Hà Nội

Tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên

11-07-2023 08:38 | Y tế
google news

SKĐS - Các nhà nhân khẩu học nhận định, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên nhất là trẻ em gái luôn là ưu tiên hàng đầu cùng với việc giáo dục, phát triển nghề nghiệp, tạo cơ hội việc làm, xóa bỏ các hình thức đối xử bất công với phụ nữ và trẻ em gái.

Còn nhiều "lỗ hổng" trong chăm sóc SKSS, SKTD cho vị thành niên

Theo các chuyên gia, sức khoẻ sinh sản (SKSS) và sức khoẻ tình dục (SKTD) là những yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định tới sự phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần của vị thành niên, thanh niên (VTN, TN).

Đầu tư cho chăm sóc SKSS, SKTD là đầu tư cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

Thời gian qua, mặc dù Việt Nam đạt được những thành công nhất định trong chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN, nhưng vẫn còn một số những bất cập như kiến thức, kỹ năng về chăm sóc SKSS, SKTD của VTN, TN còn hạn chế; giáo dục về SKSS, SKTD chưa tiếp cận được ở diện rộng; việc cung cấp thông tin, dịch vụ thân thiện về SKSS, SKTD chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của VTN, TN.

Tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên - Ảnh 1.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho học sinh trường THPT Nguyễn Văn Huyên (Tuyên Quang). Ảnh: Dương Châu

Tình trạng quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn và phá thai không an toàn, nguy cơ lây nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục… của VTN, TN vẫn chưa được cải thiện đáng kể, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, các khu công nghiệp tập trung; ở nhóm VTN, TN yếu thế (dân tộc thiểu số, khuyết tật, đồng giới nam…). 

Theo kết quả "Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021" (Điều tra  SDGCW) do Tổng cục Thống kê và UNICEF thực hiện cho thấy, hiện nay tuổi trung bình có quan hệ tình dục lần đầu tiên là 18,7 tuổi, sớm hơn so với kết quả điều tra năm 2003 (19,6). Tỷ lệ có quan hệ tình dục trước hôn nhân là 15%, cao hơn so với kết quả điều tra năm 2003 (7,6%) và 2008 (9,5%). Nam giới chiếm tỷ lệ cao hơn nữ giới (20,5% so với 9,3%).

Bên cạnh đó, nhu cầu chưa được đáp ứng về biện pháp tránh thai hiện đại ở nhóm nữ  tuổi 15-24 khá cao 29,6% và thậm chí còn cao hơn ở nhóm chưa từng kết hôn.

Theo số liệu thống kê Bộ Y tế (Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em) được tổng hợp trên cơ sở báo cáo của các địa phương (số liệu này có thể chưa thu thập hết các trường hợp phá thai ở các cơ sở y tế tư nhân), trong những năm gần đây hàng năm có khoảng 200.000-250.000 ca phá thai.

Mặc dù tỷ số phá thai đã giảm mạnh qua các năm từ 37 ca phá thai trên 100 trẻ đẻ sống (2005) xuống 13,2 ca (2019), trong đó chủ yếu là phá thai dưới 7 tuần tuổi thai (~75% trong những năm gần đây) nhưng mang thai và phá thai ở vị thành niên vẫn là vấn đề rất đáng lo ngại ở Viêt Nam đòi hỏi cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc giảm thiểu tình trạng này.

Chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN là ưu tiên hàng đầu

Tại các Hội nghị đánh giá thực hiện Chương trình hành động của Liên Hợp Quốc, việc tổ chức mạng lưới cung cấp dịch vụ đặc thù (dịch vụ thân thiện), có chất lượng, phù hợp với nhóm tuổi, văn hóa mỗi quốc gia đều được đề cập, đặc biệt là việc giáo dục SKSS, SKTD toàn diện bao gồm cả kỹ năng sống và sự tham gia của VTN, TN trong toàn bộ quá trình xây dựng chính sách, tổ chức thực hiện, theo dõi giám sát, đánh giá như là những yêu cầu tiên quyết đối với sức khỏe và sự phát triển của VTN, TN.

Trong Chiến lược toàn cầu về sức khỏe phụ nữ, trẻ em và vị thành niên năm 2016, để hướng tới thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững vào năm 2030, Liên Hợp Quốc cũng đã nhấn mạnh việc chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN thông qua tăng cường đầu tư cho chăm sóc sức khỏe, tăng độ bao phủ phổ cập, phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp chính quyền, sự tham gia của các cá nhân và cộng đồng trong chăm sóc sức khỏe.

Tại Việt Nam, Nghị quyết 21/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới đã đặt ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2030 giảm 2/3 vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn. Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 cũng hướng đến mục tiêu này.

Tiếp đó, ngày 28/8/2020 Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định phê duyệt và ban hành Kế hoạch hành động Quốc gia về chăm sóc SKTD, SKSS cho VTN, TN. Đây là định hướng của ngành Y tế trong việc phối hợp với các bộ, ngành, các tỉnh để giải quyết những thực trạng về SKTD, SKSS cho VTN,TN.

Ngày 29/12/2021, Bộ Y tế đã ban hành Đề án Chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN,TN giai đoạn 2021-2025" với mục tiêu cải thiện tình trạng SKSS, SKTD của VTN,TN thông qua việc đẩy mạnh truyền thông, tư vấn và tăng cường cung cấp dịch vụ chuyên môn kỹ thuật chăm sóc SKSS, SKTD có chất lượng, phù hợp với điều kiện học tập, làm việc và sinh hoạt của các nhóm VTN,TN, góp phần đưa VTN,TN trở thành một lực lượng lao động khỏe mạnh đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.



Nguyễn Mai
Ý kiến của bạn