Tần giao, vị thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh. Thuốc là rễ của nhiều loại cây thuộc họ long đờm.
Đông y cho rằng, tần giao có vị đắng cay, tính hơi hàn, quy vào các kinh như vị, đại trường, can, đởm. Chủ trị nóng rét, phong tê, gân xương co quắp, hoàng đản, đại tiện ra máu, lao nhiệt cốt chưng, trẻ con cam nóng...
Người ta cũng đã phân tích thành phần trong tần giao thấy chủ yếu là gentianin, gentianidin, alkaloide, gentanin A, B, C, gluco và ít dầu bay hơi...
Y học hiện đại cũng cho rằng có tác dụng kháng viêm rõ rệt do thành phần gentianin A tác động lên hệ thần kinh làm hưng phấn chức năng tuyến yên - vỏ thượng thận. Thuốc còn tác dụng an thần, giảm đau, giải nhiệt, kháng histamin, chống choáng do dị ứng. Mặt khác, thành phần gentianin A có tác dụng nâng cao đường huyết, hạ huyết áp và làm giảm nhịp tim trong thời gian ngắn. Nước sắc tần giao có tác dụng lợi tiểu.
Tần giao được sử dụng trị liệu một số bệnh chứng như:
Trị thấp khớp (viêm đa khớp đau nhức, chân tay co quắp): Dùng tần giao 12g, độc hoạt 8g, xuyên khung 8g, bạch chỉ 10g, hải phong đằng 10g, nhũ hương 10g, đào nhân 10g, hoàng bá 10g, uy linh tiên 10g, hán phòng kỷ 12g, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 - 3 lần.
Trị chứng hư lao (bao gồm lao phổi, sốt thấp về chiều tối, đêm ngủ ra mồ hôi): Dùng “Tần giao - Miết giáp tán” gồm tần giao 20g, miết giáp 40g, địa cốt bì 40g, sài hồ 40g, tri mẫu 20g, đương quy 20g, tán bột mịn, mỗi ngày dùng 20g cho vào sắc với ô mai 1 quả, thanh hao 12g, sắc uống vào lúc đi ngủ.
Hoặc tần giao 12g, địa cốt bì 12g, thanh hao 8g, cam thảo 8g, sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần.
Trị sưng đau răng lúc nhổ: tần giao và phòng kỷ lượng bằng nhau, sấy khô, tán bột mịn rây cho vào nang thuốc 0,3g, trước khi nhổ răng 30 phút, uống 2 viên nang; sau khi nhổ, cứ 6 giờ uống 1 lần trong 3 ngày liền cho kết quả rất tốt.
BS. HOÀNG XUÂN ĐẠI