Hà Nội

Tân Cương du ký

08-11-2013 13:07 | Xã hội
google news

Trời se lạnh. Tôi đang đi trong cảm xúc hoang hoải của miền đất bán sơn địa, trên đất Thái Nguyên, bỗng có những tiếng cười giòn giã trên một đồi chè. Tôi ngước nhìn, thì ra đã là Tân Cương, với cái biển đề to đùng của một nhà máy, như một cái mốc biên giới của một vùng chè nổi tiếng.

Trời se lạnh. Tôi đang đi trong cảm xúc hoang hoải của miền đất bán sơn địa, trên đất Thái Nguyên, bỗng có những tiếng cười giòn giã trên một đồi chè. Tôi ngước nhìn, thì ra đã là Tân Cương, với cái biển đề to đùng của một nhà máy, như một cái mốc biên giới của một vùng chè nổi tiếng. Sông Công chảy êm đềm, uốn khúc giữa những đồi chè xanh ngút ngát. Một con thuyền vào lấy hàng của gia chủ. Thế là tôi sán vào hỏi han mấy ông đang ngây ngất với điếu thuốc lào. Sẵn có ấm trà, họ mời tôi một chén. Nhận ra cái chất của trà Tân Cương Thái Nguyên, có vị ngọt đọng lại sau hương hoa sói.

Đúng là trà móc câu! Tôi chợt thốt lên làm ra vẻ sành điệu, thì bất ngờ có một bác ngồi bên bờ sông nói lại rằng, đây là thứ trà mốc cau sau khi đã làm hương, đánh mốc cho chè móc câu, tạo nên một thứ chè có màu đốm trắng như hoa cau non. Thế mới là trà đặc sản Tân Cương. Thật rắc rối, tôi cười trừ rồi hỏi nó khác nhau thế nào, thế là tôi được nghe bao nhiêu chuyện từ người nông dân trồng chè này. Mấy người trên thuyền cũng xúm quanh ấm trà...

Tân Cương du ký 1

Giọng ông trầm ấm, kể từ khi chè ở vùng này sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP, nghĩa là chè sạch và áp dụng kỹ thuật trồng trọt hiện đại, chất lượng chè Tân Cương lại càng được ưa chuộng trên thị trường quốc tế. Nhưng ông nhấn mạnh, có mỗi chuyện hái chè là cái anh máy móc chịu chết, vì không thể tách ra được theo cái gọi là một tôm hai lá. Ông cười, thế là cả cái vùng chè rộng lớn này vẫn phải trông vào bàn tay khéo léo của các cô, các bà. Cứ phải một tôm hai lá mà chơi, mà ở cành non quá cũng không được, nát ngay. Vậy phải tinh con mắt, mơn mởn đấy, nhưng phải tựa cánh hạc cứng cáp...

Ông lim dim đôi mắt, nhớ lại cái đận những năm 1920, ông tổ ngành chè ở Tân Cương cũng đã lấy cái tên Cánh hạc để quảng bá cho vùng chè mới mẻ này. Đó là hình tượng của búp chè một tôm hai lá đều nhau tăm tắp. Và chè ngon Cánh hạc đã được tôn vinh Giải nhất ở khu Đấu xảo (Hội chợ Thương mại Hà Nội) năm 1935. Ngay lập tức các thương gia Ấn Độ đã đến tận Thái Nguyên để đặt hàng mang đi các nước.

Trầm ngâm một lúc, rồi ông diễn giải, cho dù với thương hiệu Cánh hạc hay Tân Cương, hoặc Tân Cương - Hoàng Bình... thì vị chè ở đây không hề thay đổi. Nó còn được gọi là thứ ngọc ẩm, khác hẳn với chè các vùng lân cận, kể cả chè Phú Thọ, nơi mà chè Tân Cương đã lấy giống ở đó về trồng. Ông khẳng định, giống hạt ban đầu là ở Phú Thọ đấy, nhưng mang về đất này trồng lại khác hẳn, đã biến hóa thành những cây chè xanh tốt có tán rộng tới hàng mét và có vị chát đậm, ngọt hậu mà những vùng chè khác không thể có. Điều này thì tôi cũng có những trải nghiệm nên rất tán thưởng.

Tôi đã đến vùng chè Bảo Lộc - Lâm Đồng, hay Mộc Châu - Sơn La, hoặc Tủa Chùa - Điện Biên, hay Sa Pa - Lào Cai... đều không thể có dư vị ngọt hậu thơm đến thế. Ông bất chợt hỏi tôi có biết vì sao chè ở Tân Cương có nét độc đáo đó không. Tôi ớ ra và ngơ ngẩn như chú bò đội nón vậy. Ông lại cười thú vị nói, cái đất, cái nắng, cái gió, giọt sương, áng mây ở đây kỳ lạ lắm. Ông trời đã sắp xếp hết cả. Này nhé, ông kể con sông Công chảy qua làng là một nguồn nước vô tận cho việc tưới tiêu trên các đồi chè mâm xôi, đồng thời sông cũng là cái máy điều hòa thời tiết mỗi khi nóng bức, gió đông lãnh lẽo. Ngay kể cả vùng Hồ Núi Cốc cũng góp phần tạo nên một không khí dịu mát thỏa mãn cho cây chè sinh trưởng. Còn nữa, ông chỉ về phía dãy núi Tam Đảo, chính là màn chắn che ánh nắng gay gắt phía Tây chiếu rọi vào các đồi chè. Những ánh sáng tán xạ tỏa khắp vùng tạo nên một độ ẩm của gió làm cho cây chè đọng lại những tinh chất của đất nuôi dưỡng.

Ấy lại nói đến thổ nhưỡng là cái chính, đó là một bí mật của chè Tân Cương. Ông tả đất ở đây, màu đỏ son, pha đất sét nhẹ, hơi bị chua (vì có độ pH từ 5,5 - 7,0), nên chè Tân Cương mới có vị chát đượm và ngọt hậu. Thế mới hay vì sao ánh mắt của các cô gái ở đây long lanh đến thế. Có thể vì cái nắng, cái gió và cái vị chè ở đây chăng, nên da người nào cũng đẹp mịn màng, với vóc dáng dịu dàng thon thả.

Bất ngờ ông lái đò mời tôi lên đò đi dọc sông Công, để ngắm từ đầu đến cuối xã Tân Cương với hàng trăm đồi chè mâm xôi cùng những đồi chè bậc thang cuồn cuộn, tạo thành hàng trăm lớp sóng từ trên cao. Tôi mừng hết nói. Con thuyền đi chậm với những thùng chè đã được đóng gói. Ông lái đò chỉ về phía núi Guộc, chính ở đó là những trại chè đầu tiên của ông tổ chè Đội Năm. Ngày đó chè được cập bến rải rác hai bờ sông Công. Ngày ngày, tấp nập thuyền đến ăn hàng. Rồi ông kể cũng chính tại nơi này, xã Tân Cương chính là địa chỉ quan trọng của Việt Bắc, khi là trung tâm đào tạo những sĩ quan của lực lượng vũ trang cách mạng vào những năm cuối thập niên 40 và đầu 50. Trụ sở các trường đều đóng ở đây. Đó là Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, Trung đoàn Tu Vũ và Trường Quân chính Quân khu Việt Bắc. Chiến dịch Điện Biên Phủ chiến thắng lừng lẫy khắp năm châu bốn biển, đều có công đóng tích cực của những người con nơi đây.

Tân Cương du ký 2
 Bình trà ở xã Tân Cương.

Con đò lệ đi ngược con đường Tân Cương về thành phố Thái Nguyên. Phía sau tôi là Hồ Núi Cốc, bồng bềnh trong những cánh cò trắng bay với những áng mây nõn nà dưới bầu trời xanh mênh mang. Còn phía trước là khu bảo tàng, hay là nhà văn hóa, hoặc khu thương mại của xã Tân Cương, kề bên con đường. Khu nhà tổng hợp trên một bãi cỏ xanh rì được thiết kế khá đẹp, mang vóc dáng một khu thưởng trà xưa rộng rãi, nên có nhiều phòng uống trà. Nơi đây cũng là địa chỉ cho các thôn xóm giới thiệu các loại trà thành phẩm với chất lượng cao nhất. Tuy khu nhà văn hóa truyền thống này không thay cho cái chợ chè cũ Tân Cương của xã bấy lâu nay, nhưng người qua đường có thể rẽ vào thưởng thức trà ngon thơm mới ra lò và có thể tham khảo chọn mua về. Lại nhớ, ngày Lễ hội trà lần thứ nhất năm 2011 tôi có dịp vào đây, thưởng thức chè mộc ủ hương hoa sói. Hương vị của ngọc ẩm của xã Tân Cương, cùng với những bộ sưu tầm ấm cổ luôn là ký ức tuyệt vời đối với tôi. Hai năm trôi qua. Vậy mà nay, mọi người lại đang nô nức chuẩn bị cho Lễ hội trà lần thứ hai vào tháng 11/2013, được tổ chức tại thành phố Thái Nguyên.

Khi rẽ vào phòng truyền thống, tôi gặp lại câu chuyện của 80 năm về trước với lịch sử của thương hiệu Cánh hạc một thời. Cô gái thuyết minh nói, đó là niềm tự hào của người dân xã Tân Cương và cũng là niềm vinh dự của cả ba xã vùng chè Tân Cương này. Người dân vẫn còn ghi nhớ công ơn của ông qua những dòng chữ trên bức hoành phi: Quân tử Vũ bản và một câu đối: Di dân không mất đi tinh thần, phong tục, đồng lòng khai phá hướng tương lai/Tụ nghĩa gian nan, chí hướng cũng gian nan, trước sau ăn ở trong sáng, vững bền.

Tôi đi miên man với sự mất còn của một chốn quê ngát hương. Cho dù chỉ một cái tên Tân Cương ngỡ là đủ, nhưng thực ra vùng chè này gồm cả ba xã cùng chung một khu vực sinh thái, đó là các xã Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu. Vậy rất cần có những cái tên tạo nên thương hiệu cho Tân Cương cụ thể hơn nữa. Như ta đã biết, thương hiệu Tân Cương - Hoàng Bình của một người từ xa đến xã dựng nghiệp chè cách đây chưa lâu đã có sức lan tỏa và xuất ngoại đi nhiều nước, trong đó có cả Mỹ. Ngẫm, tôi lại thấy tiếc cho cái tên Cánh hạc là một thương hiệu lớn đầu tiên, đích danh của xã Tân Cương, cách đây 80 năm lại bị mất. Mà đối với thương trường hiện nay, việc tạo dựng được thương hiệu, mới là sự sống còn. Ôi nỗi nhớ! Hình ảnh Cánh hạc một chiều cuối thu, man mác, buồn tênh.

Lưu Kường


Ý kiến của bạn