Tận dụng lợi thế cơ cấu dân số vàng để phát triển kinh tế, xã hội

29-10-2018 14:10 | Thời sự
google news

SKĐS - Từ năm 2007, Việt Nam đã bước vào thời kỳ dân số vàng và dự báo kéo dài 40 năm. Đây là cơ hội lớn để nước ta bứt phá, phát triển kinh tế, xã hội nếu lợi thế cơ cấu dân số vàng được tận dụng một cách hiệu quả.

Lợi ích của cơ cấu dân số vàng là gì?

Do tác động của chính sách kế hoạch hóa gia đình, sinh đẻ ít nên tỷ lệ trẻ em trong tổng dân số giảm nhiều nhưng nhóm dân số “trong độ tuổi lao động” tăng nhanh. Năm 1979, nhóm này chỉ chiếm 53% tổng dân số thì đến năm 2007 đã đạt 67,31% và năm 2014 là 69,4%.

Khi tỷ lệ nhóm dân số “trong độ tuổi lao động” chiếm ít nhất 66%, nghĩa là chiếm 2/3 tổng dân số trở lên thì được coi là quốc gia có “cơ cấu dân số vàng” hay đơn giản là “dân số vàng”. Như vậy, năm 2007, Việt Nam đã bước vào thời kỳ “dân số vàng” và dự báo kéo dài gần 40 năm. Lợi thế to lớn của cơ cấu dân số vàng đem lại chính là nguồn nhân lực dồi dào nếu được tận dụng tối đa trí tuệ, sức lao động, sẽ tạo ra khối lượng của cải vật chất khổng lồ, tạo ra giá trị tích lũy lớn cho tương lai của đất nước. Nói cách khác, nếu tận dụng được cơ cấu dân số vàng sẽ tạo ra sự vượt bậc về kinh tế. Về mặt xã hội, dân số vàng tạo điều kiện cho giáo dục phát triển.

Do đặc điểm thời kỳ “dân số vàng” là mức sinh thấp nên xét trên phạm vi toàn quốc, áp lực dân số lên hệ thống giáo dục phổ thông giảm mạnh. Mặt khác, trong phạm vi hộ gia đình, nhờ kết quả của chương trình kế hoạch hóa gia đình, phần lớn các cặp vợ chồng chỉ có 1 hoặc 2 con, tạo điều kiện thuận lợi cho các gia đình chăm sóc sức khỏe và cho con đến trường, tạo điều kiện cho nước ta chuyển hướng phát triển giáo dục từ số lượng sang chất lượng. Không chỉ thế, điều này còn làm cân bằng giữa tỷ lệ nữ sinh và nam sinh trong hệ thống giáo dục quốc dân, làm nâng cao vị thế của phụ nữ, góp phần thực hiện tốt bình đẳng giới...

Tạo đủ việc làm cho người lao động góp phần phát huy tốt lợi thế dân số vàng ở nước ta.

Tạo đủ việc làm cho người lao động góp phần phát huy tốt lợi thế dân số vàng ở nước ta.

Giải pháp phát huy lợi thế dân số vàng

Cơ cấu dân số vàng mới chỉ có nghĩa là dân số trong độ tuổi từ 15 - 64 chiếm tỷ lệ cao trong tổng dân số, mới chỉ mang lại “khả năng”, “cơ hội” chứ chưa phải là đã đem lại ngay kết quả cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Do vậy, để dân số vàng không chỉ “vàng” về số lượng mà còn vàng cả về chất lượng thì cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp:

Tăng cường bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân: Thực hiện tốt giải pháp này sẽ nâng cao tỷ lệ những người “trong độ tuổi lao động” có khả năng làm việc vì những người “trong độ tuổi lao động” nhưng ốm đau, bệnh tật, khuyết tật, thương tật thì khả năng lao động bị hạn chế hoặc mất hoàn toàn. Bên cạnh đó, việc ốm đau, bệnh tật, khuyết tật, thương tật của người ngoài độ tuổi lao động như trẻ em và người cao tuổi cũng ảnh hưởng khả năng làm việc của người trong độ tuổi lao động vì phải nghỉ việc để chăm sóc. Vì vậy, tăng cường bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của toàn dân nói chung và những người “trong độ tuổi lao động” nói riêng là yêu cầu trước tiên, yêu cầu cơ bản nhằm tận dụng cơ hội “cơ cấu dân số vàng”.

Tạo đủ việc làm cho người “có khả năng làm việc”: Nếu những người “có khả năng làm việc” lại thiếu việc làm hoặc thất nghiệp thì cơ hội “dân số vàng” bị bỏ lỡ; đất nước chậm, thậm chí không thể phát triển. Vì vậy, cần tăng cơ hội việc làm, hướng đến những việc làm tạo giá trị gia tăng cao dựa trên tăng năng suất lao động. Có chính sách xuất khẩu lao động đảm bảo tạo việc làm và thu nhập cho người lao động một cách bền vững. Mở rộng nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường lao động. Tạo điều kiện tiếp cận cơ hội đào tạo nghề cho phụ nữ. Thúc đẩy dịch chuyển lao động nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ. Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người lao động; hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật của nền sản xuất xã hội; cải tiến quản lý; khuyến khích mọi người làm việc có năng suất và thu nhập cao.

Xây dựng xã hội học tập tích cực: Năm 2016, gần 42% số lao động của nước ta tập trung tại khu vực nông, lâm, ngư nghiệp vốn có năng suất thấp nhất. Mặt khác, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp và mất cân đối, mới có 18% số dân ở độ tuổi 15 tuổi trở lên có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, trong đó, 7,3% có trình độ đại học và trên đại học, nhưng số có trình độ sơ cấp lại chỉ là 1,8%. Những đặc điểm này làm cho năng suất lao động của Việt Nam rất thấp so với các nước trong khu vực (chỉ bằng gần 7% của Singapore, bằng 20% của Malaysia và 40% của Thái Lan). Chính vì vậy, cần có giải pháp để xây dựng xã hội học tập đích thực, đào tạo lực lượng lao động có trình độ chuyên môn góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết số 21-NQ/TW của ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII nêu rõ mục tiêu của công tác dân số trong tình hình mới chính là giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.


Thanh Tâm
Ý kiến của bạn