1. Tâm thần phân liệt là gì?
Tâm thần phân liệt là một rối loạn tâm thần mãn tính và cần điều trị suốt đời. Một người bị tâm thần phân liệt có thể trải qua các triệu chứng theo từng đợt hoặc liên tục.
Tâm thần phân liệt không phải là bệnh hiếm gặp. Theo nhiều báo cáo thống kê, khoảng 1% dân số nói chung mắc bệnh tâm thần phân liệt. Trung bình, nam giới dễ bị hơn nữ giới và họ cũng có khả năng gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn nữ giới.
Tâm thần phân liệt làm ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm giác, cảm xúc, cũng như nhận thức và hành vi của người bệnh. Tuy nhiên, không phải tất cả các chức năng này đều bị xáo trộn cùng lúc và ở mức độ như nhau. Nhiều người bị tâm thần phân liệt có thể cư xử hoàn toàn bình thường trong một thời gian dài, nên hầu hết bệnh nhân không hiểu hoặc thừa nhận họ mắc bệnh.
2. Nhận biết dấu hiệu sớm của bệnh tâm thần phân liệt
Tâm thần phân liệt rất khó chẩn đoán và các triệu chứng ban đầu thường khó phát hiện. Bệnh khởi phát từ từ, kéo dài. Trong nhiều trường hợp, bệnh diễn ra một cách ngấm ngầm và dần dần đến nỗi những người mắc bệnh và gia đình có thể mất nhiều thời gian để phát hiện ra bệnh. Ngoài ra, nhiều triệu chứng tâm thần phân liệt có thể xảy ra vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời của một người ngay cả khi họ không mắc bệnh tâm thần.
Dấu hiệu ban đầu của bệnh tâm thần phân liệt bao gồm:
- Mất cảm xúc hoặc động lực
- Thờ ơ hoặc trầm cảm
- Giảm chú ý hoặc hiệu suất
- Thiếu vệ sinh cá nhân
- Ẩn dật, xa lánh bạn bè, người thân hoặc các hoạt động yêu thích trước đây...
Khi bệnh tiến triển, người bệnh có thể có các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn bệnh.
Các triệu chứng phổ biến nhất là:
- Ảo tưởng: Là triệu chứng phổ biến nhất, xảy ra ở hơn 90% bệnh nhân. Thông thường, người bệnh thường xuyên lo sợ bị người khác ngược đãi hoặc làm hại.
- Ảo giác: Tức là nhìn, nghe, ngửi hoặc cảm nhận những sự vật không có thực mà người khác không thể hiểu được.
- Suy nghĩ lộn xộn: Giao tiếp trở nên khó khăn, nói năng không mạch lạc.
- Hành vi bất thường: Phản ứng với các tình huống một cách thờ ơ hoặc không phù hợp.
- Không thể hiện cảm xúc: Không thể hiện hoặc đáp lại cảm xúc.
3. Nguyên nhân và các yếu tố rủi ro của tâm thần phân liệt
Một số yếu tố chính có thể là nguyên nhân gây ra tâm thần phân liệt là:
- Di truyền.
- Thay đổi cấu trúc và hóa học trong não.
- Thai kỳ.
- Biến chứng khi sinh.
- Sinh non.
- Chấn thương thời thơ ấu hoặc rối loạn căng thẳng sau chấn thương.
- Các yếu tố tâm lý và môi trường.
- Yếu tố xã hội.
- Yếu tố phát triển...
Các yếu tố rủi ro liên quan đến tâm thần phân liệt:
- Tiền sử gia đình bị tâm thần phân liệt.
- Tiếp xúc với virus, chất độc, thuốc hoặc nhiễm trùng nặng ảnh hưởng đến não.
- Dùng thuốc làm thay đổi tâm trí (thuốc thần kinh hoặc thuốc hướng tâm thần).
- Các biến chứng khi mang thai và sinh nở.
- Rối loạn hệ thống miễn dịch...
4. Bệnh tâm thần phân liệt có chữa được không?
Tâm thần phân liệt là một bệnh mạn tính cần được chăm sóc lâu dài. Không có cách chữa trị hoàn toàn, nhưng việc điều trị có thể giúp kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa tái phát.
Điều quan trọng cần lưu ý là tâm thần phân liệt ảnh hưởng đến mỗi người một cách khác nhau và các triệu chứng có thể khác nhau về cường độ và thời gian. Một số bệnh nhân có thể có các triệu chứng cấp tính phải nhập viện, trong khi những người khác có thể có các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn nhưng dai dẳng.
Can thiệp sớm là biện pháp điều trị tốt nhất. Phát hiện bệnh sớm, kèm theo điều trị đầy đủ sẽ giúp tiên lượng tốt hơn. Khoảng thời gian từ 2 đến 5 năm sau cơn loạn thần đầu tiên có tính chất quyết định đến diễn biến của bệnh. Trong khoảng thời gian này, người bệnh cần đến khám và điều trị tại các phòng khám chuyên khoa hoặc các tổ chức hỗ trợ.
Điều trị sớm có thể giúp
- Giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.
- Cải thiện tối đa chất lượng cuộc sống của người bệnh và người thân.
- Tránh để công việc hoặc các hoạt động khác bị gián đoạn kéo dài.
- Rút ngắn thời gian điều trị.
- Giảm rủi ro về các vấn đề sử dụng chất gây nghiện, trầm cảm và tự tử.
5. Thuốc và các phương pháp điều trị tâm thần phân liệt
Mặc dù căn bệnh này không thể chữa khỏi, nhưng thuốc chống loạn thần, liệu pháp tâm lý có thể giúp kiểm soát các triệu chứng.
5.1 Thuốc điều trị tâm thần phân liệt
Phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho bệnh tâm thần phân liệt bao gồm thuốc chống loạn thần để giảm thiểu triệu chứng hoang tưởng và ảo giác.
Có 2 loại thuốc chống loạn thần chính: Thế hệ đầu tiên (hoặc điển hình) và thế hệ thứ hai (còn được gọi là không điển hình).
Thuốc chống loạn thần điển hình ngăn chặn cách bộ não sử dụng dopamine, một chất hóa học mà bộ não sử dụng để giao tiếp giữa các tế bào. Mặt khác, thuốc chống loạn thần không điển hình ngăn chặn việc sử dụng dopamine và serotonin.
Một số ví dụ phổ biến về thuốc chống loạn thần điển hình bao gồm:
- Clorpromazin
- Fluphenazin
- Haloperidol
- Perphenazin
- Thiothixen
- Trifluoperazin
Một số ví dụ phổ biến về thuốc chống loạn thần không điển hình bao gồm:
- Aripiprazol
- Clozapin
- Risperidone
- Paliperidon
5.2 Các phương pháp điều trị khác
Ngoài thuốc, liệu pháp tâm lý là phương pháp điều trị bổ sung cho bệnh tâm thần phân liệt. Liệu pháp tâm lý có thể bao gồm liệu pháp hành vi nhận thức, liệu pháp tâm lý hỗ trợ và liệu pháp nâng cao nhận thức.
Liệu pháp hành vi nhận thức có thể giúp kiểm soát lo lắng, trầm cảm và sử dụng chất gây nghiện thường liên quan đến tâm thần phân liệt. Các hình thức trị liệu tâm lý khác cũng có thể giúp bệnh nhân duy trì chế độ điều trị để kiểm soát các triệu chứng và tác dụng phụ.
Mặc dù liệu pháp sốc điện thường là cách tiếp cận cuối cùng đối với bệnh tâm thần phân liệt, nhưng những bệnh nhân kháng thuốc có khả năng khiến bản thân hoặc người khác gặp nguy hiểm thường được khuyến nghị điều trị bằng phương pháp này.
Phương pháp điều trị này liên quan đến việc sử dụng một dòng điện áp vào da đầu, kích thích một số phần trong não. Sự kích thích đó gây ra một cơn động kinh ngắn, có thể giúp cải thiện chức năng não cho những người bị trầm cảm nặng, kích động và các vấn đề khác.
6. Tâm thần phân liệt và lạm dụng chất kích thích
Tâm thần phân liệt và lạm dụng chất kích thích gây nghiện như rượu và ma túy là những tình trạng xảy ra đồng thời phổ biến. Trên thực tế, ước tính có khoảng 50% người mắc bệnh tâm thần phân liệt có tiền sử lạm dụng chất kích thích. Những người bị tâm thần phân liệt thường lạm dụng chất gây nghiện như một cách để tự điều trị hoặc giảm bớt cảm giác lo lắng và trầm cảm.
Mặc dù lạm dụng chất gây nghiện không gây ra bệnh nhưng nó có thể đóng vai trò như một yếu tố kích hoạt. Một người có sẵn các yếu tố nguy cơ di truyền có thể phát triển thành bệnh tâm thần phân liệt sau khi lạm dụng chất kích thích kéo dài. Sử dụng ma túy, như cần sa, cocaine và amphetamine, cũng có thể làm trầm trọng thêm mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Tâm thần phân liệt cũng thường bị nhầm lẫn với các rối loạn do lạm dụng chất gây nghiện vì có triệu chứng tương tự nhau. Điều này đôi khi có thể gây khó khăn cho việc chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt hoặc các rối loạn tâm thần do lạm dụng chất gây nghiện.
Hiểu về dịch tễ học và các triệu chứng phổ biến của bệnh tâm thần phân liệt có thể giúp bệnh nhân, gia đình nhận biết và chẩn đoán bệnh sớm hơn. Hơn nữa hiểu rõ hơn về căn bệnh này có thể hỗ trợ thêm về mặt cảm xúc cho bệnh nhân, người thân và gia đình họ cũng như giảm bớt sự kỳ thị của xã hội xung quanh căn bệnh này.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
4 việc nên làm khi ăn vải để không bị nóng và tăng cân | SKĐS