Tận dụng quả trên cây cảnh sau Tết thế nào để không gây hại cho sức khoẻ?

02-02-2023 16:48 | Xã hội
google news

SKĐS - Quất, bưởi, phật thủ, cam canh… là những loại cây cảnh phổ biến chơi Tết. Việc tận dụng các loại quả này sau Tết cần có lưu ý nhất định, tránh độc hại.

Quất bonsai vẫn được ưa chuộng trưng bày Tết Quý MãoQuất bonsai vẫn được ưa chuộng trưng bày Tết Quý Mão

SKĐS - Với hình dáng độc, lạ, kích thước nhỏ gọn, những cây quất bonsai đang được nhiều khách hàng lựa chọn trong dịp Tết Nguyên đán. Đặc biệt, giá của cây cảnh quất bonsai phù hợp với nhiều tiêu chí lựa chọn của khách hàng.

Cây cảnh dùng rất nhiều chất kích thích

Sau Tết, các loại cây cảnh có quả như bưởi, quất, phật thủ… vẫn còn tươi, đẹp. Nhiều người vì tiếc nên tận dụng quả làm mứt, siro hay dùng thay chanh để cho vào món ăn. Liệu các loại quả này có an toàn cho sức khỏe.

Theo Đông y, phật thủ vị cay, đắng, chua, tính ấm, có tác dụng chữa các chứng ăn không tiêu, đầy bụng, đau dạ dày, đau gan, cổ họng nghẹn tắc, ngực tức đầy, mạng sườn chướng đau. Các nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy, phật thủ có tác dụng giải trừ sự co thắt cơ trơn, hạ huyết áp, cắt cơn hen và tăng cường chức năng tiêu hóa… đồng thời chứa nhiều vitamin C, đường, acid hữu cơ…

Còn quả quất chứa nhiều vitamin A, C, B1, B11, và canxi, phốt pho, kali, kẽm... có tác dụng kiện tỳ, thông phổi, trừ đờm, trị viêm họng, ho cảm, giải rượu, có lợi cho người cao huyết áp.

Tận dụng quả trên cây cảnh sau Tết thế nào cho an toàn? - Ảnh 2.

Lưu ý khi tận dụng lại quả từ cây cảnh sau Tết.

Theo TS Nguyễn Văn Khải, nguyên cán bộ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các loại cây cảnh trưng bày trong quá trình chăm sóc không phải tuân thủ nguyên tắc an toàn như sản xuất thực phẩm. Mục đích làm ra cây cảnh là để ngắm, nên nhà vườn sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng, thuốc chống rụng quả… Các loại thuốc này thậm chí được sử dụng liên tục với mục đích tạo ra cây bắt mắt nhất. Đương nhiên khi đó, quả không còn an toàn để làm thực phẩm.

Cùng quan điểm này, PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả cho biết, quất, bưởi, phật thủ, thậm chí là cam canh... là những cây cảnh, trong quá trình chăm bón, người trồng chỉ tập trung các kỹ thuật làm sao để cây cho ra càng nhiều quả càng tốt, quả không bị sâu bọ tấn công, đẹp về hình thức là được.

Để bảo vệ được quả, cho màu sắc đẹp, tươi rói, người làm vườn phải liên tục sử dụng các loại thuốc trừ sâu, thuốc kích thích sinh trưởng, bảo quản. Vì thế, không thể tránh khỏi dư lượng thuốc còn tồn đọng trên vỏ quả, ngay cả khi đem chậu cây đó về nhà cả chục ngày.

Để không lãng phí, có thể sử dụng quất thay chanh để chế biến các món ăn. Tuy nhiên khi dùng thì phải bỏ vỏ, ngâm nước muối sạch rồi mới dùng. Tuyệt đối không sử dụng để làm thuốc, đặc biệt là phật thủ. Nếu muốn chế biến thuốc theo công thức của Đông y thì phải chọn loại quả sạch, an toàn. Đã có nhiều trường hợp sử dụng những loại quả trên cây cảnh bị ngộ độc phải đi cấp cứu.

"Không nên vì tâm lý tiếc rẻ mà cố tận dụng, chế biến thành các món khác như mứt, nước uống… vì nhiều khi ngay cả khi đã thành các món khác cũng không có nhu cầu dùng đến, rồi để lâu hỏng lại bỏ đi, rất phí công. Phải xác định đó là cây cảnh, khi đã không còn trưng làm cây cảnh được nữa thì nên bỏ đi", TS Nguyễn Văn Khải nói.

Chỉ tận dụng quả được trồng tự nhiên

Ngoài quất cảnh còn có ổi, bưởi, táo… Những cây bưởi ghép có đến vài chục quả/cây, nếu sau Tết bỏ đi thì sẽ rất phí, liệu ăn loại quả này có an toàn? 

Theo TS Nguyễn Văn Khải, riêng bưởi có lớp vỏ khá dày nên hoàn toàn có thể sử dụng để ăn. Tuy nhiên lưu ý không sử dụng vỏ bưởi để chiết xuất tinh dầu hay đun nước xông vì nguy cơ hóa chất còn tồn lưu trên vỏ. Với cây cảnh khác như ổi, táo… thì tốt nhất không nên ăn, khi nào quả rụng thì nên vứt bỏ, cắt tỉa lại cành để trồng lại cây.

"Tuy vậy, đa số bưởi cảnh chỉ đẹp chứ chất lượng quả không cao. Trong khi bưởi tươi rất lâu trên cây, có thể đến vài tháng vẫn đẹp. Cách hợp lý hơn cả là cứ để cây như thế làm cảnh cho đẹp, khi nào quả rụng thì bỏ đi chứ không nên tiếc", TS Khải nói.

Quả quất có tác dụng chữa ho, tiêu đờm, dễ tiêu hóa, giải nhiệt cơ thể khi nắng nóng. Loại quả này có thể được dùng để chế biến nước quất ép, nước giải khát bằng cách ngâm với đường, muối, hoặc dùng vỏ sao với gừng sắc uống. Tuy nhiên, những công dụng trên chỉ ở quả quất được trồng tự nhiên, sạch, còn với cây quất cảnh, do chứa nhiều thuốc bảo vệ thực vật nên ẩn chứa nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

Trong trường hợp vẫn muốn tận dụng những loại quả trên thì phải sơ chế cẩn thận trước khi đưa vào sử dụng. Nếu chỉ rửa bằng nước lã sẽ chỉ sạch phần bụi bẩn bên ngoài, không có tác dụng khử độc tố.

Theo TS Nguyễn Văn Khải, có thể ngâm quả qua vài lần nước muối để các chất độc ngấm sâu trong vỏ quả nhạt phai bớt hoặc ngâm trong các dung dịch rửa rau quả. Nếu có điều kiện, nên rửa các loại quả trên trong máy rửa hoa quả của các hãng uy tín sẽ yên tâm hơn. Sau khi ngâm, rửa kỹ, phơi quả ráo nước rồi mới cho vào lọ ngâm đường hay làm mứt tùy ý.

Với gia đình có sân vườn hay ban công, có thể tận dụng để trồng lại cây cảnh sau Tết. Nếu được chăm sóc đúng cách, cây sẽ cho quả vào đúng Tết năm sau, vừa có cây để ngắm, vừa có quả an toàn để ăn.

Ở thủ phủ quất cảnh Hưng Yên, giá cao gấp rưỡi vẫn "cháy hàng"Ở thủ phủ quất cảnh Hưng Yên, giá cao gấp rưỡi vẫn 'cháy hàng'

Quất cảnh phục vụ Tết ở Văn Giang đang được nhiều thương lái săn đón dù giá cao gấp rưỡi so với trước đây. Năm nay, việc buôn bán của người dân ở thủ phủ hoa cây cảnh của Hưng Yên khá khởi sắc.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Danh Tính 4 Cán Bộ Chi Cục Hải Quan Cửa Khẩu Quốc Tế Nậm Cắn Nhận Hối Lộ Bị Khởi Tố | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn