(Trần Ngọc Hải - TP.HCM)
Viêm loét đại tràng là một bệnh viêm ruột gây ra viêm kéo dài ở một phần ống tiêu hóa. Giống như bệnh Crohn (một bệnh viêm ruột khác), viêm loét đại tràng có thể nặng lên và đôi khi dẫn đến những biến chứng đe dọa tính mạng người bệnh. Đây là một bệnh mãn tính nên triệu chứng xuất hiện từ từ, hiếm khi đột ngột. Viêm loét đại tràng thường ảnh hưởng đến lớp lót trong cùng của ruột già và trực tràng.
Việc điều trị nhằm mục đích giảm hiện tượng viêm là nguyên nhân gây ra triệu chứng của bệnh. Trong trường hợp tốt nhất bệnh không chỉ giảm triệu chứng mà còn thuyên giảm lâu dài. Một số trường hợp cần phải can thiệp phẫu thuật nếu gặp biến chứng. Thuốc kháng viêm gồm: Sulfasalazin, Mesalamine, corticoide… Các thuốc hỗ trợ miễn dịch có thể giúp giảm viêm và hạn chế phản ứng tự miễn dịch, các thuốc ức chế miễn dịch được sử dụng khi không đáp ứng với thuốc thông thường (Azathioprine, Mercaptopurine, Cyclosporine), thuốc khác: Infliximab, Adalimumab áp dụng cho những trường hợp viêm loét đại tràng thể trung bình đến nặng mà không dung nạp với điều trị thuốc khác.
Những thuốc điều trị triệu chứng gồm: kháng sinh, chống tiêu chảy, giảm đau, viên sắt… Phụ nữ có thai bị viêm loét đại tràng cũng có thể an toàn, đặc biệt khi bệnh thuyên giảm trong giai đoạn có thai. Phụ nữ nên có thai vào giai đoạn bệnh thuyên giảm. Một số thuốc điều trị nêu trên có thể không được dùng khi mang thai (đặc biệt ở ba tháng đầu thai kỳ). Việc tầm soát ung thư đại tràng là cần thiết ở người bị viêm loét đại tràng bởi khi mắc bệnh tần suất mắc phải ung thư sẽ tăng lên. Người ta khuyến cáo sau khi bị viêm loét đại tràng toàn thể 8 năm thì phải bắt đầu tầm soát ung thư bằng nội soi, đối với thể viêm đại tràng trái thì tầm soát sau 10 năm, còn thể viêm loét ống hậu môn thì mỗi 10 năm kiểm tra một lần khi bắt đầu tuổi 50.