - bán vé số của chị Lành và anh Tuấn “chưa hoàn thành”, nếu chị Lành có giữ lại không đưa anh Tuấn thì anh Tuấn cũng không biết, nếu biết cũng không làm gì được. Ấy vậy mà, người phụ nữ nghèo và ít học ấy đã không ngần ngại trả cho anh Tuấn 10 tờ vé số may mắn ấy, chỉ lấy đủ 200 ngàn tiền của 10 tấm vé mà thôi. Người ta thuật lại lời chị Lành rằng:
“Hồi đó tới giờ tôi bán vé số có khi bị ế, anh Tuấn vẫn mua ủng hộ dù không trúng vẫn trả tiền đầy đủ. Mấy tờ vé số này ảnh chưa trả tiền, trúng hay trật cũng là của ảnh, tôi mà không trả thì còn ra gì nữa!”.
“Còn ra gì nữa”, chính là sự thức tỉnh của đạo đức. Không phải của mình, không lấy. Một lời đã nói như đinh đóng cột. Sự thức tỉnh của đạo đức khiến cho con người tin vào con người và xã hội trở nên tốt đẹp hơn.
Những người ở các lĩnh vực khác nhau như Phó Đức Phương, Trương Ngọc Ninh, Đỗ Bảo hay Phạm Thị Lành, những người lái xe taxi trả lại tiền của khách để quên, các em học sinh đem đến đồn công an của rơi nhặt, dù giá trị của nó có thể làm các em đổi đời... đều có một điểm chung là sự thức tỉnh đạo đức. Họ có đấu tranh với chính bản thân giữa cái dễ và cái khó trong hành trình sống của mình và kết thúc bằng một câu: “Nếu không làm thế (đúng) còn ra gì nữa”.
Nhà văn Trần Thị Trường