Tâm tư ngày cuối năm

26-01-2015 08:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Chả mấy mà đến Tết và trong những ngày cuối năm âm lịch, thường ai cũng hay nhìn lại để đón nhận năm mới.

Chả mấy mà đến Tết và trong những ngày cuối năm âm lịch, thường ai cũng hay nhìn lại để đón nhận năm mới. Quả là ra đường hay đi tỉnh xa mỗi chúng ta đều dễ nhận thấy đất nước đã có những bước tiến dài, thay đổi lớn đáng ngạc nhiên. Thế nhưng dường như “núi này cao còn có núi cao hơn” dễ đem đến thoáng buồn trước nguy cơ tụt hậu khi ta tiến 5, thiên hạ tiến 7.

Cái thoáng buồn thoáng lo ấy không thể dồn hết trách nhiệm cho các cơ quan công quyền để mỗi người dân như đứng ngoài cuộc. Quanh quanh vẫn thấy những hiện tượng như vượt đèn đỏ, trò hỗn với thầy, rác xả ra đường... thì không hẳn lỗi chỉ tại các cơ quan quản lý. Chuyện không thấy mà báo chí phản ảnh như trộm chó và đánh chết kẻ trộm chó, tham nhũng và hối lộ... tóm lại là đạo đức xã hội xuống cấp liệu có phải do cơ chế quản lý? Sao vẫn cơ chế quản lý ấy mà xưa không thấy ngoài tình làng nghĩa xóm, quan hệ tôn trọng, yêu thương trong cộng đồng luôn là nét chủ đạo?

Khi nói “chúng ta” là nói đến cá thể trong cộng đồng. Từng cá thể ấy rất dễ mang trong mình hiệu ứng đám đông. Mỗi người nhìn những người khác để ứng xử. Vẫn là người Việt nhưng khi ra nước ngoài sao nói chung đều lịch sự và tôn trọng trật tự nơi công cộng. Bên cạnh ý thức về hình ảnh người Việt ở nơi lạ còn là nỗi ngượng, nhục nếu hành xử trái với cộng đồng quanh mình. Trái lại, ở trong nước, một xe chở hàng bị đổ, một hai người xô ra hôi hàng sẽ kéo thêm một nhóm người rồi cả đám đông ùa theo như vụ “hôi bia ở Đồng Nai”. Nhưng cũng vẫn vụ lật xe chở sữa ở Đồng Nai không hề có  chuyện “hôi của” mà ngược lại, mọi người cùng nhau giúp tài xế thu lại hàng đang vung vãi.

Những bất cập nói trên trong xã hội hiện nay dường như ai cũng thấy, ai cũng phẫn nộ và muốn thay đổi nhưng dường như mỗi cá thể thấy mình bé nhỏ giữa cộng đồng nên... trừ mình ra chăng? Nhận thức và hành động luôn có khoảng cách và khoảng cách ấy có thể chia rẽ cộng đồng bằng sự tự ti, thói ích kỷ, tính hơn thua vốn có của nhân loại. Chỉ có thể rút ngắn hay xóa đi khoảng cách ấy bằng ý thức, trách nhiệm và tính gương mẫu, tôn trọng cộng đồng trong mỗi người.

Xã hội là từng cá nhân cộng lại như từng nắm đất kết lại thành con đê lớn. Không thể có “người dân” chung chung làm chủ xã hội mà mỗi cá nhân cụ thể dù già hay trẻ, trên bất cứ nơi đâu, vị trí nào đều phải có trách nhiệm.

Tất nhiên, cố kết từng nắm đất kết lại thành con đê lớn hay bức tường thành vững chắc phải có chất nhào trộn, kết dính. Ấy là những quy định và thông tin tuyên truyền giáo dục như nước hòa trong đất để quy định thành thói quen trong máu thịt mỗi người. Và trước hết, từng cán bộ công quyền phải gương mẫu. Những ngã tư trong thành phố lớn thôi có bóng CSGT chứ không “bất ngờ xuất hiện” để phạt chẳng hạn sẽ được dân thông cảm và tin yêu hơn, trật tự giao thông được thiết lập bằng chính sự tự giác trong mỗi người tham gia giao thông chứ không phải bằng sự đối phó.

Đất nước chỉ có thể thoát khỏi tụt hậu từ chính nội lực trong mình. Đất nước không của riêng ai và đất nước chỉ có thể đổi thay bằng ý thức và trách nhiệm của mỗi người. Bao giờ nếp sống văn minh hiện đại thành thói quen của mỗi người nhỉ? Và đấy là quyết tâm của bạn, của tôi, của mỗi chúng ta.

Lê Quý

 

 


Ý kiến của bạn