Hà Nội

Tâm sự của Thẩm phán xét xử vụ án ma túy lớn nhất Việt Nam

24-09-2014 15:19 | Thời sự
google news

Đây là vụ án ma túy lớn nhất Việt Nam với số lượng bị cáo đông (89 bị cáo), án tử hình nhiều (30 án tử hình), lượng tài liệu “kếch xù” (ước chừng gần 100kg tài liệu, gần 10.000 bút lục)...

Vụ án có đến 30 án tử hình, nếu tuyên án cùng lúc dễ gây rối loạn tại phiên tòa do tâm lý bất ổn, manh động của các bị cáo. Do vậy, HĐXX đã bàn bạc, thống nhất với lực lượng Cảnh sát làm nhiệm vụ tại phiên tòa tuyên án theo bốn nhóm đối tượng.

Đầu năm 2014, TAND tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra xét xử vụ án ma túy lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Công an Trung Quốc triệt phá hồi đầu năm 2012.

Đầu năm 2014, TAND tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra xét xử vụ án ma túy lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Công an Trung Quốc triệt phá hồi đầu năm 2012.

Sở dĩ nói đây là vụ án ma túy lớn nhất Việt Nam bởi số lượng bị cáo đông (89 bị cáo), án tử hình nhiều (30 án tử hình), lượng tài liệu “kếch xù” (ước chừng gần 100kg tài liệu, gần 10.000 bút lục), số lượng luật sư bào chữa cho các bị cáo lên đến 41 người, cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát làm nhiệm vụ đông đảo (gần 400 người)…

Để tổ chức phiên tòa xét xử vụ án, TAND tỉnh Quảng Ninh phải thuê người dựng hội trường rộng lớn (khoảng 600m2) có sức chứa hàng ngàn người ngay tại sân của Trại giam Công an tỉnh Quảng Ninh. Phiên tòa xét xử kéo dài gần 20 ngày (từ 3 - 20/1/2014).

Kết thúc phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt 30 bị cáo mức án tử hình, 13 bị cáo mức án tù chung thân, 9 bị cáo mức án 20 năm tù giam, 33 bị cáo mức án từ 4 - 14 năm tù, 4 bị cáo mức án từ cảnh cáo đến 2 năm tù giam về các tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, “Tàng trữ trái phép chất ma túy”, “Tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép”, “Làm môi giới hối lộ’, “Đưa hối lộ”, “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”, “Giả mạo trong công tác”, “Không tố giác tội phạm”, “Kinh doanh trái phép”, buộc các bị cáo nộp lại toàn bộ số tiền gần 200 tỷ đồng do phạm tội mà có để sung công quỹ Nhà nước.

Quang cảnh phiên tòa

Quang cảnh phiên tòa

Sau khi tuyên án, 43 bị cáo kháng cáo, sau đó, ba bị cáo rút kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 19/6/2014, HĐXX phúc thẩm chỉ chấp nhận kháng cáo và giảm hình phạt cho ba bị cáo gồm Nông Văn Len từ tử hình xuống chung thân, Nguyễn Đức Toàn từ 5 năm xuống 4 năm tù, Nguyễn Sỹ Dũng từ 10 năm xuống 8 năm tù, còn lại y án sơ thẩm.

Như vậy, phiên tòa đã diễn ra thành công, đảm bảo xét xử đúng pháp luật, đúng người, đúng tội, không có oan sai, không bỏ lọt tội phạm, đảm bảo quyền, lợi ích của nhà nước, quyền lợi lích hợp pháp của công dân.

Tuy nhiên, để có được sự thành công của phiên tòa, HĐXX đã chuẩn bị cho việc tổ chức xét xử hết sức chu đáo, cẩn trọng.

Ông Ngô Đức, Chánh án TAND tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, tính chất rất phức tạp nên yêu cầu Thẩm phán xét xử phải là người có trình độ năng lực cao, có uy tín, kinh nghiệm và bản lĩnh vững vàng. Chúng tôi đã cân nhắc kỹ lưỡng để lựa chọn người có đủ những phẩm chất nêu trên. Và Thẩm phán Nguyễn Văn Vương, Chánh tòa Tòa Kinh tế - TAND tỉnh Quảng Ninh là người được giao trọng trách xét xử vụ án này”.

Thẩm phán Nguyễn Văn Vương, Chủ tọa phiên tòa tâm sự: “Ban đầu, khi được giao chủ tọa xét xử vụ án này, tôi đã từ chối bởi tôi phụ trách Tòa Kinh tế chứ không phải hình sự. Nhưng được sự tin cậy của lãnh đạo nên tôi đã nhận giải quyết vụ án. Thực sự đây là vụ án lớn, hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng và có đến 30 án tử hình nên áp lực rất lớn. Tâm lý chung của các Thẩm phán là không muốn nhận vụ án có nhiều án tử hình đến vậy bởi “âm khí” quá nặng. Điều tôi lo lắng nhất không phải là tính chất phức tạp của vụ án mà là vấn đề về sức khỏe. Bởi, mặc dù hiện tại bản thân không có vấn đề gì về sức khỏe nhưng trong suốt 20 ngày làm việc căng thẳng, không biết liệu có ốm hay không, nhất là việc có giữ được giọng nói tốt trong suốt quá trình điều hành phiên tòa hay không?…”.

Để chuẩn bị cho phiên tòa, HĐXX đã mất mấy tháng trời nghiên cứu hồ sơ, phân tích cặn kẽ từng chi tiết của vụ án để lên kế hoạch cụ thể cho từng ngày làm việc. Quá trình nghiên cứu hồ sơ, Thẩm phán Vương đã phân công các thành viên trong HĐXX nghiên cứu theo từng nhóm hành vi và hướng dẫn họ tra cứu các tài liệu, chứng cứ. HĐXX cũng thường xuyên trao đổi và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các luật sư nghiên cứu hồ sơ vụ án.

Ông Vương chia sẻ: Quá trình điều hành phiên tòa, ông phải tổ chức cho HĐXX làm việc một cách khoa học, linh hoạt. Sau mỗi ngày làm việc, HĐXX lại tổ chức họp nhìn nhận, đánh giá lại quá trình làm việc để kịp thời bổ sung, chấn chỉnh cho buổi làm việc tiếp theo.

Phiên tòa kéo dài gần 20 ngày, có 41 luật sư, trong đó 2/3 là luật sư được Tòa chỉ định để bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo. Vì nhiều lý do, chắc chắn các luật sư sẽ không ngồi hết phiên tòa. Do đó, HĐXX đã chia việc xét hỏi, tranh tụng theo từng nhóm bị cáo và có kế hoạch cụ thể, chi tiết để triệu tập các nhân chứng và thông báo trước đến luật sư để họ tham gia đầy đủ, đảm bảo việc xét xử.

Do lượng bị cáo đông, tiền án, tiền sự nhiều và có nhiều bị cáo bị truy tố ở tội danh có khung hình phạt cao nhất, mỗi bị cáo có hai cảnh sát áp giải nên quá trình thẩm tra căn cước các bị cáo mà thực hiện theo cách thông thường thì rất mất thời gian, khó đảm bảo trật tự phiên tòa.

Vì vậy, HĐXX đã bàn bạc, thống nhất phương án thẩm tra căn cước các bị cáo theo hướng linh hoạt. Đó là chỉ để vành móng ngựa tượng trưng, khi thẩm tra căn cước, bị cáo được đứng tại chỗ trả lời, HĐXX đọc rõ lai lịch để bị cáo trả lời đúng hay không để đối chiếu hồ sơ.

Quá trình xét hỏi, một số bị cáo khai báo quanh co, cho rằng bị điều tra viên đánh đập, ép cung. Để đảm bảo khách quan trong quá trình xét xử, HĐXX đã yêu cầu Cơ quan điều tra có văn bản giải trình và công bố giải trình tại buổi làm việc hôm sau để có đủ cơ sở làm rõ hành vi của các bị cáo.

Việc tuyên án đối với các bị cáo cũng được HĐXX tính toán kỹ lưỡng. Vụ án có đến 30 án tử hình, nếu tuyên án cùng lúc dễ gây rối loạn tại phiên tòa do tâm lý bất ổn, manh động của các bị cáo. Do vậy, HĐXX đã bàn bạc, thống nhất với lực lượng Cảnh sát làm nhiệm vụ tại phiên tòa tuyên án theo bốn nhóm đối tượng.

Theo đó, HĐXX tuyên án đối với 30 bị cáo mức án tử hình chia làm ba nhóm, mỗi nhóm 10 bị cáo cùng với các vấn đề khác rồi giao cho cảnh sát áp giải ngay từng nhóm về trại giam. Còn lại nhóm cuối cùng, HĐXX tuyên án đối với các bị cáo có mức án tù từ chung thân trở xuống.

Cuối cùng, phiên tòa đã thành công tốt đẹp. Kết thúc phiên tòa, ông Vương đã “thở phào” nhẹ nhõm. “Tôi không bị ốm, giọng nói lại to, rõ duy trì đều suốt quá trình điều hành phiên tòa đó là điều may mắn nhất đối với tôi”, Thẩm phán Nguyễn Văn Vương chia sẻ.

 


Ý kiến của bạn