Theo trào lưu bây giờ, tớ cũng viết tâm thư. Tại sao ca sỹ, người mẫu, diễn viên lộ hàng hay gây shock có thể viết tâm thư, mà tớ hay các bạn, những chủ nhân trong tương lai gần của đất nước, lại không thể viết tâm thư?
Đầu tiên là do tớ thấy mình cực kỳ cô độc nơi xứ người, mặc dù tớ đã cố lấp chỗ trống bằng những trận ăn chơi thâu đêm suốt sáng. Cảm giác cô độc ấy xuất hiện lần đầu tiên khi tớ mời một bạn ngoại quốc ly café Việt Nam, bạn ấy bĩu môi mà rằng, café chúng mày thì khó uống lắm. Tớ chẳng giận bạn ấy, mặc dù tớ thấy sốc khi hóa ra các bạn ấy cũng không giỏi về ngoại giao như tớ tưởng, chắc do các bạn ấy cũng lơ ngơ gà công nghiệp như tớ mà thôi. Vấn đề mà tớ rút ra, là chất lượng các sản phẩm của chúng ta quá kém. Tất nhiên, qua lời chỉ một người thì không chứng tỏ được điều gì, nhưng tính tớ hay rút ra kết luận, nhìn sự vật mà quy thành hiện tượng. Tớ lại lan man nghĩ, đúng là trước khi mắng người ta, mình cũng nên xem lại chính mình.
Đôi lúc tớ băn khoăn, chẳng hiểu sau này mình sẽ làm cái gì. Bởi thực ra, học xong, tớ hoàn toàn có thể ở lại làm việc, rồi mỗi năm săn vé giá rẻ, cầm cái thẻ tín dụng, rồi về nhà chơi ít ngày. Tha hồ chém gió rằng ở bên kia hạt dẻ to như quả táo, quả táo to như quả bưởi, quả bưởi to như quả mít ở bên nhà. Rồi mười một tháng còn lại, lao đầu vào làm việc như điên, như khùng. Để năm sau, lại tiếp tục cái điệp khúc khoe hàng ấy. Tất nhiên, tớ chẳng thấy có chút gì nực cười ở đây cả. Nó có khác gì việc một người lên tỉnh làm ăn, rồi đến Tết về làng ngồi vắt chân ở tràng kỷ để ba hoa về những thành công của mình. Đấy là nhu cầu cơ bản của con người, đơn giản là như vậy.
Hay là trở về, đem toàn bộ những gì được học để cống hiến. Tớ biết, đó nhiều khi là một quyết định mang tính lãng mạn của tuổi trẻ, bởi thực tế, đã bao nhiêu nhân tài đã dần dần cùn mòn đi khi không thể quen với cách làm việc khác, nói thẳng ra là tùy tiện và thiếu chuyên nghiệp đến mức không thể tin nổi. Để rồi khi tớ bắt đầu công việc, sẽ nhận được nhiều lời chê bai hơn là khuyến khích động viên. Đại khái, tưởng học bên đó về phải thế nào, chứ thế này thì còn chẳng bằng học ở trong nước. Các bạn đừng bảo tớ ngồi một chỗ mà tưởng tượng, bởi đó là điều nhiều người đã gặp, và nó sẽ còn tiếp diễn trong một thời gian dài nữa.
Giờ tớ quay về với chính chuyện riêng của mình. Than ôi, giấc mơ đưa con ra nước ngoài du học của bố mẹ tớ lớn hơn tất cả, và nó biến thành chuẩn mực thì đúng hơn. Đã có nhà mặt phố, đã có xe hơi, đã thành ông chủ, thì làm sao để con học ở những trường trong nước, chẳng oai tẹo nào. Trường tớ học, phải nói là đẹp khủng khiếp, một mặt tựa lưng vào núi, mặt bên kia là hồ nước thơ mộng, y như trang trại của các đại gia. Thế nhưng, khi theo học, tớ mới cay đắng nhận ra rằng, thói sính ngoại của thế hệ trước làm bọn tớ chịu khổ. Giảng viên thì nói tràng giang đại hải, toàn những thứ cực kỳ cao siêu. Tớ nói thật, tớ chẳng bao giờ coi đó là biểu hiện của người giỏi, bởi càng giỏi, họ trình bầy vấn đề càng mạch lạc. Tất nhiên, khi viết thư về nhà ai nấy đều bảo là, ở đây giáo viên giỏi lắm ạ, nhưng không dám nói phần sau là nhưng chẳng hiểu gì, vì sợ bị chê là dốt. Trong khi đó, bạn bè tớ, do thực lực hoặc do may mắn, được học ở các trường kinh điển, thì đều nói rằng, học ở đó rất dễ hiểu và đơn giản. Tớ hiểu, các bạn ấy không hề “chém gió”, bởi để trình bày được vấn đề một cách đơn giản, thì phải có tài năng.
Lúc này, tớ rất ghen tị với những bạn sinh viên đang học trong nước. Đừng vội cười, tớ nói hoàn toàn nghiêm túc. Có những bạn thích trồng cây, nên thi vào đại học Nông nghiệp. Có bạn chỉ thích sửa xe máy, nên đi học nghề ở một trường trung cấp mà chẳng ngại gì lấm lem dầu mỡ. Có bạn thích viết game, và đang miệt mài học ở đại học FPT, vì đơn giản học ở đó sẽ thành nghề.
Chắc các bạn hiểu vấn đề tớ muốn viết rồi chứ. Đơn giản là, phải xác định cho mình mục tiêu. Và quan trọng nhất, mục tiêu đó đừng giống nhau. Việc tớ đi du học là ước muốn của gia đình tớ như bao gia đình có điều kiện khác. Thế là nhắm mắt nhắm mũi bỏ tiền cho con em đi học, mừng rỡ để các nhà tuyển sinh nước ngoài vốn quá nhiều kinh nghiệm trong việc PR dắt mũi, mà chẳn cần biết con em mình sau này học được cái gì, sẽ thành người ra sao. Cứ có con đi du học là oách rồi.
Nhiều khi, chỉ đơn giản như vậy, lại tìm thấy hạnh phúc, và ít nhất là niềm vui. Tớ chẳng muốn bàn luận về những điều to tát, mà chỉ tự thấy là, nếu mỗi người làm tốt công việc của mình khi đã xác định, thì đương nhiên, xã hội cũng mạnh lên. Mình kêu nhiều quá, đòi hỏi nhiều quá, mà thực chất, đã làm gì nhiều đâu cơ chứ. Câu này tớ nói với các bạn, nhưng thực ra là nói với chính mình.
Phi Vân