Sau khi bão Yagi đi qua gây thiệt hại nặng nề, người trồng hoa, cây cảnh phục vụ Tết ở Hưng Yên đứng trước một vụ mùa thất bát.
Chia sẻ với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, anh Duy, chủ một nhà vườn cây cảnh (ở xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, Hưng Yên) cho hay, khó khăn vất vả của nghề làm vườn, những dãi nắng dầm mưa đã nếm trải đủ cả, thế nhưng sự tàn phá của cơn bão số 3 khiến gia đình anh và các hộ trồng hoa lân cận "điêu đứng".
"Vườn của tôi cũng như nhiều vườn hoa, cây cảnh, cây ăn quả ở Văn Giang bị hư hỏng rất nặng, mỗi một cây cảnh có giá từ 3-5 triệu đồng, thậm chí lên hàng chục triệu đồng đều bị bão quật gãy đổ", anh Duy nói.
Tương tự, chị Phượng (chủ nhà vườn tại xã Xuân Quan, Văn Giang) tâm sự, tuần trước, gia đình bắt đầu ươm khoảng hơn 3ha hoa giống để bán vào dịp Tết Ất Tỵ, nhưng bão Yagi quét qua, vườn hoa giống này đổ nát, dập hỏng, nhà lưới của gia đình bị đổ sập. Thiệt hại ước tính khoảng 40 - 50 triệu đồng.
Không chỉ là năm khó khăn với người trồng hoa, bão Yagi đã 'phá' nát rau màu, làm hư hỏng chuồng trại chăn nuôi và hàng chục ha chuối đều đổ rạp.
Đến xã Đức Hợp, huyện Kim Động, Hưng Yên được xem vựa chuối, là nguồn thu nhập chính của người dân trong xã. Anh Nguyễn Văn Bình (thôn Đức Hoà, xã Đức Hợp) chia sẻ, gia đình anh trồng hơn 2ha chuối, sau cơn bão, gần như toàn bộ diện tích trồng chuối bị xoá sổ hoàn toàn.
Theo anh Bình, mỗi ha chuối bị gãy đổ, gây thiệt hại từ 70-80 triệu đồng cho người nông dân.
"Vườn chuối ngả nghiêng sau cơn bão, các thân chuối to đều đổ rạp xuống đất. Chuối gãy đọt, xiêu vẹo, các buồng chuối gần đến ngày thu hoạch đều không tránh khỏi cảnh rơi rụng xuống mặt đất. Phải mất 6 tháng trồng, cây chuối con mới trổ buồng, cho trái. Từ giờ đến Tết không kịp trồng lại để thu hồi vốn", anh Bình nói.
Nguồn thu từ cây chuối, vườn hoa mất trắng, người dân còn phải bỏ công chặt bỏ dọn vườn và bỏ vốn trồng lại từ đầu toàn bộ diện tích, thấp thỏm chờ vụ Tết.