SKĐS - Đại dịch COVID-19 tràn qua TP.HCM để lại bao nỗi đau. Hàng ngàn trẻ em bỗng chốc thành mồ côi. Ngày nối ngày các em chỉ biết nhìn lên di ảnh mẹ, cha trong bàng hoàng, thảng thốt. Dường như những mất mát ập đến đường đột quá sức chịu đựng với lứa tuổi hồn nhiên, đang cần bao bọc, chở che.

Dồn dập những cú sốc

Ẩn sau nhiều khu phong tỏa và hẻm phố chăng dây, căn nhà cũ kỹ của em Trần Khoa Đăng Trường (10 tuổi) và Trần Thị Ngọc Tuyền (18 tuổi) ở An Lạc A (Bình Tân, TP.HCM) chìm trong buồn lặng. Cả ba mẹ của hai em đều đã ra đi  vì COVID-19.

Trường ngồi bệt trên nền gạch vân vê chiếc bánh trung thu rồi lại thả xuống. Góc giường này mẹ em vẫn thường nằm, góc nhà này ba cũng thường ngồi đếm tiền lẻ sau những ngày làm việc mệt nhọc... mọi thứ đã trở thành quá khứ.

Giọng buồn, Trường nói: "Trung thu này em chẳng còn ba mẹ cắt bánh cùng, ba đã hứa dẫn em đi tựu trường mà giờ âm dương cách biệt".

Tận cùng xót xa vì COVID-19: Ba và mẹ vĩnh viễn ra đi (P1) - Ảnh 1.

Trung thu này em chẳng còn ba mẹ cắt bánh cùng

Nhiều đêm trôi qua, trước khi ngủ, Trường mơ thấy bóng người thân. Chiếc ba lô và mấy bộ quần áo cũ của ba mẹ, Trường ôm ghì lấy để tưởng tượng người thân vẫn ở bên. 

Nhìn chiếc điện thoại cũ mèn, Trường bấm số của ba để gọi dù em biết chẳng còn ai trả lời. Em bảo: "Nhà con khó khăn, ba làm nghề sửa xe, mẹ làm giáo viên nhưng quây quần lắm, căn nhà nhỏ luôn rộn rã tiếng cười. Hồi mới nhiễm, bệnh còn chưa trở nặng em gọi điện thoại cho ba hoài. Hôm nào ba cũng bảo, khỏe re, đừng lo chi hết. Ba còn về làm lụng nuôi con. "Con Covy" nó sẽ hết đi thôi, không quật ngã được ba đâu…vậy mà ba ra đi nhanh quá. Lời hẹn cả nhà cùng leo lên gác xép ngắm trăng rằm tháng tám đã không thực hiện được nữa".

Cứng cỏi hơn em, nhưng lau xong nơi thờ tự có đặt hộp tro cốt của mẹ, Ngọc Tuyền cũng khụy xuống thẫn thờ. Tuyền bộc bạch rằng: Từ giữa tháng 7, ba em bắt đầu thấy nặng ngực, ho và người uể oải. Khi xét nghiệm ba dương tính, bệnh chuyển nặng, được đưa đến lên BV Chợ Rẫy. Chiếc xe cứu thương chở ba đi hun hút trong một chiều mưa mịt mùng. Khi ba đi rồi mẹ cũng thấp thỏm và kết quả không mong muốn cũng đến. Tất cả đều dương tính, đưa đi điều trị tận Hóc Môn.

Được thu xếp ở chung khu điều trị, hàng ngày Tuyền và Trường vẫn thủ thỉ động viên mẹ. Nhưng mẹ em cứ yếu dần, hay sốt, phải thở oxy. Khoảnh khắc tỉnh táo hiếm hoi, Trường lại đưa vào tay mẹ chiếc bánh, hộp sữa. 

Như mọi hôm khác, ngày 4/8, Trường ùa đến bên mẹ nhưng y bác sĩ buồn rầu thông báo, mẹ em mất rồi. Không tin đó là sự thật, Trường sờ nắm tay mẹ thấy lạnh ngắt, tim đã ngừng đập. Tiếng máy theo dõi sinh tồn lặng im".

Chưa kịp chụp cho mẹ tấm hình, tro cốt anh Danh gửi lên chùa, chị em Trường thờ tro cốt mẹ trên chiếc bàn giản đơn

Nhìn đôi tay của điều dưỡng tỉ mẫn vệ sinh cho mẹ để chuẩn bị đưa đến…nơi cuối cùng, chị em Tuyền nức nở òa khóc rồi liên tục gọi cho ba nhưng chỉ nghe tiếng tút tút. Chiếc khẩu trang ướt đẫm lúc nào không hay. Y tá vỗ về hai chị em rồi mắt cũng xè cay và lặng lẽ chuyển thi thể chị đi. Cánh cửa thang máy khép dần lại, chị em Trường gọi với theo trong vô vọng.

Cuối ngày 14/8, cầm thông báo đã âm tính và được về nhà. Niềm hy vọng, mong mỏi cuối cùng của chị em Tuyền là điện thoại cho ba sẽ nghe máy. 

Nhưng rồi, một nỗi đau quá lớn nữa lại ập xuống khi địa phương thông báo ba các em cũng đã ra đi vì COVID-19 từ ngày 5/8. Gia đình khó khăn, neo người lại đều đi điều trị, tro cốt của bố Trường được gửi lên chùa.

Nín lặng, rã rời nhìn căn nhà hơn ba chục mét vuông nhưng như cả một mênh mông trống rỗng, chị em Tuyền ôm nhau nức nở khóc suốt nhiều ngày. 

Từng vật dụng sửa xe của ba, chiếc quạt bằng giấy cát tông của mẹ vẫn dùng quạt cho Trường học bài khi mất điện hiển hiện trước mắt càng thêm nhức nhói tận tim gan.

Chưa kịp chụp cho mẹ tấm hình

Hai chỗ dựa lớn nhất cuộc đời đã về…bên kia thế giới, một cái cầm tay để sẻ chia của mẹ, lời mắng của ba mãi không còn nữa. 

Dù cố gượng dậy nhưng chị em Tuyền mỗi ngày nước mắt vẫn cứ rơi theo sự éo le của số phận do COVID-19 gây nên.

Bần thần mãi bên bàn thờ mẹ rồi lại tự trách mình, Tuyền thút thít: "Nhà khó khăn, em nghỉ học từ cấp 2 rồi đi làm công nhân lúc 17 tuổi. Tất bật với công việc, những lần mẹ con gặp nhau chớp nhoáng, mừng vui quên mất chụp cho mẹ tấm hình. Mẹ em sống giản dị, thuần phát nên không tự chụp. Giờ chỉ có những gói bánh bày quanh hủ tro cốt, càng nhói đau hơn".

Ba các em theo đạo Phật hộp tro cốt an yên trên chùa. Còn mẹ, Tuyền bảo: Chắc khi nỗi đau nguôi ngoai bớt, chúng em gửi lên nhà thờ vì mẹ theo Công giáo. 

Những ngày ở viện, mẹ cứ an ủi em, phía trước vẫn là những ngày tràn hy vọng, ngập nắng mai ấm áp. Mẹ con mình sẽ cùng đi qua bệnh tật để có ngày dạo mát công viên khi thành phố hết dịch. Niềm tin mẹ khỏe rất vững vàng, cứ lớn dần trong em. 

Nhưng rồi, mẹ lại ra đi vĩnh viễn nhanh như một luồng gió đầy ám ảnh. Khi y bác sĩ đưa mẹ đi, em chỉ muốn giằng lại nhưng chẳng thể thay đổi được sự thật".

Mấy tuần trôi qua mới ngừng được nước mắt, Trường nhìn lên chiếc đồng hồ dừng chạy vì hết pin mà ao ước thời gian quay lại. 

Ước gì quay lại được thời điểm đó. Mấy tuần trước, không khóc là em chịu không nổi khi ngực cứ cồn cào. Có lúc lại muốn gào lên. Xưa nay những trận ốm dài hay ngắn ba mẹ đều khỏe lại. Mấy đêm trước ngủ em không dám thả mấy chiếc áo cũ của ba ra vì trống rỗng lắm, chịu không nổi".
Trần Khoa Đăng Trường (10 tuổi)

Bao lời thương chưa nói...

Người thân, chính quyền địa phương thường đến trợ giúp cơm nước, động viên chị em Trường nhưng cũng chỉ chóng vánh. "Mỗi tốp người đến rồi vội vã ra về, căn nhà lại cô quạnh. Từng vết sơn ba làm vấy bẩn trên vách tường cũng gợi lại nỗi nhớ mong. Không lâu nữa đến ngày sinh nhật ba, mẹ.Trước kia em định dành chút tiền lương công nhân mua về tặng ba mẹ bộ quần áo mới và tấm thiệp ghi bao lời yêu thương. Kề cạnh bên bao nhiêu năm, chưa kịp nói lời con thương ba mẹ vô cùng thì giờ họ đều đã ra đi"-Ngọc Tuyền giãi bầy.

Trong căn nhà nhỏ vẫn với chị em Trường vẫn tràn nỗi trống vắng

Từ ngày mất ba mẹ, chị em Tuyền như đảo lộn cuộc sống lẫn mọi việc ngày thường. Trường bảo: "Lúc trước tầm trưa thế này em đã đi ngủ rồi. Lúc dậy nếu không ôn bài thì đấm lưng cho mẹ hoặc phụ ba dọn đồ đạc. Giờ có khi đêm giật mình rồi thức trắng, giữa trưa loanh quanh trong nhà. Không dọn đồ đạc nữa mà cứ bày biện ra cho khỏi trống trải. Mấy tuần ăn cơm hộp, phở bò được địa phương mang đến khá đầy đủ nhưng thực lòng em thích cơm mẹ nấu hơn. Mẹ nấu cơm và kho cá ngon lắm. Những đêm Sài Gòn nắng nóng lâu lâu cúp điện em làm xong mấy bài tập thì mồ hôi mẹ em ướt đẫm áo vì quạt tay".

Trường nhớ lại, mẹ thường nói với em, mẹ thương chị hai  phải bươn trải sớm, nên dồn khát vọng học tập cả vào Trường. Mỗi chiếc giấy khen Trường mang về, mẹ lại nâng niu, tấm tắc khen. Nhớ những khoảnh khoắc ấy, Trường lại nữc nở "Em muốn quên đi nỗi nhớ, nỗi buồn bã lắm mà nó cứ trỗi dậy. Cả nhà không ai học được đại học hết nên ước mơ của em sẽ học tập tốt hơn như món quà dâng hương hồn mẹ cha".

Còn nữa.

Chị em Trường

Ý kiến của bạn