Thưa bác sĩ, tỷ lệ thai phụ được can thiệp mổ bắt con sử dụng phương pháp gây tê tủy sống tăng cao. Vậy, bác sĩ có thể cho biết tác dụng của việc gây tê tủy sống trong sinh mổ?
Có nhiều phương pháp vô cảm được sử dụng trong thủ thuật mổ bắt con như: gây mê nội khí quản, gây tê ngoài màng cứng, gây tê tủy sống. Ở mỗi phương pháp lại có mặt ưu và nhược điểm nhất định. Gây mê nội khí quản thường dùng trong những trường hợp bệnh nhân có bệnh về tim mạch, nhiễm độc thai nghén nặng, sản phụ có chống chỉ định với gây tê tủy sống.
Với phương pháp này, các bác sĩ gây mê sẽ chủ động trong hồi sức, sản phụ ngủ trong quá trình mổ nên không bị các tác động bên ngoài ảnh hưởng đến tâm lý. Tuy nhiên, phương pháp gây mê nội khí quản cũng có những bất lợi có thể xảy ra như dễ bị trào ngược trong quá trình đặt ống, mẹ không được bế con ngay khi mới sinh ra, không chủ động phối hợp với bác sĩ trong lúc mổ và một số thuốc gây mê cũng có ảnh hưởng nhất định tới mẹ và bé.
Gây tê ngoài màng cứng cũng được sử dụng nhưng kỹ thuật phức tạp hơn, đòi hỏi nhiều thời gian và đôi khi thất bại nhất là trong mổ đẻ cần khẩn trương nhanh chóng. Hiện nay, các bác sĩ sản khoa thường đặt Catheter trong gây tê màng cứng để giảm đau trong chuyển dạ và nếu phải chuyển mổ sẽ tiến hành nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Gây tê tủy sống là một trong số những phương pháp vô cảm được sử dụng nhiều trong thời gian gần đây. Bằng việc đưa thuốc gây tê vào tủy sống và trong dịch não tủy. Gây tê tủy sống thường được sử dụng trong các phẫu thuật vùng khung chậu, tiểu khung và chi dưới. Người ta đưa một lượng thuốc gây tê vào trong tủy sống để ức chế dẫn truyền thần kinh để giảm đau cho vùng phía dưới được gây tê. Hiện nay phương pháp gây tê tủy sống được đánh giá rất tốt và được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới, nó có nhiều ưu điểm như thao tác kỹ thuật nhanh phù hợp với mổ cấp cứu, mổ bắt con trong sản khoa.
Gây tê tủy sống giúp cho người mẹ tỉnh táo tránh hội chứng trào ngược, phối hợp tốt với các bác sĩ và có thể chào đón đứa con mới sinh của mình ngay khi chào đời, tránh được các tác dụng không mong muốn của các loại thuốc gây mê, thuốc giảm đau lên cả mẹ và con. Với phương pháp gây tê tủy sống sản phụ có thể cho con bú sớm và thậm chí còn thực hiện kỹ thuật áp da với trẻ khi vừa sinh. Nói chung, gây tê tủy sống là phương pháp vô cảm có rất nhiều ưu điểm khi dùng trong phẫu thuật mổ bắt con.
Bác sĩ có thể cho biết kỹ thuật gây tê tủy sống được tiến hành như thế nào và những trường hợp thai phụ nào sẽ không thể sử dụng phương pháp gây tê tủy sống được?
Về kỹ thuật gây tê tủy sống, cũng đã được thông tin rất cụ thể trên website của Bộ Y tế trong danh mục kỹ thuật, tôi có thể nói tóm tắt như sau: Gây tê tủy sống là việc dùng một loại kim chuyên dụng đi vào khe giữa hai đốt sống để đưa thuốc tê đi qua màng cứng vào khoang dịch não tủy. Thuốc tê sẽ ngấm vào các rễ thần kinh tại vùng gây tê. Thường kỹ thuật sẽ được đưa vào giữa đốt sống từ L1, L2 trở xuống đến L4, L5 để tránh gây tổn thương tủy sống. Phương pháp gây tê tủy sống có thể áp dụng trên hầu hết các sản phụ chỉ trừ những trường hợp có những bệnh lý nặng kèm theo trong quá trình mang thai như có bệnh tim, nhiễm độc thai nghén nặng, tiền sản giật và một số chống chỉ định với gây tê tủy sống.
Nhiều bà mẹ có tâm lý lo sợ về tác dụng phụ của việc sử dụng kỹ thuật gây tê tủy sống sẽ gây đau lưng sau sinh, thậm chí còn hoang mang trước thông tin, có trường hợp sản phụ bị sốc thuốc gây tê… Bác sĩ có thể giải thích rõ hơn để sản phụ được thực hiện mổ bắt con có thể yên tâm về kỹ thuật gây tê tủy sống?
Gây tê tủy sống có nhiều ưu điểm nhưng bên cạnh đó cũng có những hạn chế và tác dụng phụ nhất định như: tụt huyết áp, đau đầu, đau lưng, đau vùng chọc kim…
Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới cũng như ở nước ta nhưng chưa công trình nào chỉ ra được nguyên nhân chính xác gây triệu chứng đau đầu này. Có một số giả thuyết như trong quá trình gây tê làm rách màng cứng khiến cho dịch tủy thoát ra ngoài, chọc kim nhiều lần, kim to quá gây thoát dịch, tổn thương dây chằng khi kỹ thuật viên thực hiện gây mê chưa thực sự tốt. Nhưng tất cả những điều đó vẫn còn đang được tranh luận. Việc làm thế nào để giảm các biến chứng này phụ thuộc nhiều vào các loại thuốc gây tê, kỹ thuật và kinh nghiệm của bác sĩ gây mê hồi sức.
Các khuyến cáo trên thế giới đưa ra về quy trình gây tê tủy sống cần phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Người thực hiện kỹ thuật phải được đào tạo chính quy và có kinh nghiệm thực hành tốt, sử dụng các loại thuốc gây tê đảm bảo theo đúng quy định của cơ quan quản lý.
Quan trọng nhất vẫn là kỹ thuật của người gây tê, cỡ kim gây tê, tuân thủ nguyên tắc không chọc kim qua nhiều lần trên cùng một khe đốt sống, nếu chọc 2 lần không được phải chuyển vị trí. Hiện tại trong kỹ thuật gây tê đã sử dụng những loại kim nhỏ G25 đến G27 trong gây tê tủy sống. Các bác sĩ gây mê hồi sức được đào tạo chính quy, có kinh nghiệm thực hành lâm sàng, thường xuyên được đào tạo và cập nhật kiến thức liên tục nên các biến chứng và tai biến trong gây tê tủy sống rất hiếm xảy ra.
Trên thị trường có nhiều loại thuốc gây tê tủy sống được cấp phép sử dụng tại Việt Nam, tuy nhiên không thể tránh được những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra. Bất cứ một loại thuốc nào khi đưa vào cơ thể người cũng có thể có tác dụng phụ nhưng tùy vào mức độ phản ứng khác nhau để có giải pháp, phác đồ xử lý khác nhau. Tuy nhiên chúng tôi khuyến cáo nên sử dụng thuốc có nguồn gốc rõ ràng của các công ty lớn có uy tín trên thế giới được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép sử dụng. Tại các cơ sở cần tuân thủ đúng quy định bảo quản thuốc theo quy chế Cục Quản lý Dược đã ban hành.
Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Bắc Hà, chúng tôi luôn lựa chọn thuốc của hãng có uy tín trên thế giới, được cấp phát và bảo quản đúng quy định với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm. Chính điều đó, giúp chúng tôi giảm thiểu tối đa những sự cố không mong muốn.
Xin bác sĩ cho một vài lời khuyên để có thể hạn chế tác dụng phụ của việc sử dụng kỹ thuật gây tê tủy sống sau sinh mổ?
Đau đầu là một trong những biến chứng hay gặp sau gây tê tủy. Đây cũng là vấn đề mà các nhà khoa học, y học trên thế giới quan tâm nhưng chưa có một giải pháp hữu hiệu nào để điều trị triệt để. Các chuyên gia khuyến cáo khi gặp biến chứng này có thể bù đủ dịch, dùng thuốc giảm đau Non steroid, cafein… Nhưng quan trọng nhất vẫn là kinh nghiệm của bác sĩ Gây mê hồi sức, thuốc tốt, dùng kim nhỏ và tuân thủ quy trình kỹ thuật. Trong suốt hơn 30 năm hành nghề, tôi cũng đã gặp một vài trường hợp bệnh nhân bị đau đầu nhẹ phải sử dụng cafein và sau khoảng 2 đến 3 ngày đau đầu giảm đi và trở lại bình thường.
Cần có những chuẩn bị trước khi gây tê tủy, thứ nhất về tâm lý cho thai phụ, cần giải thích rõ về kỹ thuật thực hiện và một số biến chứng có thể gặp. Tránh tụt huyết áp bệnh nhân thường được truyền khoảng 500ml dịch trước khi mổ với những bệnh nhân mổ phiên, mổ chuẩn bị. Với bệnh nhân cấp cứu sẽ phải dùng dịch truyền cộng với thuốc nâng huyết áp Ephedrine, cho bệnh nhân thở oxy, nằm đầu cao… Những biến chứng gây đau đầu gần đây cũng ít hơn nếu bác sĩ gây mê được đào tạo tốt, nhiều kinh nghiệm, thuốc gây tê tốt hơn, không phải chọc kim nhiều lần. Đến thời điểm này, tôi có thể khẳng định gây tê tủy sống là một phương pháp vô cảm sử dụng trong mổ lấy thai có nhiều ưu điểm nếu chúng ta làm đúng.
Xin cảm ơn Bác sĩ Lê Tuyên Hồng Dương về những chia sẻ trên!.