Phân loại chất thải y tế tại nguồn
Công tác quản lý rác thải tại các cơ sở y tế ngày càng được chú trọng. Tuy nhiên, với khối lượng chất thải ngày càng lớn nhưng cơ sở vật chất tại các bệnh viện lại không đủ đáp ứng quy chuẩn để xử lý. Do vậy, các cơ sở y tế đã phải thực hiện thu gom, phân loại rác thải tại nguồn (ngay tại nơi phát sinh) sau đó chuyển giao cho các đơn vị vệ sinh môi trường để xử lý chất thải.
Chất thải y tế là chất thải phát sinh từ hoạt động của cơ sở y tế bao gồm chất thải y tế nguy hại, chất thải rắn thông thường, khí thải, chất thải lỏng không nguy hại và nước thải y tế. Trong đó chất thải y tế nguy hại là chất thải y tế chứa yếu tố lây nhiễm hoặc có đặc tính nguy hại khác vượt ngưỡng chất thải nguy hại, bao gồm chất thải lây nhiễm và chất thải nguy hại không lây nhiễm.
Quá trình quản lý chất thải y tế giúp giảm thiểu, phân định, phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải y tế và giám sát quá trình thực hiện.
Với khối lượng lớn chất thải y tế mỗi ngày phát sinh tại các cơ sở y tế, việc đảm bảo quản lý chất thải đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bởi nếu chất thải y tế nguy hại nếu không được thu gom, phân loại và xử lý đúng cách sẽ gây ảnh hưởng lớn không chỉ với sức khỏe con người mà còn cả với cộng đồng.
Các bước xử lý chất thải tại nguồn được thực hiện bao gồm:
- Xử lý ban đầu là quá trình khử khuẩn hoặc tiệt khuẩn các chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao tại nơi chất thải phát sinh trước khi vận chuyển tới nơi lưu giữ và tiêu hủy.
- Thu gom chất thải y tế là quá trình tập hợp chất thải y tế từ nơi phát sinh về khu vực lưu giữ chất thải y tế tạm thời tại các khoa/phòng trung tâm hoặc về nơi lưu giữ tập trung, nơi xử lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế.
- Phân loại chất thải y tế là quá trình xác định các nhóm chất thải y tế
+ Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn
+ Chất thải lây nhiễm sắc nhọn
+ Chất thải nguy hại không lây nhiễm
+ Chất thải thông thường.
+ Chất thải tái chế (Chất thải thông thường được phép thu gom phục vụ mục đích tái chế)
Chất thải được phân loại ngay sau khi phát sinh, thải bỏ và cô lập vào phương tiện thu gom phù hợp với từng loại chất thải theo quy định. Tuyệt đối không cô lập chất thải sắc nhọn với các chất thải khác, không để lẫn chất thải lây nhiễm với chất thải thông thường, chất thải tái chế với các chất thải khác.
Phối hợp tốt với doanh nghiệp để xử lý chất thải y tế
Hiện nay hầu hết các cơ sở y tế đều có hợp đồng với công ty môi trường thực hiện các nhiệm vụ dọn dẹp, vệ sinh buồng bệnh, khuôn viên và thu gom rác thải. Khâu xử lý chất thải y tế và giữ gìn vệ sinh môi trường cũng có sự tham gia của cán bộ, nhân viên y tế bệnh viện. Trong khuôn viên cơ sở y tế, các hoạt động như: khử khuẩn, tiệt khuẩn đồ vải và dụng cụ y tế, thu gom và phân loại chất thải, quản lý và lưu giữ chất thải… được thực hiện nghiêm chỉnh. Bên cạnh đó, việc phòng hộ cá nhân và các trang thiết bị phục vụ công tác nhiễm khuẩn cũng đã được quan tâm để hạn chế tối đa việc lây nhiễm chéo giữa bệnh nhân với nhau, giữa bệnh nhân với nhân viên y tế hoặc người nhà… giúp đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Các cơ sở y tế đều đã thực hiện các lớp tổ chức huấn luyện vệ sinh môi trường và cấp giấy chứng nhận cho những nhân viên y tế tham gia. Trong các khóa huấn luyện, nhân viên y tế sẽ học được cách thu gom, phân loại và vận chuyển chất thải y tế; vệ sinh bề mặt thông thường và khi có dịch cơ thể; sử dụng hóa chất để khử khuẩn, làm sạch; cách vệ sinh môi trường bề mặt bệnh viện; vệ sinh khoa/phòng đặc biệt… Sau khi nhân viên y tế tham gia huấn luyện có thể kết hợp với công ty môi trường trong quá trình bàn giao chất thải y tế, giám sát phân loại/thu gom chất thải y tế trong khuôn viên bệnh viện…
Tuy nhiên, phần xử lý chất thải hiện nay tại các cơ sở y tế chưa thực hiện được do điều kiện cơ sở hạ tầng chưa thể đáp ứng. Nhiều cơ sở y tế đã cho tạm dừng các lò đốt chất thải và lựa chọn những công ty môi trường đáp ứng đủ điều kiện để thực hiện khâu xử lý chất thải. Khi quá trình quản lý chất thải y tế được đảm bảo thực hiện đúng quy định từ các bước: thu gom, phân loại, quản lý, lưu giữ và xử lý sẽ không có nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh chéo hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường và hệ sinh thái.