Tầm soát sớm, điều trị rung nhĩ kịp thời để tránh nguy cơ suy tim và đột quỵ

18-02-2025 16:05 | Y học 360
google news

Tại Việt Nam, mỗi năm có hàng ngàn người đột quỵ vì biến chứng từ căn bệnh rung nhĩ, trong đó tỷ lệ tử vong và tàn phế chiếm phần lớn.

Rung nhĩ – bệnh lý rối loạn nhịp tim - là một trong những nguyên nhân phổ biến gây suy tim, đột quỵ. Ngày nay, phương pháp triệt đốt rung nhĩ bằng sóng cao tần kết hợp hệ thống lập bản đồ 3D có thể giúp "sửa lỗi" nhịp tim, giúp người bệnh có lại những nhịp đập bình thường.

Rung nhĩ: Mối nguy hiểm chết người không chừa bất kỳ độ tuổi nào

Bà N.T.T. (81 tuổi) nhập viện tại Bệnh viện FV cấp cứu trong tình trạng khó thở và suy tim nghiêm trọng. Sau khi loại trừ các bệnh lý nền như cường giáp, bệnh mạch vành và trào ngược dạ dày, bác sĩ kết luận bà T. mắc suy tim do rung nhĩ dai dẳng kéo dài.

Tầm soát sớm, điều trị rung nhĩ kịp thời để tránh nguy cơ suy tim và đột quỵ- Ảnh 1.

Các bác sĩ khoa Tim mạch và Tim mạch can thiệp, Bệnh viện FV thực hiện kỹ thuật triệt đốt rung nhĩ (Ảnh: FV).

Tại Khoa Tim mạch và Tim mạch can thiệp, bà được các bác sĩ lên phương án điều trị bằng phương pháp triệt đốt rung nhĩ tiên tiến, kết hợp với hệ thống lập bản đồ 3D. Bệnh nhân T. đã hồi phục nhanh chóng, các triệu chứng khó thở biến mất, giấc ngủ được cải thiện, và chức năng tim của bà trở lại trạng thái gần như bình thường. Bác sĩ Hoàng Quang Minh - Khoa Tim Mạch và Tim mạch can thiệp, Bệnh viện FV cho biết, các trường hợp nhập viện cấp cứu do chứng rung nhĩ như bà T. gia tăng trong thời gian gần đây.

"Rung nhĩ là tình trạng nhịp tim đập không đều và ở dạng rung. Tim người bình thường đập từ 60 đến 100 lần mỗi phút, nhưng khi bị rung nhĩ, tần số tim có thể tăng lên 200-300 lần mỗi phút. Tình trạng này làm máu không lưu thông đều, dẫn đến hình thành cục máu đông. Các cục máu đông có thể di chuyển lên não gây đột quỵ", bác sĩ Minh giải thích.

Theo thống kê, cứ 4 người bị đột quỵ thì trong đó có một trường hợp nguyên nhân là do rung nhĩ. Tại Việt Nam, mỗi năm có hàng ngàn người đột quỵ vì biến chứng từ căn bệnh này, trong đó tỷ lệ tử vong và tàn phế chiếm phần lớn. Rung nhĩ không chỉ xảy ra ở những người lớn tuổi mà căn bệnh này ngày càng trẻ hóa, đặc biệt ở những người có lối sống không lành mạnh với các yếu tố nguy cơ phổ biến bao gồm: ít vận động, béo phì, hút thuốc lá, uống rượu bia. Ngoài ra thức khuya, làm việc ca đêm, căng thẳng và trào ngược dạ dày hoặc có lối sống thiếu điều độ cũng góp phần tăng nguy cơ mắc bệnh này.

Tầm soát sớm, điều trị rung nhĩ kịp thời để tránh nguy cơ suy tim và đột quỵ- Ảnh 2.

Thức khuya, căng thẳng và trào ngược dạ dày có thể tăng nguy cơ mắc rung nhĩ (Ảnh: Freepik)

Bên cạnh đó, rung nhĩ dễ xuất hiện ở người có tiền sử bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, hoặc bệnh lý tuyến giáp. Theo bác sĩ Minh, điều quan trọng là người dân cần nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường, như tim đập nhanh, cảm giác hồi hộp, khó thở, hoặc mệt mỏi không rõ nguyên nhân, để thăm khám và điều trị kịp thời.

Áp dụng công nghệ hiện đại "sửa lỗi" nhịp tim

Hiện nay, các phương pháp điều trị rung nhĩ đã đạt nhiều bước tiến vượt bậc nhờ sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, điển hình là phương pháp triệt đốt rung nhĩ bằng sóng cao tần kết hợp hệ thống lập bản đồ 3D.

"Hệ thống này giúp bác sĩ xác định chính xác vùng tim cần điều trị, từ đó tăng hiệu quả và giảm thiểu biến chứng. Kết quả cho thấy tỷ lệ thành công của phương pháp này lên tới 98-99% nếu bệnh được phát hiện và điều trị kịp thời", bác sĩ Minh nhấn mạnh.

Cũng theo bác sĩ Minh, Bệnh viện FV đã triển khai hàng loạt công nghệ tầm soát nhịp tim hiện đại, như điện tâm đồ 24 giờ, 7 ngày, 30 ngày giúp ghi lại các bất thường về nhịp tim trong thời gian dài hoặc cấy máy theo dõi nhịp tim trong 3 năm giúp phát hiện các dấu hiệu bất thường ở nhịp tim ngay cả khi người bệnh không có triệu chứng rõ ràng. Những công nghệ này mở ra cơ hội điều trị sớm và giảm đáng kể tỷ lệ biến chứng, như suy tim hoặc đột quỵ.

Tầm soát sớm, điều trị rung nhĩ kịp thời để tránh nguy cơ suy tim và đột quỵ- Ảnh 3.

Bác sĩ Hoàng Quang Minh tư vấn về điều trị rung nhĩ cho bệnh nhân (Ảnh: FV)

Thông thường, bệnh nhân rung nhĩ không nhận biết được tình trạng bệnh của mình cho đến khi xảy ra biến chứng. Đa phần bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn khi đã có dấu hiệu suy tim, đột quỵ hoặc cục máu đông. Vì vậy, bác sĩ Minh khuyến cáo, người dân nên chủ động tầm soát nhịp tim định kỳ, đặc biệt là nhóm có yếu tố nguy cơ. Bên cạnh đó, nên duy trì lối sống lành mạnh, kiểm soát cân nặng, hạn chế rượu bia và thuốc lá, cũng là cách đơn giản nhưng hiệu quả để bảo vệ trái tim.

Với sự phát triển không ngừng của y học và công nghệ, rung nhĩ không còn là "án tử" cho người bệnh. Điều quan trọng là mỗi người cần chủ động bảo vệ sức khỏe, lắng nghe cơ thể và tìm đến sự hỗ trợ y tế ở bệnh viện đáng tin cậy ngay khi có dấu hiệu bất thường. "Tầm soát và phát hiện sớm rung nhĩ không chỉ cứu sống người bệnh mà còn giúp họ cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm gánh nặng tài chính từ việc điều trị biến chứng", bác sĩ Minh khuyến cáo.

Để biết thêm thông tin về tầm soát và điều trị rung nhĩ, bạn đọc có thể liên hệ Khoa Tim mạch và Tim mạch can thiệp của Bệnh viện FV (Trưởng khoa là TS.BS Hồ Minh Tuấn) qua số điện thoại (028) 54 11 33 33.

Thu Nguyễn


Ý kiến của bạn