Hà Nội

Tầm quan trọng của dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời

10-11-2022 07:34 | Dinh dưỡng mẹ và bé
google news

SKĐS - Dinh dưỡng trong 2 năm đầu đời đóng góp tới 80% trọng lượng não bộ và dự phòng các bệnh mãn tính khi trưởng thành.

3 lợi ích tuyệt vời yến sào đối với trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng3 lợi ích tuyệt vời yến sào đối với trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng

Yến sào được coi là "thực phẩm vàng" cho sức khỏe giúp hỗ trợ bồi bổ cơ thể, tăng cường sức đề kháng từ đó hỗ trợ cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp tăng cân ngay từ giai đoạn đầu đời.

80% trọng lượng não bộ hình thành trong 2 năm đầu đời

TS Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế cho biết: Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em ở nước ta trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai từ 4 lần trở lên đạt trên 80%; tỷ lệ phụ nữ đẻ được nhân viên y tế đỡ duy trì 95 - 97%; tỷ lệ chăm sóc sau sinh trong 7 ngày đầu sau đẻ đạt khoảng 80%.

Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, thách thức ảnh hưởng đến chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, nhất là sự chênh lệch giữa các vùng miền và nhóm dân tộc.

Tầm quan trọng của dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời - Ảnh 2.

Dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời là giai đoạn cửa sổ để trẻ phát triển tốt nhất sau này.

Theo đó, tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng 3 cao gấp 3,5 lần so với vùng 1, trong khi đó, tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc H'Mong cao gấp 7 - 8 lần so với dân tộc Kinh, Tày. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở nông thôn cao gấp đôi thành thị và khoảng cách về tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở dân tộc thiểu số với dân tộc Kinh ngày càng gia tăng (năm 2006 là 1,35 lần; năm 2014 là 4,3 lần). Bên cạnh đó, tử vong sơ sinh còn cao, chiếm đến 70 - 80% tử vong trẻ dưới 1 tuổi, 50 - 60% tử vong trẻ dưới 5 tuổi. Vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn vẫn có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao so với trung bình cả nước: Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dân tộc thiểu số cao gấp 2 lần và tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân cũng cao gấp 2,5 lần so với trẻ em là người Kinh (tương ứng 31,4% so với 15,0% và 21% so với 8,5%).

Lý giải thực trạng này, TS. Khoa đưa ra một số nguyên nhân, đó là thiếu nhân lực (thiếu cán bộ chuyên môn sản, nhi, gây mê hồi sức; 30% bác sĩ đa khoa làm công tác chăm sóc sản khoa, nhi khoa tại tuyến huyện). Thiếu cơ sở vật chất, trang thiết. Năng lực về cấp cứu sản khoa, sơ sinh (sàng lọc, phát hiện dấu hiệu nguy hiểm, chuyển tuyến, chẩn đoán, tiên lượng và xử trí) còn hạn chế ở những vùng khó khăn.

Đặc biệt, công tác duy trì đội ngũ cô đỡ thôn bản gặp khó khăn do y tế thôn bản/cô đỡ thôn bản không còn được hưởng phụ cấp, gây khó khăn trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh ở vùng dân tộc thiểu số.

Dinh dưỡng là yếu tố môi trường rất quan trọng đối với sức khỏe, thể lực và trí tuệ của con người. 1000 ngày đầu đời được xác định từ khi bà mẹ bắt đầu mang thai cho tới khi trẻ được 2 tuổi, là thời gian bản lề duy nhất tạo nền móng tối ưu cho sự tăng trưởng, phát triển trí não và sức khoẻ trong suốt cuộc đời. Do vậy, dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời này đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Dinh dưỡng tốt khi mang thai giúp bảo đảm sức khỏe cho bà mẹ, cho thai nhi và khả năng nuôi trẻ bằng sữa mẹ sau sinh. Dinh dưỡng trong 2 năm đầu đời đóng góp tới 80% trọng lượng não bộ và dự phòng các bệnh mãn tính khi trưởng thành.

Giải quyết tình trạng thiếu dinh dưỡng đặc biệt trong 1000 ngày vàng là ưu tiên hàng đầu nhằm giảm gánh nặng bệnh tật toàn cầu và tăng cường phát triển kinh tế cho các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp. Chiến lược dinh dưỡng trong 1000 ngày vàng cần tập trung vào các can thiệp được chứng minh là có hiệu quả, khả thi, có thể triển khai trên diện rộng và có chi phí hiệu quả cao.

Chiến lược tập trung cải thiện dinh dưỡng cho bà mẹ có thai, bao gồm bổ sung sắt/axit folic (đa vi chất); Khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ; Cải thiện thực hành ăn bổ sung; Cải thiện tình trạng vi chất của trẻ (đặc biệt là vitamin A và kẽm); Nước sạch, vệ sinh cá nhân và điều kiện vệ sinh.

1000 ngày đầu đời quyết định tương lai trẻ

TS.BS Phan Bích Nga, Viện Dinh dưỡng cho biết, các kiến thức y học hiện đại đã khẳng định 1000 ngày đầu đời là giai đoạn vàng giúp trẻ phát triển chiều cao tốt và nhanh nhất đó là từ trong bào thai và hai năm đầu đời. Để giúp bé yêu phát triển chiều cao tốt ưu trong giai đoạn nói trên, cha mẹ cần thực hiện chăm sóc dinh dưỡng khoa học.

Tạo điều kiện cho bào thai phát triển tốt từ trong bụng mẹ. Cần có ý thức chăm sóc bà mẹ mang thai: trong chế độ ăn, nghỉ ngơi, sinh hoạt. Với những bà mẹ nghén nhiều kém ăn lên cân không đạt 12kg/9 tháng mang thai, cần được bổ sung sữa và uống bổ sung đủ các vitamin và khoáng chất cần như B, C, canxi, sắt, kẽm, A (liều thấp dưới 5.000ui/ngày).

Tầm quan trọng của dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời - Ảnh 3.

Dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời là giai đoạn vàng giúp trẻ phát triển tốt nhất.

Cho con bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời. Sữa mẹ của những người mẹ khỏe mạnh, ăn tốt là nguồn dinh dưỡng thích hợp nhất cho trẻ phát triển tốt. Muốn có nguồn sữa tốt, mẹ cần uống thêm sữa tối thiểu 600ml/ngày và ăn đủ chất (thịt các loại, trứng, tôm, cua, cá, rau quả) chỉ kiêng những loại gia vị chua cay, tỏi và những thực phẩm lên men có thể gây rối loạn tiêu hóa. Và mẹ cần được gia đình hỗ trợ để được ngủ đủ, nghỉ ngơi, tinh thần thoải mái để có nhiều sữa.

Sau 6 tháng cho bé ăn dặm đúng cách cả về số lượng và chất lượng. Cho bé ăn dặm từ tròn 6 tháng tuổi. Thành phần bữa ăn dặm bột/cháo/súp của trẻ cần có đầy đủ: bột từ lỏng đến đặc dần (gạo, khoai tây..), đạm động vật (trứng, thịt, tôm, cua, cá…), dầu mỡ từ 2,5ml/bữa khi bắt đầu tập ăn đến 5ml/bữa sau vài tuần và 10ml/bữa khi gần 1 tuổi nhé, rau củ 1-2 thìa/bữa, bên cạnh đó bé cần được ăn hoa quả tươi, tiếp tục bú  mẹ và uống nước đủ.

Tạo môi trường sống tự nhiên tốt, đủ ánh sáng, không gian đủ rộng cho sự vui chơi vận động, sẽ tạo điều kiện kích thích sự phát triển. Đặc biệt cần tránh cho trẻ không bị các bệnh nhiễm khuẩn (đường hô hấp, tiêu hóa) là nguyên nhân hàng đầu của hạn chế phát triển chiều cao, do trẻ này thường biếng ăn, dùng nhiều kháng sinh ảnh hưởng đến phát triển sụn xương…

Khuyến khích trẻ vận động và chơi thể thao  bởi vì lối sống năng động sẽ thúc đẩy quá trình trao đổi chất và chuyển hóa, giúp cơ thể phát triển tốt hơn.

Giúp trẻ có sự phát triển tâm thần kinh tốt: tinh thần ổn định, phấn chấn, giấc ngủ sâu sẽ giúp cơ thể tiết kiệm năng lượng. Đặc biệt trong giấc ngủ đêm tuyến yên tiết ra hormon tăng trưởng GH, hormon này sẽ kích thích sự tăng trưởng của trẻ. Nhưng thực tế các trẻ ở thành phố thường ngủ rất khuya do mải chơi hoặc lo học nhiều quá dẫn đến bị ảnh hưởng chiều cao. Cần cho trẻ ngủ sớm trước 10 tối và giờ ngủ đều đặn tránh giờ ngủ thất thường.

Và đặc biệt hãy để ý cân đo trẻ đều đặn hàng tháng để kịp phát hiện ngay khi trẻ chậm lớn. Nếu bỏ lỡ giai đoạn một nghìn ngày vàng đầu đời, trẻ sẽ bị thiệt thòi rất nhiều trong tốc độ tăng trưởng đặc biệt là về chiều cao, bởi vậy, các bậc cha mẹ hãy cố gắng thực hiện đầy đủ cho con những điều trên để bé có khả năng được phát triển tối ưu.

Chuyên gia dinh dưỡng khuyên 10 loại rau củ quả bạn nên ăn mỗi tuầnChuyên gia dinh dưỡng khuyên 10 loại rau củ quả bạn nên ăn mỗi tuần

SKĐS - Việc ăn rau củ quả đã được khoa học khẳng định là rất tốt cho sức khỏe. Mặc dù các chất dinh dưỡng cụ thể có trong rau khác nhau giữa các loại, nhưng hầu hết chúng đều mang lại lợi ích cho sức khỏe.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Thực Hư Thông Tin Sốt Xuất Huyết Không Nên Uống Sữa | SKĐS


PV
Ý kiến của bạn