Tam thất trị sốt xuất huyết

SKĐS - Tam thất là vị thuốc quý có nhiều tác dụng trong phòng, chữa bệnh.

Thời xa xưa, tam thất đã được nói đến trong cuốn Lôi công dược đối của Từ chi Tài thời Bắc tề. Đến thời nhà Minh 1338, trong cuốn Bản thảo cương mục, Lý Thời Trân xếp tam thất vào bộ thuốc lợi huyết dược.

Theo tài liệu của Trung Quốc, tam thất có nhiều tên gọi: Phật thủ sơn thất. Vì củ tam thất mọc hoang trên núi có nhiều nhánh giống hình quả phật thủ. Huyết sâm: Là vị thuốc có tính chất đặc biệt trong điều trị các bệnh về huyết, không có vị thuốc nào sánh được nên quý như sâm. Đó là khi máu chảy thì nó cầm lại, khi có cục máu đông thì nó làm tan đi. Là vị thuốc tốt, khi còn mọc hoang rất hiếm nên có tên “Kim bất hoán” có vàng cũng không thể đổi. Cách đây 400 năm, người vùng Châu Văn Sơn, Vân Nam, Trung Quốc đã biết trồng tam thất nên có tên gọi Điền tam thất, sau đó được người Tứ Xuyên Trung Quốc di thực từ Vân Nam về trồng nên có tên gọi Xuyên tam thất. Vì là vị thuốc có nhiều tác dụng nên người ta đặt cho cái tên là Sâm tam thất, Thổ tam thất. Rồi các tên như Trấn thất, Hà thất, Quảng thất... là tên gọi của địa phương trồng tam thất. Ở Việt Nam, tam thất mọc hoang trên núi rừng các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang...

Tam thất bột sắc cách thủy trị sốt xuất huyết.

Tam thất bột sắc cách thủy trị sốt xuất huyết.

Theo các tài liệu của Y học phương Đông, tam thất có vị ngọt hơi đắng, tính ôn. Vào hai kinh Can và Vị có tác dụng: chỉ huyết, tán ứ, tiêu thũng, giảm đau. Điều trị các bộ phận trên cơ thể xuất huyết, các vết ứ huyết do chấn thương, các vết thương lâu ngày không khỏi và các chứng bệnh ứ huyết khác như sau khi sinh, phụ nữ bị ứ huyết trong tử cung đau tức bụng dưới, băng huyết, thổ huyết, lỵ ra máu, các vết tụ máu trên cơ thể...

Cách chọn tam thất: Nếu là loại mọc hoang trên rừng là củ chắc có màu xám đen cầm nặng tay là loại tốt (hiện nay không còn loại này nữa). Hiện nay chỉ có Điền tam thất cắt ra có màu xanh xám, rắn chắc là loại tốt. Loại da nhăn nheo, cắt ra có màu trắng xốp hoặc màu vàng xốp là loại xấu. Bột tam thất bỏ lên vết máu đã đông mà một lúc sau vết máu tan đi là loại tốt.

Tam thất điều trị sốt xuất huyết và một số chứng bệnh khác: Năm 1986 thế kỷ trước, khi tôi đang công tác tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô (nay là Bệnh viện Hữu Nghị) có bệnh nhân thuộc đoàn 8 địa chất, đi thăm dò tìm mỏ, có lần vào một vùng mỏ có phóng xạ, bệnh nhân bị nhiễm phóng xạ chảy máu cam, máu chân răng, nôn ra máu, đại tiện ra máu vào viện chẩn đoán không ra nguyên nhân. Theo yêu cầu của lãnh đạo bệnh viện kết hợp Đông Tây y để cứu bệnh nhân, tôi đã dùng tam thất bột sắc cách thủy ngày uống 5g, sau 2 ngày điều trị, bệnh nhân hết chảy máu. Sau 7 ngày, bệnh nhân lành hẳn. Khi lành bệnh, bệnh nhân hỏi tôi cho uống thuốc gì mà tốt vậy, tôi trả lời: “Tôi cho anh uống nước sắc tam thất” và nói tiếp: “Trong kho bệnh viện chỉ còn 300g để dùng cho một số bệnh nhân đặc biệt, tôi đánh liều lấy 100g để cứu anh”. Anh cười nói: “Tôi sẽ biếu anh vài kg”. Khi anh ra viện, anh đến cảm ơn tôi đã cứu anh và biếu tôi 2kg tam thất, củ bé nhưng rất chắc. Anh nói loại này các anh đi khảo sát tìm mỏ thấy mọc hoang ở một số tỉnh phía Bắc rất nhiều. Số tam thất ấy sau đó tôi đã dùng điều trị cho hơn 10 bệnh nhân sốt xuất huyết. Có những bệnh nhân đã chảy máu cam, tiểu tiện ra máu, phụ nữ chưa đến ngày hành kinh nhưng vẫn ra máu và một số nhân viên của bệnh viện. Ngoài ra đã điều trị cho một số bệnh nhân chảy máu chân răng không cầm, chảy máu cam, đại tiện ra máu do trĩ nội, rong kinh... Một số trường hợp bệnh nhân đặt stent mạch vành tim uống thuốc chống đông bị phản ứng thuốc, tôi cho dùng tam thất bột uống ngày 3g vào buổi sáng lúc đói cho kết quả rất tốt.

Tôi đã hướng dẫn cho một số bà mẹ có con sốt xuất huyết điều trị cũng khỏi. Cách dùng: đối với sốt xuất huyết, người lớn ngày uống 10g tam thất bột sắc cách thủy, chia 2 lần uống trong ngày, trước khi ăn sáng và ăn tối, uống 3 ngày bệnh giảm, uống 7 ngày bệnh khỏi hẳn. Trẻ em dưới 3 tuổi cho uống ngày 3g/ngày. Nếu mẹ uống cho con bú, dùng liều của người lớn. Trẻ em 4-12 tuổi uống 5g/ngày. Trên 12 tuổi uống liều lượng như người lớn.


TTND. BS. Nguyễn Xuân Hướng
Ý kiến của bạn