Vụ việc phát hiện và bắt giữ số lượng rùa biển lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam ở cơ sở chế tác mỹ nghệ xã Phước Đồng, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã hé lộ thực tế nhức nhối trong thời gian qua ở vùng biển Việt Nam - nạn khai thác theo kiểu tận diệt các loài sinh vật, đồng thời cũng cho thấy sự quản lý có phần lỏng lẻo của chính quyền các địa phương nhằm phát hiện sớm, ngăn chặn tình trạng này. Ngày 26/11, Sở NN&PTNT Khánh Hòa cho biết đã có văn bản đến Viện Hải dương học Nha Trang trưng cầu giám định từng xác rùa để xác định chính xác chủng, loài cũng như mức độ quý hiếm, nguy cấp của từng cá thể để bên công an có căn cứ định tội.
Tang vật của một vụ án.
Đánh bắt, chế biến “bài bản”
Lực lượng chức năng kiểm kê 3 kho hàng có chứa rất nhiều xác rùa biển, đồi mồi, vích, ốc tai tượng trong đó có những cá thể còn đang ngâm trong các bể hóa chất. Số lượng đến gần 4,5 tấn được đựng trong 230 bao với hàng nghìn cá thể. Đây là các loại động vật quý hiếm nằm trong Sách Đỏ phải được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Các chuyên gia của Viện Hải dương học đã đưa ra những nhận định ban đầu: các mẫu khô rùa biển thuộc 3 loài thường xuất hiện ở vùng biển Việt Nam là vích, đồi mồi và tráng bông.
Đối tượng Hoàng Tuấn Hải (SN 1972, trú tại xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) khai nhận là chủ của các nhà kho và cơ sở chế tác đồ mỹ nghệ này. Ngoài ra, tại các vùng biển thuộc tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh ven biển miền Trung còn có cả một đội ngũ chân rết trong đường dây săn bắt và buôn bán. Các đối tượng này đầu tư tài chính và trang thiết bị chuyên dụng để săn bắt tại hải phận Việt Nam và một số quốc gia khác. Mỗi con được mua từ 200 - 300 ngàn đồng, sau đó được chuyển đến xưởng chế tác tại TP. Nha Trang để xẻ thịt, sơ chế, ngâm tẩm hóa chất và sấy khô thành đồ mỹ nghệ trước khi được buôn lậu sang Trung Quốc.
Bà Bùi Thị An (Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội) cho rằng: Qua sự việc này cho thấy chúng ta cần nâng cao tinh thần cảnh giác cũng như nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, các bộ ngành trong việc tuyên truyền phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị để có thể phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm. Vụ việc vừa qua đáng ghi công cho lực lượng Cảnh sát môi trường nhưng lại đáng buồn cho một số người dân không nhận thức đầy đủ vì những lợi ích trước mắt. Theo đó, bên cạnh những biện pháp tuyên truyền, cần có chế tài đủ mạnh để răn đe nếu không sẽ lại tái diễn.
Đại tá Trần Trọng Bình - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCTP về môi trường (C49) - Bộ Công an cho biết: Vụ án đang được điều tra mở rộng, nếu có đủ căn cứ cấu thành, cơ quan CSĐT sẽ xem xét khởi tố theo quy định của pháp luật.
Còn nhiều lỗ hổng?
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, tuổi trưởng thành của rùa biển là 50 năm. Tuổi thọ trung bình của loài động vật này là 200 năm, thậm chí có con đến nghìn năm. Cũng theo Sách Đỏ, trái đất hiện nay còn 7 loài rùa đang tồn tại, sinh sống. Tất cả đều nằm trong danh sách những loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Không phải đến khi xảy ra vụ việc phát hiện nhiều tấn mẫu khô rùa biển, tính bức thiết bảo vệ rùa biển mới được đặt ra. Lâu nay, Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới liên tục đưa ra cảnh báo về nguy cơ tuyệt chủng của rùa biển. Thống kê từ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, hàng năm có khoảng 42.000 cá thể rùa biển bị đánh bắt. Cách thức nào để ngăn chặn nạn tận diệt rùa biển đang là vấn đề lớn của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ, mọi hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt rùa biển đều bị xem xét xử lý hình sự với mức tối đa lên đến 7 năm tù, bất kể số lượng hay giá trị tang vật theo Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009. Ở các vùng biển của Việt Nam hiện có 5 loài rùa biển và cả 5 loài này đều được đưa vào trong Sách Đỏ Việt Nam.
Luật thì như vậy, nhưng qua vụ việc trên, nhiều câu hỏi được đặt ra: Vì sao một cơ sở chế tác mỹ nghệ hoạt động đã 7 năm, liên tục thu gom lượng lớn mẫu khô rùa biển lớn như vậy, nhưng cả chính quyền đến các cơ quan chức năng đều không phát hiện ra? Đằng sau đường dây tận diệt rùa biển này cho thấy vẫn còn nhiều kẽ hở của các cơ quan liên quan trong công tác bảo tồn động vật, quản lý kinh doanh, quản lý nguồn lợi biển.
Tiến Đà