Cuộc đời người bác sỹ trải qua nhiều cảm xúc khác nhau, có lúc vui có lúc buồn, nhưng có những lúc chẳng biết vui hay biết buồn nữa (như khi đọc xong bài báo dưới đây:
Khi điều trị cho bố cậu học trò nghèo này tôi cũng đã tiên lượng được chất lượng cuộc sống sau này nhưng thử hỏi có người bác sỹ nào dám “buông” bệnh nhân của mình. Cứu bệnh nhân là nhiệm vụ số 1 của người làm thầy thuốc, nhưng có phải bệnh nhân nào ra viện cũng có chất lượng cuộc sống như ban đầu, đặc biệt khi họ bị bệnh quá nặng, đến với mình trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”, dẫu biết rằng cứu được họ là một nhiệm vụ khó khăn, cấp cứu thành công nhưng sau khi ra viện bệnh nhân lại là một gánh nặng cho cả gia đình và xã hội. Bác sỹ có thể tiên lượng hết việc này nhưng đứng trước người bệnh và sự cầu cứu của người nhà: “Mong bác sỹ cố gắng cứu giúp chồng tôi dù sau này ông ấy có thế nào đi chăng nữa thì các con còn nhìn thấy bố chúng, tôi không bị mất chồng” thì chúng ta lựa chọn như thế nào đây????
Cách đây vài ba năm tôi có điều trị cho một bệnh nhân (bệnh lý tương tự như bệnh nhân này). Bệnh nhân nữ 26 tuổi đang mang thai 27 tuần bị xuất huyết não do vỡ dị dạng mạch, sau khi được phẫu thuật lấy khối dị dạng, mở volet giải tỏa não và được chuyển phòng hồi sức tích cực điều trị trong tình trạng: Hôn mê (Glasgow: 4-5đ), phù phổi cấp liên tục (có thể do nguyên nhân thần kinh), hình ảnh XQ phổi trắng xóa hai phế trường. Bệnh nhân được thở máy chống phù não, điều trị theo các đích sọ não, chống co thắt mạch não sau chảy máu dưới nhện, dự phòng nguy cơ xảy thai…Nhiều đồng nghiệp đã khuyên tôi nên lấy cái thai ra để điều trị cho mẹ vì có cái thai việc điều trị cho mẹ khó khăn hơn.
Đó là những ý kiến hay làm tôi cân nhắc nhưng không hiểu sao tôi vẫn tin rằng cố gắng thêm chút nữa có thể cứu được đứa bé. Vì vậy tôi đã cố, từng ngày từng ngày một. Khoảng 1 tuần sau tri giác bệnh nhân khá lên (gọi hỏi biết), tuy nhiên tình trạng phổi không cải thiện, chuyển thành ARDS (Acute Respiratory Distress Syndrome: một bệnh lý về phổi rất khó cho các bác sỹ hồi sức), việc lấy đứa trẻ lại được đặt ra từ phía người nhà, một lần nữa tôi lại thuyết phục sẽ cố, cố thêm một thời gian ngắn nữa xem có thể cứu đứa bé không, khi không thể giữ được sẽ quyết định mổ lấy thai. Ơn trời, mẹ nó đã vượt qua đến khi thai đủ 33 tuần với những phương pháp điều trị tối thiểu nhất có thể do nhà chồng luôn trực xin bệnh nhân về vì điều kiện kinh tế.
Một ngày xấu trời nghe tim thai thấy hơi yếu so với những ngày trước, siêu âm tại giường thấy cạn ối, mời hội chẩn bác sỹ sản và có chỉ định lấy thai cứu đứa bé. Sau khi giải thích tình trạng bệnh và phương hướng giải quyết cho gia đình, ông bố chồng vắt chân chữ ngũ trước mặt tôi trả lời lạnh lùng: “Tôi không đồng ý mổ cho cháu, tôi xin cho mẹ con nó về, bác sỹ cứu được một người thì đẩy 80 người ra đường”. Thuyết phục ông ấy với tư cách bác sỹ với người nhà bệnh nhân, giữa con người với con người…ông ấy cũng không đồng ý ký cam kết mổ, luôn đưa về phía tôi với ánh mắt không thiện cảm và không cầu thị, cảm giác như tôi là người gây khó khăn cho gia đình ông trong khi tôi và các đồng nghiệp đang gồng mình cứu con dâu và cháu nội ông ấy, kết thúc câu chuyện là lên xe trở về HD. Chúng tôi cũng không thể trách ông, ai chẳng muốn cứu con cháu mình nhưng có phải lúc nào hoàn cảnh cũng cho phép vì ai cũng có một “góc khuất” của cuộc đời. Chúng tôi vẫn quyết định mổ lấy cái thai sau khi có sự đồng ý của mẹ đẻ, em gái và chồng bệnh nhân qua điện thoại, một đứa bé trai 1.600g đầy đủ bộ phận được ra đời, sản phụ được đưa trở lại hồi sức tiếp, đứa trẻ được chuyển qua khoa sơ sinh (BV phụ sản TW) nuôi dưỡng. 10 ngày sau cháu bé được xuất viện trong tình trạng khỏe mạnh trước sự ngỡ ngàng của gia đình và nhân viên y tế, mẹ cháu cũng qua khỏi và xuất viện trong vài ngày sau đó. Xin cảm ơn Chúa, cảm ơn những đồng nghiệp, những chị em điều dưỡng đã cùng tôi “dũng cảm” cứu chữa cho bệnh nhân, đã không vô tình giết đi hai sinh mạng…
Hai bệnh nhân có bệnh lý gần giống nhau tuy nhiên có hai hoàn cảnh, hai cách ứng xử hoàn toàn khác nhau…tạo cho tôi nhiều cảm xúc cung bậc khác nhau, có lúc ức chế vì thái độ của họ, có lúc nhẹ nhõm khi bệnh nhân ra được viện… Thời gian thắm thoắt trôi đi, nhìn đứa bé thông minh nhanh nhẹn (qua fb của mẹ cháu) tôi cũng thấy ấm lòng. Hình ảnh cậu sinh viên nghèo học giỏi ngày càng trưởng thành cho thấy dù bố không được trở về như ngày trước nhưng vẫn là chỗ dựa tinh thần, một nguồn cổ vũ lớn lao cho các con khôn lớn như lời cầu cứu của người vợ bệnh nhân “chúng chỉ cần nhìn thấy bố chúng…”
Qua hai câu chuyện nhỏ trong khi cuộc đời y nghiệp tôi thấm thía một điều: người thày thuốc Việt Nam ngày nay đang đứng giữa hai làn đạn. Một làn đạn từ phía ngành nghề của mình: đó là quy chế, trách nhiệm, là hàng núi những công việc phải làm, là quá tải…. Một làn đạn khác mạnh hơn từ phía xã hội, thân nhân bệnh nhân và những người không thông cảm với những vất vả cực nhọc của nghề Y.
Hình ảnh của bác sỹ Thiện ở bệnh viện Việt Nam –Thuỵ Điển giữa vòng vây tấn công của gia đình bệnh nhân là một hình ảnh điển hình làm đau lòng tất cả những người làm công tác y tế, đặc biệt những người làm hồi sức tích cực nơi mong manh giữa “sự sống-cái chết”. Không người bác sỹ nào muốn bệnh nhân của mình “chết” cả, biết làm sao được khi khi cứu được “bệnh” không cứu được “mệnh” người, hơn nữa hiểu biết con người có giới hạn còn tai biến xảy ra thì vô hạn.
Cả hai làn đạn bắn từ hai phía trái ngược nhau và người thày thuốc nào không khéo léo và bản lĩnh sẽ phải nhận lãnh cả hai.
Tuy nhiên, ta cũng không nên quá bi quan vì khi nào người thày thuốc xem bệnh nhân như người thân, quên hẳn thân mình đi để cùng chiến đấu với bệnh tật, cùng để dòng nước mắt mình hoà quyện cùng nước mắt của người bệnh thì không bao giờ thày thuốc trở thành kẻ thù của một ai.
Trích: Nhật ký đêm trực. VĐ 20/07/2017