Ung thư vú là loại ung thư thường gặp và là loại gây tử vong hàng đầu trong các loại ung thư của phụ nữ.
Ung thư vú có tỉ lệ mắc bệnh cao, tỉ lệ tử vong đáng kể, giai đoạn sớm có thể phát hiện bằng những phương tiện tầm soát.
Thống kê cho thấy, năm 2012 có khoảng trên một triệu ca mắc ung thư vú mới trên toàn thế giới. Ở Mỹ, năm 1998 tỉ lệ ung thư vú tăng gấp hai lần so với năm 1940. Vì nguyên nhân ung thư vú hiện nay chưa biết rõ và vì có rất nhiều tác nhân nguy cơ xuất hiện sớm trong đời sống của người phụ nữ, việc kiểm soát ung thư vú bằng các biện pháp phòng ngừa tiên khởi không có hiệu quả.
Một chương trình tầm soát tốt dựa vào dân số của ung thư vú phải có sự hợp tác cao của các phụ nữ trong nhóm tuổi, khả năng tầm soát cao bởi nhũ ảnh đơn thuần hay kết hợp với thăm khám lâm sàng, phải có đội ngũ bác sĩ lành nghề để đánh giá các thay đổi bất thường ở tuyến vú.
Các yếu tố nguy cơ
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ ung thư vú:
Tuổi và giới: yếu tố nguy cơ quan trọng. Tỉ lệ mắc ung thư vú ở nữ cao gấp 100 lần ở nam giới. Tỉ lệ ung thư vú tăng rõ ràng ở khoảng 4 - 50 tuổi được nghĩ là do thay đổi về hoóc-môn và giảm hẳn ở lứa tuổi 75 - 80.
Chủng tộc: tỉ lệ ung thư vú cao ở châu Âu và Bắc Mỹ. Tuy nhiên, yếu tố này được quy cho là do lối sống và tình trạng kinh tế, xã hội.
Bệnh lành tính của tuyến vú: một số bệnh lành tính của tuyến vú với đặc điểm tế bào không điển hình làm tăng nguy cơ ung thư vú. Các yếu tố này kèm theo tiền căn gia đình mắc ung thư vú sẽ tăng nguy cơ ung thư vú.
Tiền căn ung thư vú: nếu có ung thư vú tại chỗ, nguy cơ có ung thư vú đối bên là 5% trong 10 năm. Nếu là ung thư vú xâm lấn nguy cơ ung thư vú đối bên là 0,5 - 1% mỗi năm.
Lối sống và chế độ dinh dưỡng: tình trạng kinh tế, thói quen, chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng đến tỉ lệ mắc ung thư vú. Chế độ ăn nhiều mỡ, uống nhiều rượu, béo phì ở phụ nữ mãn kinh làm tăng nguy cơ ung thư vú và chết do ung thư vú.
Yếu tố nội tiết nữ: tuổi bắt đầu có kinh, tuổi mãn kinh, tuổi sinh con đầu, số lần sinh con, nuôi con bằng sữa mẹ, cũng ảnh hưởng tỉ lệ mắc ung thư vú. Phụ nữ hậu mãn kinh dùng nội tiết thay thế làm tăng nồng độ estrogen trong máu làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Yếu tố gia đình và di truyền: bệnh sử gia đình có ung thư vú là yếu tố nguy cơ cao, nguy cơ tăng gấp 1,5 lần nếu mẹ hoặc chị em gái mắc ung thư vú. Đột biến BRCA1 BRCA2 làm tăng nguy cơ ung thư vú thêm 5 - 10%.
Phơi nhiễm bức xạ ion hóa: tiền căn có tiếp xúc với bức xạ với ion hóa vùng ngực làm tăng nguy cơ ung thư vú. Phụ nữ có bệnh lý phải chụp X-quang nhiều ở ngực, phụ nữ sống trong vùng sau nổ bom nguyên tử… sẽ tăng nguy cơ ung thư vú.
Các phương pháp tầm soát ung thư vú
Nhũ ảnh: hiện nay tác dụng của nhũ ảnh trong tầm soát ung thư vú đã được công bố qua nhiều nghiên cứu. Nhũ ảnh được sử dụng đầu tiên năm 1913 trên tuyến vú đã phẫu thuật, 1930 được sử dụng trên bệnh nhân, 1950 - 1960 được báo cáo có thể phát hiện được ung thư vú không sờ thấy trên lâm sàng. Sau đó thì các nghiên cứu chứng minh hậu quả của nhũ ảnh trong tầm soát làm giảm tỉ lệ tử vong do ung thư vú. Từ năm 1965, nhiều tiến bộ về kỹ thuật giúp cải thiện chất lượng hình ảnh của nhũ ảnh và giảm liều bức xạ cho bệnh nhân. Nhũ ảnh phát hiện những tổn thương vi vôi hóa mà khám lâm sàng không sờ thấy.
Siêu âm: ban đầu siêu âm được sử dụng để đánh giá những bất thường ở vú khi phát hiện bằng nhũ ảnh hoặc khám lâm sàng. Siêu âm vú giúp phát hiện được nang hay bướu đặc, giúp cung cấp thông tin về bản chất và giới hạn của bướu đặc và tổn thương khác ở vú. Ngoài ra, còn là phương tiện hình ảnh chỉ dẫn sinh thiết tổn thương nghi ngờ ác tính. Hiệu quả của siêu âm tuyến vú phụ thuộc vào kinh nghiệm của người bác sĩ siêu âm, máy siêu âm và hạn chế của siêu âm là khó so sánh với kết quả siêu âm cũ.
MRI: kỹ thuật hỗ trợ cho nhũ ảnh trong tầm soát ung thư vú, được sử dụng cho nhóm phụ nữ có nguy cơ cao. MRI được chứng minh là công cụ hỗ trợ cho nhũ ảnh trong trường hợp có đột biến BRCA giúp phát hiện ung thư giai đoạn sớm tuy nhiên giá thành cao.
Tầm soát bằng khám lâm sàng tuyến vú: được thực hiện bởi bác sĩ lâm sàng, khám với 2 tư thế: bệnh nhân ngồi và nằm, khám và so sánh 2 bên tuyến vú. Khám lâm sàng có thể phát hiện bướu ≥ 1cm. Khám lâm sàng tầm soát có hiệu quả trong phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm và thường được thực hiện ở các nước đang phát triển nơi mà ung thư vú đang tăng và nhũ ảnh chưa phát triển mạnh.
Tầm soát bằng tự khám tuyến vú: phương pháp ít tốn kém và được thực hiện bởi chính bệnh nhân. Tác dụng của tự khám tuyến vú giúp tăng sự quan tâm đến sức khỏe của mỗi người, giúp cho người phụ nữ tự phát hiện những thay đổi bất thường của mô tuyến vú trước khi đến thầy thuốc chuyên khoa thăm khám.
Tóm lại: ung thư vú có tỉ lệ mắc bệnh cao, tỉ lệ tử vong đáng kể, giai đoạn sớm có thể phát hiện bằng những phương tiện tầm soát.
Lợi ích của tầm soát ung thư vú đã được chứng minh bởi nhiều công trình lớn. Chiến lược tầm soát phụ thuộc vào nguy cơ của người tầm soát, khả năng của nền y tế, quyết định của người được tầm soát và phải luôn luôn cân nhắc hiệu quả của tầm soát trước khi tiến hành tầm soát.
Tuy có những sự khó khăn nhưng nhờ tầm soát phát hiện sớm, cộng thêm những tiến bộ trong điều trị: phẫu trị, hóa trị, xạ trị, điều trị trúng đích, đã góp phần cải thiện rõ rệt bức tranh toàn cảnh về ung thư vú.
TS.BS. VÕ ĐĂNG HÙNG
Trưởng khoa Ung Bướu BV. Quốc tế Thành Đô