Hà Nội

Tầm soát miễn phí đái tháo đường cho hàng trăm người dân

14-11-2024 12:10 | Nhịp cầu Nhân ái
google news

SKĐS - Hàng trăm người dân ở Thừa Thiên Huế được tầm soát miễn phí đái tháo đường cũng như được phổ biến những kiến thức phổ thông về bệnh, chế độ dinh dưỡng và cách tự chăm sóc, điều trị tại nhà.

Ngày 14/11, tại Bệnh viện Trung ương Huế (cơ sở 2), diễn ra chương trình tầm soát miễn phí đái tháo đường cho người dân. Chương trình diễn ra đến hết ngày 21/11 với khoảng 300 bệnh nhân, người dân sẽ được tầm soát miễn phí.

Tầm soát miễn phí đái tháo đường cho hàng trăm người dân- Ảnh 1.

Người dân đăng ký tầm soát đái tháo đường.

Tại chương trình, người dân được khám tổng quát, đo mạch, huyết áp và kiểm tra đường máu mao mạch. Số kít test này nằm trong 4.000 test được Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam hỗ trợ cho người dân.

ThS.BS Phạm Như Hiển, Chủ tịch Hội Thầy Thuốc trẻ Thừa Thiên Huế cho biết, thông qua chương trình, người dân không chỉ được cập nhật kiến thức về bệnh đái tháo đường, mà còn biết cách tự chăm sóc, sử dụng thuốc hợp lý tại nhà, phát hiện sớm các biến chứng của bệnh.

Tầm soát miễn phí đái tháo đường cho hàng trăm người dân- Ảnh 2.
Tầm soát miễn phí đái tháo đường cho hàng trăm người dân- Ảnh 3.

Hàng trăm người dân được tầm soát đái tháo đường miễn phí.

Cùng ngày, Khoa Nội Nội tiết - Thần kinh - Hô hấp (Bệnh viện Trung ương Huế) phối hợp tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ bệnh nhân đái tháo đường.

Tại đây, các bác sĩ phổ biến những kiến thức phổ thông về bệnh lý đái tháo đường, chế độ dinh dưỡng, cách tiêm và theo dõi sau tiêm Insulin, cách tự chăm sóc, điều trị tại nhà, đặc biệt tầm quan trọng trong việc hợp tác, tuân thủ điều trị.

Tầm soát miễn phí đái tháo đường cho hàng trăm người dân- Ảnh 4.

ThS.BSCKII Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế phổ biến những kiến thức phổ thông về bệnh lý đái tháo đường.

ThS.BSCKII Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng một cách nhanh chóng do lối sống ít vận động, ăn uống không hợp lý làm gia tăng béo phì, rối loạn chuyển hóa... Đặc biệt, bệnh ngày càng trẻ hóa với nhiều ca mắc được ghi nhận ở trẻ nhỏ 9 - 13 tuổi, thanh niên 20 - dưới 30 tuổi.

"Đái tháo đường nếu không được điều trị đúng cách, đường máu kiểm soát tốt sẽ dẫn đến các biến chứng cấp và mạn tính, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và gia tăng tỉ lệ tử vong. Tuy nhiên, bệnh đái tháo đường type 2 có thể dự phòng và ngăn chặn được", ThS.BSCKII Hoàng Thị Lan Hương chia sẻ.

Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, để phòng bệnh đái tháo đường, cần tầm soát trên những đối tượng có yếu tố nguy cơ như thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, gia đình có người thân mắc đái tháo đường, phụ nữ có tiền sử đái tháo đường thai kỳ hay buồng trứng đa nang...

Ngoài ra, cần chủ động phòng ngừa bệnh thông qua hoạt động thể chất thường xuyên, thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, hợp lý, khoa học và duy trì môi trường sống lành mạnh.

Tại sao người đái tháo đường nên ăn rau đầu tiên?Tại sao người đái tháo đường nên ăn rau đầu tiên?

SKĐS - Ăn rau đầu tiên trong bữa ăn có tác dụng thế nào với người bệnh đái tháo đường? Thứ tự các món trong bữa ăn của người bệnh đái tháo đường có gì đặc biệt? Nhân Ngày thế giới phòng chống đái tháo đường 14/11, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.



Hoàng Dũng
Ý kiến của bạn