Tắm và thay tã lót cho bé

14-03-2011 11:00 | Đời sống
google news

Khi bé chào đời, việc chăm sóc bé không kém phần vất vả, vì cơ thể bé chưa thích nghi hoàn toàn với môi trường bên ngoài, da bé rất nhạy cảm, dễ bị dị ứng hay viêm nhiễm, trong đó có một số bệnh do tã lót gây ra.

Khi bé chào đời, việc chăm sóc bé không kém phần vất vả, vì cơ thể bé chưa thích nghi hoàn toàn với môi trường bên ngoài, da bé rất nhạy cảm, dễ bị dị ứng hay viêm nhiễm, trong đó có một số bệnh do tã lót gây ra. Vì vậy, việc trang bị cho mình những kiến thức để chăm sóc bé từ cách tắm - thay tã lót, đến cách nhận biết bệnh lý và xử trí thông thường từ tã lót là việc làm không thể thiếu được, nhất là chị em chuẩn bị “lên chức” mẹ.

Chọn tã lót phù hợp

Để chăm sóc tốt cho bé, trước hết cần chọn tã lót phù hợp với da của bé. Việc chọn tã lót như thế nào cho phù hợp thì các nhà khoa học cũng vẫn còn nhiều bàn cãi. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay thì tã lót cũng đa dạng và phong phú từ tã vải truyền thống, cũng như tã giấy, tấm tã lót, tấm đệm lót. Mỗi loại đều có ưu điểm của nó. Với tã vải truyền thống thì thông thoáng, bền, giá cả phù hợp, dùng được nhiều lần, tính an toàn cao, ít bị kích ứng da, dễ phát hiện trẻ khi tiểu tiện. Với tã giấy thấm ướt tốt hơn và giữ khô ráo sạch sẽ hơn, tiện dụng khi đi ra ngoài hay du lịch, nhưng tốn kém, cũng như dễ gây dị ứng hơn so với tã vải truyền thống.

 Cần thay tã lót thường xuyên cho trẻ
Tuy nhiên, cho dù dùng loại tã nào, điều quan trọng là nên thay tã thường xuyên khi tã ướt và giữ cho vùng da bé mặc tã luôn khô ráo. Với việc chọn tã vải truyền thống, tránh chọn vải pha nhiều nilon hay sợi tổng hợp nhuộm màu vì dễ gây cho trẻ ngứa ngáy, hăm kẽ, vì những loại vải này thấm hút nước và thoáng khí rất kém. Không nên dùng vải mới vì vải mới thô ráp và cứng, dễ làm xây xát da. Khi sử dụng thì nên giặt tã lót cẩn thận tránh qua loa. Sau khi giặt sạch xong, cần ngâm tã vào nước sôi để sát trùng. Sau đó giũ lại nhiều lần để tránh các chất kiềm còn đọng lại dễ gây kích thích da. Phơi tã nơi khô ráo và có nhiều ánh nắng.

Với phấn thoa và dầu tắm dùng cho bé, cần chọn sản phẩm chuyên dùng, sản phẩm trong và ngoài nước có chất lượng tốt, tránh dùng hàng trôi nổi vì đây là loại rất dễ gây dị ứng và kích ứng da.

Cách nhận biết trẻ bị viêm da do tã lót

Trước kia, các bác sĩ nhi khoa nghĩ nhiều đến là do sự phân hủy nước tiểu trong tã lót, từ đó phóng thích amoniac và do amoniac này sẽ quay ngược trở lại làm phỏng và viêm da. Nhưng ngày nay, với nhiều nghiên cứu thì thấy rằng amoniac được tạo ra không phải là yếu tố chính, mà vấn đề chủ yếu là do sự ẩm ướt từ tã lót. Đa số viêm da do tã lót đều khởi đầu nhẹ và tiến triển từ từ. Nếu được chăm sóc tốt, bệnh sẽ trở lại bình thường. Trường hợp bệnh ngày càng nặng hơn như: trẻ có sốt, vết loét ngày càng sâu có mủ hoặc hăm da ở trẻ sơ sinh tức dưới 4 tuần tuổi. Da bị sưng nề và nổi hạch bẹn, hăm đỏ da xuất hiện ở nhiều nơi trên cơ thể, nhất thiết phải được khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa.

Tuy nhiên, chúng ta có thể phòng ngừa hăm da một cách thật hiệu quả như giữ cho vùng mặc tã thật sạch sẽ, khô - mát, cần thay tã cho trẻ thường xuyên khi tã ẩm hoặc ướt hay nhiễm bẩn. Lúc thay tã cần lau sạch vùng bẹn và mông của trẻ bằng nước ấm và để cho da trẻ khô hẳn trước khi mặc tã mới vào.

Cách tắm và thay tã lót cho trẻ

Đây là việc làm mới mẻ đối với các bà mẹ sinh lần đầu, cho nên cần tuân thủ các bước. Trước hết cần thiết cho công việc chuẩn bị như: chọn vị trí thuận lợi, tránh nơi gió lùa, hay để nhiệt độ phòng quá lạnh, kể cả nơi an toàn cho trẻ nữa. Nếu tắm vị trí cao có thể làm rơi hoặc té bé. Nên tắm cho trẻ bằng khăn lau cho đến khi dây rốn rụng, thường khoảng thời gian từ 1 - 4 tuần sau sinh, lỗ rốn đã lành hoàn toàn. Chỉ nên tắm cho bé từ 2 - 3 lần trong một tuần là đủ. Nếu tắm nhiều lần dễ làm cho da bé bị khô. Cần chuẩn bị trước khi tắm cho bé một cái khăn mềm và sạch, xà phòng tắm dùng dầu gội trung tính dành cho em bé, tuyệt đối không dùng dầu gội của người lớn, một bàn chải thật mềm để kích thích da đầu cho bé. Sau khi chuẩn bị xong, trước hết cởi quần áo cho bé. Đầu tiên dùng khăn tắm lau phần mắt của bé với khăn mềm thấm chút ít nước, tiếp theo rửa mũi và tai của bé. Sau đó làm ướt miếng khăn và dùng một chút xà phòng em bé, rửa mặt bé một cách nhẹ nhàng. Dùng dầu gội tạo bọt và xoa ở đầu cho bé, rồi xả lại bằng nước ấm. Dùng một miếng vải ẩm và xà phòng, rửa các phần còn lại của bé, đặc biệt chú ý tới những vùng nếp của bé dưới tay - chân, sau 2 tai, xung quanh cổ và bộ phận sinh dục. Hết sức thận trọng không để nước rơi vào tai bé, vì như thế dễ bị gây tình trạng viêm tai giữa của bé, sau cùng lau khô và mang tã, thay đồ cho bé. Nếu bé lớn hơn, sau khi rốn lành hoàn toàn có thể tắm bằng thau.

Ngoài việc chuẩn bị như tắm bé bằng khăn, cần chuẩn bị thêm thau hay chậu tắm cho bé. Khi tắm cần đảm bảo nước trong thau độ sâu không vượt quá 4 - 5cm, nước đủ ấm, chú ý kiểm tra độ ấm của nước trước khi cho bé vào tắm, phòng khi quên gây bỏng.  Sau khi chuẩn bị đã hoàn tất thì tiến hành cởi bỏ quần áo và đặt bé ngay vào nước. Dùng một tay của bạn để đỡ lấy đầu bé và tay còn lại để đặt bé xuống, bắt đầu từ chân, nhẹ nhàng hạ thấp từ từ xuống phần thân sau đó dùng một chiếc khăn sạch để lau mặt và tóc bé, nhẹ nhàng mát-xa da đầu bé bằng một chiếc bàn chải gội đầu mềm dành cho em bé, kể cả phần trên thóp, tức là phần mềm trên đầu của bé, nhẹ nhàng rửa sạch các phần còn lại, với nước và một lượng nhỏ xà phòng. Trong quá trình tắm, nhớ phải thường xuyên đổ nước lên người bé để bé không bị nhiễm lạnh. Sau khi tắm, dùng khăn tắm quấn bé ngay lập tức kể cả phần đầu của bé đề phòng bé nhiễm lạnh. Sau cùng, thoa phấn vào vùng nếp như: bẹn, cổ, nách để tránh hăm kẽ do ẩm, mang tã và mặc đồ cho bé. Trong quá trình tắm bé bằng thau, tuyệt đối không bao giờ được để bé một mình.

BS.CKI. Trần Quốc Long


Ý kiến của bạn