Hà Nội

Tâm tình của bác sĩ điều trị cho những F0 nguy kịch

Bác sĩ Trần Nam Chung

Bác sĩ Trần Nam Chung

10-09-2021 06:29 | Blog thầy thuốc

SKĐS - Bác sĩ điều trị cho những F0 nguy kịch chia sẻ nhiều câu chuyện, nhiều nỗi niềm của người bệnh nhiễm COVID-19 và cả những tâm tình của người thầy thuốc …

LTS: Ths. BS. Trần Nam Chung là phó đoàn công tác của Bệnh viện E xuất quân vào TP. Hồ Chí Minh từ những ngày cuối tháng 7. Sau một tháng rưỡi tham gia ở tuyến đầu điều trị cho những bệnh nhân nặng ở Bệnh viện Hồi sức COVID-19, tranh thủ những phút nghỉ ngơi không nhiều nhặn, BS. Trần Nam Chung dành thời gian chia sẻ nhiều câu chuyện, nhiều nỗi niềm của người bệnh nhiễm COVID-19 và cả những tâm tình của người thầy thuốc với độc giả báo Sức khoẻ &Đời sống, với những người đồng đội vừa vào TP. Hồ Chí Minh nhận nhiệm vụ…

"Bác sĩ ơi, tôi thở sâu được rồi"

Những tiếng gọi dù là rõ ràng, mạch lạc hay thều thào, yếu ớt với cụm từ quen thuộc "bác sĩ ơi…" là những âm thanh dường như luôn thường trực bên tai chúng tôi.

Dù đang lúi húi hướng dẫn một bác sĩ mới vào tham gia công tác chống dịch ở Bệnh viện Hồi sức COVID-19 về cách thăm khám, chăm sóc hô hấp và theo dõi người bệnh, tôi vẫn nghe loáng thoáng nghe thấy tiếng gọi của bệnh nhân gần đó.

Người bệnh khẽ nói: "Bác sĩ ơi, hôm nay tôi hít thở được sâu hơn rồi. Bác sĩ ơi, tôi cảm ơn hai bác sĩ nhé". Hẳn là một cảm giác cực kỳ vui mừng đến khó tả khiến cô ấy không nén được hạnh phúc, thở được là mình sống rồi, mình thoát chết rồi nên lập tức muốn báo ngay cho tôi. Chỉ có những ai thực sự trải qua những giây phút sinh tử, trải qua những khoảnh khắc vật vã, bất lực vì khó thở mới hiểu cái giá trị của cảm giác lấy lại được khả năng hít thở.

Cho tới khi ra khỏi buồng bệnh rồi, đồng đội mới quay sang hỏi tôi: "Sao lúc nãy anh quay lưng lại phía bệnh nhân ấy mà anh vẫn biết bác ấy gọi dù rất khẽ, còn em không nghe thấy là sao?". Đồng đội của tôi ơi, ở đây có nhiều chuyện đặc biệt lắm, rồi đây em sẽ trải qua những trải nghiệm tương tự.

Tâm tình của bác sĩ điều trị cho những F0 nguy kịch - Ảnh 3.

Nhóm y bác sĩ kíp 2 khoa 8A, Bệnh viện Hồi sức COVID -19.

Đối với các bác sĩ mới vào nhận công việc tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 này, bao giờ những người tham gia "chiến dịch" từ đầu như chúng tôi cũng phải trao đổi kỹ với các đồng nghiệp rằng người bệnh ở đây có những điểm khác với những bệnh nhân mà chúng ta hằng ngày vẫn gặp và điều trị ở bệnh viện mình. Cái khác ở đây không phải chỉ là vì khác vùng miền, khác văn hóa, khác tiếng nói, cách nghĩ, cách làm… 

Những người bệnh ở đây cho dù là người vốn dĩ khỏe mạnh, là thanh niên lực lưỡng cho đến người cao tuổi có sẵn rất nhiều các bệnh nền, không may họ đã nhiễm virus SARS-CoV-2 và hiện ở đây – Bệnh viện Hồi sức COVID -19, chứ không chỉ đơn thuần là các F0. Nếu chỉ là F0, họ có rất nhiều sự lựa chọn, từ tự cách ly ở nhà, có thể cần nhân viên y tế tư vấn, thăm khám nhưng vẫn được ở nhà; có thể được theo dõi ở trạm y tế phường, quận hoặc đến các bệnh viện, cho đến khó khăn nhiều hơn, nặng hơn nữa thì được chuyển đến các bệnh viện dã chiến. 

Khi các bệnh nhân F0 ở các bệnh viện dã chiến được các bác sĩ đánh giá quá nặng và nguy kịch, họ buộc phải được chuyển đến bệnh viện có đơn vị ICU COVID chuyên biệt hoặc Bệnh viện Hồi sức COVID này. 

 Vì lẽ đó, họ luôn là những người bệnh đặc biệt ở đây, đang ở giai đoạn nặng và nguy kịch, nghĩa là bệnh của họ có thể diễn biến cực kì đột biến, sinh tử đôi khi chỉ là sợi chỉ mỏng manh… Những F0 ngoài kia khi vào đây "không còn là những F0" nữa bởi lẽ nơi này chỉ có họ là bệnh nhân và chúng tôi, những nhân viên y tế của F0, mọi sự lựa chọn không còn nữa. 

Với họ, các nhân viên y tế ở đây là những cái phao cứu sinh cuối cùng hay như là tảng đá lặng lẽ giữa biển cả mênh mông mà bầy chim thiên nga khi vượt biển cố bay tới và để đỗ lại phút chốc để lấy sức trước khi lại tiếp tục hành trình vạn dặm qua biển khơi đến bến bờ bên kia như trong truyện "Bầy chim thiên nga" theo chuyện kể của Andersen…

Người bệnh có đang " ổn" không?

Tâm tình của bác sĩ điều trị cho những F0 nguy kịch - Ảnh 3.

Các thầy thuốc theo dõi sát không ngừng diễn biến của người bệnh COVID-19

Những bác sĩ ở Bệnh viện Hồi sức COVID 19 chúng tôi không theo dõi bệnh nhân bằng diễn biến mệt hay khoẻ hơn hôm qua, chúng tôi nói với nhau rằng: " Người bệnh có đang "ổn" không?"  Và không bao giờ chúng tôi trả lời rằng sáng nay bệnh nhân vẫn ổn định khi được các bác sĩ trưởng tua hỏi, bởi vì đơn giản là diễn biến sáng nay của người bệnh không nói lên thực tế hiện tại.

Tôi chia sẻ với đồng nghiệp mình những kinh nghiệm khi theo dõi các bệnh nhân ở đây phải thường xuyên giám sát, kiểm tra, thăm khám từng người để biết chính xác tình trạng của họ đang ra sao, không chỉ bằng chuyên môn mà người thầy thuốc còn phải thường xuyên huy động hết các giác quan để nhận biết tình hình người bệnh.

Mỗi khi phát hiện có tiếng báo động của máy theo dõi các chức năng sống hoặc các máy hỗ trợ hô hấp, việc đầu tiên bác sĩ phải phân biệt được "nó" đang được phát ra ở buồng bệnh nào, có thể là những bệnh nhân nào, lập tức phác họa sẵn các tình huống cần xử trí ngay, để có thể đến nhanh nhất các giường bệnh đó, tránh lãng phí thời gian vào việc đi tìm bệnh nhân nào đang có vấn đề.

Hầu như ai cũng phải mất một thời gian mới làm quen được, mới định hình được phương hướng và vô hình trung các phản xạ, các giác quan của nhân viên y tế chúng tôi đã được kích hoạt nhạy bén gấp nhiều lần. Mang trên mình bộ đồ "du hành vũ trụ" luôn gây cản trở và tiếng loạt xoạt của nó, chúng tôi phải phân biệt với các loại tín hiệu báo động khác nhau, các loại tiếng động khác nhau.

Không những thế, người bệnh rất yếu cho nên họ không nói to được, các bác sĩ phải rất chú ý, tập trung mọi lúc mọi nơi thì mới có thể nghe được. Nghe bệnh nhân nói, chia sẻ, thấu hiểu những cung bậc cảm xúc của người bệnh để tạo nghị lực cho người bệnh, giúp người bệnh không buông xuôi, phó mặc cũng vô cùng quan trọng. Bởi lẽ, người bệnh tin bác sĩ, người bệnh lạc quan và hợp tác trong quá trình điều trị, làm theo những hướng dẫn của bác sĩ chính là một phương thuốc vô hình.

Bác sĩ chúng mình với những phút giây hoá thân thành ông hoạ sĩ già Behrman

Tâm tình của bác sĩ điều trị cho những F0 nguy kịch - Ảnh 5.

BS. Nam Chung - Tác giả bài viết trong những ngày ở Bệnh viện Hồi sức COVID-19

Những "cơn bão" khốc liệt rình rập quật ngã bệnh nhân mắc COVID-19 bị tổn thương phổi nặng và lan tỏa cả hai bên. Virus SARS-CoV-2 sau khi xâm nhập vào, sinh sôi nảy nở lên theo cấp số nhân trong cơ thể người bệnh và rồi cuộc chiến đấu khốc liệt giữa hệ thống miễn dịch, sức đề kháng trong cơ thể người bệnh với hàng tỷ tỷ con virus, mà đang không ngừng sinh sôi lên nữa, rồi dẫn tới "cơn bão cytokin". Quả thực, chính xác là khốc liệt như cơn bão bởi vì sau khi nó quét qua thì hoặc chẳng còn lại gì hoặc những thứ còn lại cũng bị dập vùi, nghiêng ngả xiên xẹo, không còn như xưa được nữa.

Trong những cơn bão đó, mỗi động tác, mỗi cử động, mỗi hành động của người bệnh đều có thể tiêu thụ nốt chỗ ô xy quí giá còn thấm vào được từng tế bào của phổi, của tim, của não hay của các cơ quan trong cơ thể. Và điều đó cũng có nghĩa là cho dù các bác sĩ có cố gắng cung cấp đầy đủ tối đa nhất lượng ô xy vào phổi cho người bệnh nhưng lượng ô xy có thể qua phế nang của hai bên phổi đã bị cơn bão tàn phá để hấp thu vào máu là rất hạn chế, rất khó khăn, rồi mới có thể đi đến mô, đến từng tế bào. Cả cơ thể người bệnh lúc này luôn luôn trong tình trạng như một ly nước đầy, chỉ cần một giọt nước tràn ly thì mọi thứ sẽ ào ạt tuôn.

Những lúc này, nhiệm vụ của người bác sĩ lúc này với những người bệnh nhiễm COVID-19 nguy kịch của mình càng thêm khó khăn. Thách thức ấy hãy nhiệt tâm hoá giải, chúng mình phải đóng vai ông hoạ sĩ già Behrma trong truyện ngắn "Chiếc lá cuối cùng" của tác giả O. Henry. Người thầy thuốc hãy vẽ chiếc lá xanh đầy hy vọng trên dây thường xuân già để giúp người bệnh trong cơn tuyệt vọng thôi thúc cháy lên khao khát sống.

Người bệnh cần lắm tấm lòng bao dung của thầy thuốc

Tâm tình của bác sĩ điều trị cho những F0 nguy kịch - Ảnh 6.

Đoàn công tác Bệnh viện E tại TP. Hồ Chí Minh

Mặc dù, người bệnh ở đây luôn đối diện với tình huống hiểm nguy nhưng không phải người bệnh nào cũng hợp tác tốt với những hướng dẫn của bác sĩ điều trị với muôn vàn lý do khác nhau. Trong thời gian ở đây, chúng tôi đã gặp rất nhiều trường hợp người bệnh không hợp tác, không chịu giao tiếp, không tuân thủ những hướng dẫn của bác sĩ và thậm chí tự ý làm theo ý mình, tự tháo các phương tiện hỗ trợ hô hấp như mask, như ống thở của máy HFNC, tự gây nguy hiểm cho mình mà không biết.

Người bệnh trong tình trạng sức khỏe suy kiệt, bi quan, rối loạn tâm trí, họ khó chịu với đủ thứ từ môi trường phòng bệnh sáng đèn suốt ngày, đủ thứ tiếng động ồn ào, khó ăn, khó ngủ, nằm ngồi trong tư thế khó chịu. Không những thế, họ cũng còn biết bao mối bận tâm khác mà thậm chí có khi đối với họ còn quan trọng hơn chính bản thân mình.

 Nếu không hiểu hết lý do thì bản thân các nhân viên y tế cũng rất dễ cảm thấy ức chế với những thái độ vô lý đó. Để hiểu được tất cả điều này, đòi hỏi thầy thuốc cần đồng cảm và quan tâm, sát sao đến từng người bệnh cụ thể với từng hoàn cảnh cụ thể. Có như vậy, chúng tôi mới hiểu được một bác bệnh nhân hơn 70 tuổi rồi vì quá nhớ mong cụ ông ở nhà mà phát cáu, một bác khác thì thương con ở nhà lo lắng vì không liên lạc được với mẹ, một bác khác thì lo lắng về tiền bạc, tư trang… Chính vì vậy, người bác sĩ điều trị cho các bệnh nhân ở đây ngoài việc phải rất tập trung chú ý, sát sao với người bệnh của mình, chúng tôi còn phải hiểu tình cảnh và tâm lý, tâm tư nguyện vọng người bệnh của mình mới có được sự hợp tác của họ để chữa chạy cho chính họ.

Trải qua đại dịch, qua những ngày đồng hành với những người bệnh nhiễm COVID-19 nguy kịch ở bệnh viện Hồi sức COVID- 19 này, chúng tôi cũng có niềm tin sâu sắc rằng người thầy thuốc với tấm lòng bao dung, với "tình người" dào dạt chảy trong trái tim nổi sôi, ấm nóng và nhiều khi là cả những sự hy sinh thầm lặng như bác Behrman với tác phẩm để đời của mình, sẽ mang hết kiến thức, hiểu biết và khả năng của mình để giữ lại mạng sống cho những người bệnh nguy kịch, giữ lại sức sống cho mảnh đất yêu thương này.

Mời độc giả xem thêm những bài viết cùng tác giả

Bạn đọc, các y bác sĩ, nhân viên y tế có tâm sự, chia sẻ về chuyện nghề, chuyện đời xin gửi bài về địa chỉ email: blog@suckhoedoisong.vn

Mời xem thêm video đang được quan tâm

Những lá thư thời COVID-19 - Số 5: Không chỉ vì bổn phận chuyên môn mà còn bởi...tình người


Ths. BS Trần Nam Chung
Phó Trưởng khoa cơ xương khớp, Bệnh viện E
Ý kiến của bạn