Tamiflu không phải là “thần dược” trị cúm

09-01-2020 06:46 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Tamiflu là loại thuốc được sử dụng phổ biến và rộng rãi trong điều trị dự phòng cúm - loại bệnh thường xảy ra vào các tháng đông xuân.

Gần đây, dịch cúm bùng phát, số lượng người đổ xô tìm mua thuốc trị cúm này ngày càng tăng, tạo nên “cơn sốt tamiflu” trong cộng đồng. Nhưng hiệu quả mà thuốc đem lại liệu có thực sự như một loại “thần dược” và phải dùng thuốc như thế nào để phát huy lợi ích tối đa?

Tamiflu là thuốc gì?

Tamiflu có hoạt chất là oseltamivir phosphate, một dạng tiền chất khi vào cơ thể được chuyển hóa thành dạng có hoạt tính là oseltamivir carboxylate, cùng với zanamivir và peramivir được xếp vào nhóm thuốc gọi là các chất ức chế neuraminidase.

Neuraminidase cùng với hemaglutinin là hai kháng nguyên quan trọng của lớp vỏ virus. Có 15 loại neuraminidase (N) và 9 loại hemaglutinin (H), do đó những cách tổ hợp khác nhau của hai loại kháng nguyên này tạo nên các type khác nhau của virus cúm, mà chúng ta thường biết đến như H1N1, H5N1...

Virus cúm sau khi xâm nhập vào cơ thể, đi vào tế bào và nhân đôi, sau đó một loại men gọi là neuraminindase sẽ giúp virus cúm tách ra, rời khỏi tế bào chủ và đi tìm tế bào mới. Tamiflu ức chế loại men này và virus mới không thể hình thành để lây lan sang các tế bào khác. Như vậy, về mặt bản chất, tamiflu không thể tiêu diệt các virus đã thâm nhập trong tế bào bị nhiễm, mà chỉ ngăn cản sự lây lan của virus đến các tế bào khác. Điều này khác với kháng sinh, khi phần lớn kháng sinh có tác dụng tiêu diệt trực tiếp lên con vi khuẩn.

Tiêm vắc-xin là cách tốt nhất để ngừa cúm.

Tiêm vắc-xin là cách tốt nhất để ngừa cúm.

Khi nào thì nên dùng thuốc tamiflu?

Dựa vào cơ chế tác dụng, một điều dễ hiểu là thuốc sẽ có tác dụng càng tốt nếu được sử dụng càng sớm ngay sau khi có chẩn đoán nghi ngờ cúm do virus, khi virus ở tế bào bị nhiễm chưa kịp lây lan sang các tế bào khác và thực tế thuốc chỉ có hiệu quả trong vòng 48 giờ đầu khi virus cúm mới xâm nhập cơ thể, còn sau đó thuốc chẳng có tác dụng gì.

Dùng thuốc sớm trong 12 giờ đầu tiên giúp làm giảm thời gian mắc bệnh trung bình 3,1 ngày so với trì hoãn điều trị đến 48 giờ. Trung bình cứ dùng thuốc sớm mỗi 6 giờ thì giảm được thời gian mắc bệnh là khoảng 10 giờ (dao động từ 8 - 15 giờ).

Nguy cơ đề kháng và tác dụng phụ khi lạm dụng thuốc

Tương tự với kháng sinh, việc sử dụng tràn lan tamiflu cũng sẽ dẫn đến hiện tượng giảm nhạy cảm hay đề kháng của virus cúm với các thuốc ức chế men neuraminidase. Mặc dù, tỷ lệ virus đề kháng với oseltamivir hiện tại là rất thấp, nhưng sẽ là nỗi lo của cả nhân loại trong tương lai nếu sử dụng một cách vô tội vạ. Và các đại dịch cúm có thể sẽ ngày càng trở nên nguy hiểm hơn đối với con người.

Bên cạnh nguy cơ đề kháng thuốc, dùng thuốc không đúng cách có thể đưa đến những lo ngại về tác dụng phụ của thuốc như: nôn ói, tiêu chảy, nhức đầu, ảo giác và rối loạn hành vi, độc thận ở những người có bệnh thận, có thể dẫn đến nguy hiểm cho người sử dụng.

Tamiflu không phải là “thần dược trị cúm”, nó cũng chỉ là một phương pháp điều trị hỗ trợ mà thôi, lạm dụng thuốc vừa không mang lại hiệu quả như mong muốn, vừa khiến người bệnh nặng hơn vì những rủi ro do tác dụng phụ của thuốc. Và một điểm cũng cần lưu ý là việc người dân đổ xô “săn lùng” loại thuốc này đã đẩy giá thuốc lên cao hơn rất nhiều so với giá kê khai của thuốc ở các cơ quan quản lý.

Lời khuyên của thầy thuốc

Cúm là một loại siêu vi, có thể tự khỏi mà không cần dùng thuốc. Bệnh không có biện pháp điều trị hữu hiệu và amitflu cũng chỉ liệu pháp điều trị hỗ trợ. Điều quan trọng là phòng bệnh hơn chữa bệnh, nên cách tốt nhất và ít tốn kém nhất là tiêm phòng vắc-xin cúm (nên tiêm vào tháng 10), nhất là các đối tượng có nguy cơ cao như trẻ dưới 2 tuổi, người già trên 65 tuổi, người mắc các bệnh mạn tính (hen suyễn, phổi, tim mạch...).

Thuốc chỉ thể hiện rõ lợi ích khi dùng trong vòng 48 giờ đầu sau khi khởi phát các triệu chứng rõ ràng như sốt cao, đau cơ, mệt mỏi...

Việc dùng thuốc sau khoảng thời gian trên không thực sự đem lại lợi ích gì. Người bệnh lưu ý, không nên tự ý dùng thuốc, chỉ dùng khi có sự thăm khám và chỉ định của bác sĩ.


DS. Thảo Đan
Ý kiến của bạn