Đọc tin này, tôi cứ thấy ghê ghê. Cái chết và sự hiến xác của bà thật xa lạ với hình ảnh của bà trong tiềm thức của tôi. Hình ảnh bà trong trí nhớ của tôi lần đầu tiên là sau ngày Thủ đô giải phóng: một phụ nữ trẻ, xinh, hiền hậu, có nụ cười khóe miệng, duyên dáng trong bộ váy đầm giản dị. Hồi đó, phụ nữ mặc váy rất hiếm. Chị theo chồng là ông Q., cán bộ ngoại giao cao cấp từ Liên Xô về. Chị thạo tiếng Anh và làm công tác văn hóa. Chị được các bạn đồng nghiệp mến vì tính tình hòa nhã, hay giúp đỡ người khác. Chị là người vợ hiền, mến phục chồng. Anh mất đã một phần tư thế kỷ, chị sống hòa mình trong xã hội nên không có cảm giác chị sống đơn lẻ. Một phụ nữ đoan trang, tân mà cổ như vậy mà lại chịu để... khi chết, con dao phẫu thuật mổ cơ thể mình ra hàng trăm mảnh!
![]() Hiến xác cho khoa học là một nghĩa cử cao đẹp. |
Mổ xác là một tập quán chưa có trong văn hóa truyền thống của người Việt, trái với đạo lý dân gian ngàn xưa. Theo quan niệm chữ hiếu của ta, cái gì thuộc cơ thể ta đều là tinh cha, huyết mẹ thiêng liêng, không được gây thương tổn! Do đó mới có chuyện cụ học giả Nguyễn Văn Tố giữ mãi cái búi tó. Thiêu xác có từ xưa chỉ là một tục lệ của đạo Phật đối với các vị cao tăng. Còn thiêu xác bằng điện cho người bình thường - theo phương Tây - được nhập vào ta mới độ vài chục năm nay, dù sao, cách làm này dễ chấp nhận hơn do có tiền lệ hỏa thiêu cao tăng.
Còn hiến xác mình cho phẫu thuật khoa học thì quả là một hành động “cách mạng”, phi truyền thống! Bác sĩ Fermi, chuyên chữa bệnh tâm thần ở Pháp, đã nghiên cứu văn hóa truyền thống Việt Nam để chữa các bệnh của Việt kiều.
Theo ông, quan niệm về cái chết và hồn vía là một biểu tượng quan trọng của tâm thế người Việt. “Hồn” nói chung đối lập với “xác”. Có tới “3 hồn, 9 vía” với đàn bà và “3 hồn, 7 vía” với đàn ông. Hồn thuộc về dương, trong sáng, chủ động, sau khi người chết sẽ bay lên trời. Vía thuộc về âm, tối tăm, thụ động, sẽ chìm sâu xuống đất. Lời khấn khi tang lễ và thờ cúng tổ tiên nhằm mục đích hội tụ các hồn, các vía (hay phách), nếu không, người chết sẽ thành các cô hồn lang thang không nơi nương tựa. Đó là trường hợp những người chết không ai thờ cúng:
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người
Hương lửa đã không nơi nương tựa
Hồn mồ côi lần lữa bấy niên
(Văn tế thập loại chúng sinh - Nguyễn Du)
Bà C. cùng những người đã và sẽ hiến xác cúng rằm tháng Bảy nhiều lần hẳn sẽ day dứt lắm khi quyết định để thân mình bị “tùng xẻo”! Ngày 26/1/2013, trong lễ tri ân tại Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), bà C. đã phát biểu lời tâm sự với người cõi âm. Bằng những lời thống thiết, bà nói với hồn những người đã hiến xác là: “Các bạn đâu phải là những oan hồn vất vưởng, không nơi nương tựa, mà các bạn sẽ được người đời biết ơn, vì bạn là ân nhân của khắp mọi nhà! Gia đình các bạn đã đau thương khóc lóc khi tiễn đưa người thân ra đi và xót xa khi thi thể người thân bị cắt xé trên bàn mổ xác lạnh lẽo. Các bạn muốn người thân mình hãy biến giọt lệ xót thương thành nước mắt tự hào vì có người thân biết sống và chết có ích cho đời, phục vụ xã hội. Khi chết đi để lại tất cả những gì mình còn lại cho đời. Một tài liệu Phật giáo coi những người hiến xác cho nghiên cứu khoa học là những vị Bồ Tát. Các bạn hiến xác thân mến, các bạn có biết không? Đêm đêm nằm trong chăn ấm nệm êm, chúng tôi làm sao quên được các bạn ngày đêm trần mình trong hố nước ướp xác lạnh lẽo trong mấy năm trường để cuối cùng hiên ngang như một liệt sĩ lên giàn hỏa thiêu, thành tro bụi hòa vào đất mẹ để bón cây cỏ xanh tươi, hoàn thành nghĩa vụ y khoa, các bạn sẽ lại thanh thản hòa vào hồn thiêng tổ tiên và dân tộc” .
Dĩ nhiên, những người đã và sẽ (như bà C.) hiến xác không phải để mong được tri ân mà chỉ muốn làm một nghĩa cử cho hậu sinh bớt đau khổ, điều rất khó vì chưa có trong nền văn hóa truyền thống dân mình.
Về hiện tượng này, năm 1993, ở TP.HCM chỉ có 1 người đăng ký hiến xác, đến nay, con số đã lên đến 2 vạn người. Vào thời buổi đạo đức xã hội suy thoái, đó quả là những tấm gương cao cả!
Hữu Ngọc