Nói đến tấm voan cát ở đây có vẻ hơi kỳ lạ, bởi lẽ đồi cát Bay, còn gọi là đồi cát Hồng rất thơ mộng, tại sa mạc cát Mũi Né, thuộc TP. Phan Thiết, hẳn nhiều người biết rõ. Nhưng sự biến hóa về hình dáng và màu sắc của đồi cát, tạo nên vẻ đẹp luôn luôn mới lạ, thì không phải ai cũng được chiêm ngưỡng.
![]() |
Giấc mơ ấy rất có lý, bởi ai cũng biết rằng, biển cát chập trùng, mênh mông kéo dài hàng chục cây số, tới tận Ninh Thuận, cùng với những tác động của thổ nhưỡng và nắng, gió mà chúng thay dạng, đổi màu rất khó lường. Theo khảo sát, chỉ ngay ở khu vực tỉnh Bình Thuận này thôi, dải cát đã có sự phân hóa về màu sắc rất rõ rệt. Nếu cát có màu đỏ ở đồi cát Hồng, thì cát ở đồi Trinh Nữ lại trắng, còn ở hòn Lan cát có sắc đen tuyền. Dải sa mạc kéo dài suốt đến Ninh Thuận thì cát chuyển hóa qua từng vùng có tới 18 màu sắc khác nhau rõ rệt. Trên những mảnh đất có mỏ sắt cũ, cát bao giờ cũng có màu đỏ. Ngay khu vực du lịch bồng lai tiên cảnh thuộc Mũi Né lại có loại cát pha hai màu đỏ và đen, rất đặc biệt. Riêng vùng giáp ranh Bình Thuận và Ninh Thuận, các cồn cát nối liền lại có sắc trắng xám. Cứ mỗi lần gió thổi mạnh là như một lần bóc tấm áo cũ để thay xiêm y cho đồi cát. Cùng với đó, do tốc độ gió mà cát bị trôi dạt theo những chiều khác nhau, làm thay hình đổi dạng những cồn cát. Khi ấy chính vẻ đẹp của màu cát được khoe sắc lung linh trước ánh nắng. Chúng thể hiện sắc thái biến hóa vô tận và đầy bí ẩn của thiên nhiên.
Vẻ đẹp lung linh của cát không những làm say lòng những nhà nhiếp ảnh mà còn quyến rũ những họa sĩ cùng các nghệ nhân tài hoa khác. Ta không thể không nhắc đến nghệ nhân Ý Lan, người đầu tiên dùng cát màu để vẽ nên những bức tranh màu trong những “tấm voan” thủy tinh, tạo sự ngạc nhiên cho mọi người. Sau đó, chính nghệ nhân trẻ Phi Long, một người bị câm điếc ở Phan Thiết, học trò của nghệ nhân Ý Lan, đã mô tả hình ảnh quê hương mình qua những bức tranh cát, với nhiều màu sắc tươi sáng. Không những thế, anh có biệt tài vẽ nhiều tranh chân dung Bác và các lãnh tụ để làm quà tặng du khách mỗi khi đến quê mình. Đó là những tác phẩm nghệ thuật trực tiếp từ màu sắc của cát tự nhiên, tạo nên sản phẩm văn hóa có một không hai ở Bình Thuận. Nghệ nhân trẻ Phi Long cùng với những bạn đồng nghiệp khuyết tật của mình đã sưu tập được tới 80 loại cát màu khác nhau, để vẽ tranh một cách chân thật nhất và truyền được tâm hồn mình vào mỗi tác phẩm.
![]() Vạt nắng chiều. |
Chính sự biến ảo của sắc màu cát trên đồi Hồng, cùng với nắng và gió biển thổi quanh năm đã thu hút hàng triệu lượt du khách, mỗi khi về Mũi Né. Ai ai cũng dừng chân nơi đây, cho dù không leo lên đồi cát thì cũng ngồi dưới chân đồi mà ngắm sự thay áo mới của các cồn cát từ phía xa. Nhưng với những bạn trẻ lại khác, không bạn nào khi đến đây không cố chạy và leo lên trên đỉnh, rồi thuê một tấm ván mỏng để trượt tự do xuống chân đồi. Họ muốn khám phá cái cảm giác bay trong bụi cát hồng cuồn cuộn với cái nắng chói chang, rực rỡ. Có thể nói, đồi cát bay được coi như một thiên đường kỳ ảo nhất dành cho sự thể hiện sức mạnh của tuổi trẻ, mà không ở nơi nào có được. Chính vì thế mà ở nơi đây, hằng năm người ta tổ chức chạy vượt đồi cát, vào dịp đầu xuân. Đó là một hội thi của hàng trăm bạn trẻ, trong hàng giờ chạy trên đồi cát, để thể hiện sự bền bỉ và ý chí cũng như sức mạnh của con người. Trần Văn Công, người đoạt giải nhất cự ly 5100m, năm 2012, chạy trên đồi cát như cơn lốc trong gió cuốn. Anh nói, đồi cát dường như là người bạn đường của mình, trong những tháng ngày tập luyện trên sa mạc mênh mông...
Cùng với những cuộc chạy vượt đồi, nhiều thanh niên còn tham gia cuộc thi đua môtô trên cát cũng như chơi bóng và golf qua những vách cát dựng đứng. Ấy là những cuộc dấn thân vào sự mạo hiểm mỗi khi gặp những mô cát hay vực cát dễ sạt lở. Đó cũng là sự thử thách đầy sức hấp dẫn của đồi cát Hồng với các bạn trẻ.
Và, nếu ai đó mới đến đồi cát Hồng có thể sẽ ngỡ ngàng vì cảnh nhiều trẻ em sẽ vây quanh cho thuê ván trượt. Thậm chí các em còn đi theo để hướng dẫn cách trượt từ trên cao xuống thế nào để khỏi bị ngã vùi trong cát. Nếu thấy du khách là người nước ngoài, các em đều có thể trao đổi bằng tiếng Anh khá sõi, và không hề tranh giành khách của nhau. Đó là một điều lạ và cũng là câu chuyện có phong vị cổ tích ở nơi đây, khi có một giáo viên khiếm thị đến mở lớp học ngoại ngữ cho các em trên đồi cát bay này. Đó là thầy giáo Nguyễn Phước Thiện, người đã tốt nghiệp xuất sắc Khoa tiếng Anh của Trường đại học Sư phạm TP.HCM.
Thầy không chỉ dạy cho các em con chữ mà còn khuyên nhủ và truyền đạt những bài học làm người. Nhất là tình thương yêu, đùm bọc nhau trong sự khốn khó. Từ đó, các em trở nên hiền hòa thân ái với nhau hơn và có những hành vi đẹp, hồ hởi nhưng lại nhã nhặn với mọi du khách đến dạo chơi trên đồi cát Hồng. Có một nữ du khách nước ngoài đến đây đã thật sự ngạc nhiên và cô đã nói về các em rằng, đây cũng là một màu sắc đẹp, màu sắc của một ứng xử văn hóa, đã bổ sung cho cát ở nơi đây một màu mới thêm đáng yêu hơn.
Quả thế! Thầy giáo Phước Thiện, tuy bị mù nhưng đã đem lại những ánh sáng mới, một lớp học trên cát, góp phần tô điểm cho đồi cát Hồng thêm phần ấm áp tình người. Đâu đó bạn có thể nghe thấy, bản tình ca “Cát bụi” của Trịnh Công Sơn vang lên từ phía gió bay trên đồi cát, với những lời chia sẻ về thân phận con người: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi - Để một mai vươn hình hài lớn dậy - Ôi cát bụi tuyệt vời - Mặt trời soi một kiếp rong chơi…” Thì đây, lớp học trên đồi cát giữa mênh mông nắng gió này, những em bé nhỏ nhoi, những thân phận cát bụi đang vươn lên làm những điều tốt lành, đem lại niềm vui cho con người. Từ bóng tối của đôi mắt kia đã thắp lên ánh nắng thủy tinh từ cát, ngỡ như chỉ lấp lánh, nhưng lại chợt bừng sáng niềm hy vọng cho những phận đời còn khuất lấp, nhỏ nhoi.
Có thể bất chợt một sớm mai, khi những tia nắng đầu tiên chiếu rọi và một làn gió mới từ phía biển ùa tới bóc tấm voan cát mỏng đầu tiên, thì ắt hẳn bạn sẽ nhìn thấy những vân cát vẽ lên hàng ngàn hình trái tim đang đập rộn ràng trên đồi cát Hồng, như những lời chào đón mừng vui. Và khi ấy, vẻ đẹp bí ẩn của đồi cát bay đã được khai phá, với nét huyền diệu của nó, một màu hồng của tình yêu con người.
Cảnh Linh