Tầm soát ung thư phổi - giảm thiểu nguy cơ tử vong

02-03-2020 13:13 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ung thư phổi là bệnh lý ác tính hàng đầu, có tỷ lệ tử vong cao nếu phát hiện muộn.

Có tới 70% bệnh nhân ung thư phổi ở Việt Nam phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, điều trị khó khăn và thời gian sống thêm không nhiều. Do đó, tầm soát ung thư phổi đóng vai trò rất quan trọng giúp giảm chi phí điều trị, kéo dài thời gian sống và giảm thiểu tỷ lệ tử vong của bệnh.

Những điều cần biết về ung thư phổi

Vai trò chính của phổi là trao đổi khí, đưa oxy vào cơ thể và thải cacbondioxit ra ngoài. Ngoài ra, phổi còn có chức năng chuyển hóa một số chất, lọc thải một số chất độc trong máu.

Ung thư phổi (lung cancer) là bệnh lý ác tính bắt nguồn từ các mô phổi, trong đó các mô phổi tăng sinh không thể kiểm soát tạo thành một khối u ác tính. Sự tăng trưởng tế bào này có thể lan ra ngoài phổi đến các mô hoặc bộ phận khác của cơ thể - quá trình này gọi là di căn. Hầu hết các loại ung thư bắt nguồn từ trong phổi (ung thư phổi nguyên phát) là ung thư biểu mô. Ung thư phổi được chia làm 2 loại chính là ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không phải tế bào nhỏ.

Ung thư phổi là một căn bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhưng không hề dễ nhận biết ở giai đoạn đầu. Các triệu chứng thường biểu hiện rõ ở giai đoạn muộn, do đó, việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn. Hiểu rõ các dấu hiệu ung thư phổi giúp chẩn đoán bệnh kịp thời, từ đó có phương án điều trị phù hợp.

Cần đi khám để được làm xét nghiệm phát hiện sớm ung thư phổi.

Cần đi khám để được làm xét nghiệm phát hiện sớm ung thư phổi.

Dấu hiệu và triệu chứng nghi ngờ ung thư phổi

Ho khan từ 2 tuần trở lên: Ho là triệu chứng gợi ý nhất nhưng thường bị bỏ qua. Ho dai dẳng lâu ngày không khỏi, ho khan, ho đờm, thậm chí ho ra máu (lượng ít, đờm có dính ít máu) có thể là dấu hiệu ung thư phổi.

Khó thở, thở ngắn hơi, thở khò khè: Khó thở có thể do tắc nghẽn phế quản, tiếng thở khò khè có thể do tắc nghẽn phế quản lớn, tràn dịch màng phổi... Có một số trường hợp tắc nghẽn gây ứ đọng dịch ở các phế nang dẫn đến viêm phổi, áp-xe phổi dẫn đến triệu chứng sốt, khạc đờm mủ...

Viêm phổi, áp-xe phổi: Các hội chứng nhiễm trùng hô hấp như viêm phổi, áp-xe phổi là triệu chứng điển hình của giai đoạn xâm lấn.

Hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch chủ trên: Do u xâm lấn vào tĩnh mạch chủ trên gây phù áo khoác, nổi tĩnh mạch bàng hệ trên ngực.

Các dấu hiệu khác: Đau ngực, đau ở một vị trí cố định, đau dai dẳng. Khản tiếng, tắt tiếng, khó nuốt, có thể nuốt đau, nuốt nghẹn, nấc... Nhức đầu. Giảm cân không rõ nguyên nhân, suy nhược cơ thể... Ngón tay dùi trống, đau khớp, tổn thương thần kinh cơ, sạm da ở các nếp da vùng bẹn, hội chứng tăng bài tiết hormon chống lợi niệu, tăng canxi máu...

Nguyên nhân ung thư phổi

Hút thuốc lá là tác nhân chính gây ra ung thư phổi. Trong khói thuốc lá có chứa ít nhất 73 chất gây ung thư đã biết như là benzo-pyren, NNK, Buta-1,3-dien... Hút thuốc lá thụ động cũng là nguy cơ gây ung thư phổi. Nguy cơ mắc bệnh đối với những người sống cùng với người hút thuốc tăng lên từ 20 - 30%.

Tiếp xúc với amiang, khí radon (trong đất, hầm mỏ); ngoài ra, amiang còn có thể gây ra ung thư màng phổi.

Ô nhiễm không khí ngoài trời có một tác động nhỏ đến sự gia tăng nguy cơ mắc ung thư phổi. Các hạt vật chất nhỏ (bụi PM2.5) và các chất khí sunfat (có trong khí thải xe cộ) có liên quan tới sự gia tăng nguy cơ nhẹ. Theo ước tính, ô nhiễm không khí ngoài trời là nguyên nhân của 1 - 2% số trường hợp mắc ung thư phổi.

Vì sao cần tiến hành tầm soát ung thư phổi?

Ung thư phổi vẫn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong trên toàn thế giới. Mặc dù có nhiều tiến bộ mới trong việc chẩn đoán cũng như điều trị căn bệnh này, nhìn chung, tiên lượng sống còn sau 5 năm ở những bệnh nhân này vẫn còn thấp - khoảng 16,8%. Việc chẩn đoán bệnh giai đoạn sớm cho thấy hiệu quả điều trị rất khác biệt. Bệnh có thể được chữa khỏi hoàn toàn, giúp tăng được thời gian sống và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Những nghiên cứu lớn trên thế giới đã được thực hiện cho thấy việc tầm soát ung thư phổi mang lại lợi ích trong việc giảm mức độ bệnh tật cũng như giảm được tỷ lệ tử vong do ung thư phổi gây ra.

Trường hợp nên tiến hành tầm soát ung thư phổi là những người trên 50 tuổi, hút thuốc lá trên 20 năm. Ngoài ra, nếu bạn có các triệu chứng sau đây thì nên đi tầm soát ung thư phổi ngay: ho kéo dài, ho ra máu; đau tại một vùng của ngực; thay đổi giọng nói; khò khè; mệt mỏi thường xuyên; đau khi nuốt.


BS. Vũ Minh
Ý kiến của bạn