Tạm ổn, nhưng... chưa yên!

22-07-2013 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

Lượt đi của V.League 2013 đã tạm khép lại mà không có sự cố nào lớn, nhưng vẫn còn đấy những “vết gợn” khiến giới mộ điệu bóng đá Việt Nam khó có thể an lòng.

Lượt đi của V.League 2013 đã tạm khép lại mà không có sự cố nào lớn, nhưng vẫn còn đấy những “vết gợn” khiến giới mộ điệu bóng đá Việt Nam khó có thể an lòng.

Ðằng sau những con số

Có lẽ nếu chỉ nhìn vào những con số thống kê thì lượt đi của V.League mùa này đã diễn ra với khá nhiều tín hiệu tích cực. Cảm giác chung: Khá nhiều bàn thắng đẹp, thậm chí có cả những cú được cho là “siêu phẩm”. Nhiều trận đấu quyết liệt, gay cấn; nhiều kết quả bất ngờ. Trở lại với những con số cụ thể:

Tỷ lệ bàn thắng sau lượt đi mùa này là 3,32 bàn/trận; một cú nhảy vọt nếu so với con số 2,84 bàn cả mùa giải 2012! Số khán giả trung bình là 9.766 người/trận - cao nhất kể từ sau xảy ra hàng loạt scandal mua - bán độ và mua chuộc trọng tài năm 2005 tới nay. So với năm 2012, đây cũng là một bước tiến rõ rệt với lượt đến sân đông hơn, khoảng 2.000 người/trận (trung bình năm 2012 chỉ là 7.760 người). Số thẻ vàng tăng lên 5,16 thẻ/trận, tức trung bình thêm 1 thẻ/trận so với con số 4,17 thẻ cả mùa trước. Mùa trước, cầu thủ ghi nhiều bàn nhất là Timothy Anjembe với 17 bàn/26 trận. Nhưng sang mùa này, dù mới qua 10 trận, đã có “sát thủ” Gonzalo ghi tới 11 bàn (trung bình 1,1 bàn/trận)...

Tất cả những con số trên đây đều cho thấy ít nhiều có sự tiến bộ về chất của các trận đấu tại V.League năm nay. Ngoài SLNA, Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng vẫn giữ được phong độ cao, năm nay thêm sự trở lại của Hoàng Anh Gia Lai (tạm đứng thứ 3), kèm theo đó là khả năng gây đột biến của các đội vốn không được đánh giá cao như Vicem Hải Phòng (nòng cốt là Khatoco Khánh Hòa năm ngoái chuyển giao lại) và Thanh Hóa (nhờ một số bổ sung chất lượng).

Nhưng đằng sau những con số cụ thể và cảm quan thoáng qua khá tích cực thì vẫn có những điều chưa thể an tâm. Trên thực tế, lượt đi của giải vẫn chưa tìm được một “nhà vô địch” theo đúng nghĩa, vì SLNA tuy tạm dẫn đầu với 20 điểm nhưng lại đá nhiều hơn 1 trận so với 2 đội xếp sau (và chỉ kém 1 điểm) là Hà Nội T&T và Hoàng Anh Gia Lai. Bởi nhiều lý do mà một số trận đấu đã bị tạm hoãn, thay đổi ngày thi đấu, dẫn tới việc một nửa số đội (6/12) chưa chính thức hoàn thành lượt đi, riêng SHB Đà Nẵng và XMXT Sài Gòn - 2 đội phải tham dự AFC Cup - mới đá được 9 trận. Tại lượt đi, vẫn còn nhiều đội bóng bao gồm cả HLV, cầu thủ chưa thể hiện sự tôn trọng và cư xử thiếu đúng mực với trọng tài. Vẫn còn đó hiện tượng khán giả quá khích, gây ảnh hưởng tới tình hình an ninh an toàn của nhiều trận đấu (trong đó có việc một số khán giả ở Hải Phòng tiếp tục... đốt pháo sáng; khán giả thành Vinh làm vỡ sân...). Và tất nhiên không thể bỏ qua nghi án đáng buồn xung quanh tổ trọng tài điều hành trận Thanh Hóa - HA.GL, những người được cho là đã nhận tiền của đội bóng nhưng thiếu trung thực trong khai báo, kéo theo đó là án kỷ luật tạm thời dành cho cả trưởng - phó ban trọng tài.

Tạm ổn, nhưng... chưa yên! 1
 Cổ động viên Hải Phòng vẫn đốt pháo sáng trên sân Ninh Bình. Ảnh Xuân Gụ

Lượt về cần tập trung và cảnh giác

Khi bài viết này lên khuôn thì “nghi án” tổ trọng tài nhận tiền mới vỡ lở, 2 ông lãnh đạo Ban trọng tài mới bị tạm đình chỉ công tác, còn các trọng tài tiếp tục loanh quanh trong các bản tường trình với VFF. Rõ ràng, nếu không có những nghi vấn được báo chí đặt ra sau khi VPF công bố danh sách tập huấn giám sát, trọng tài giữa mùa giải mà không có tên các thành viên trong tổ trọng tài trận đấu trên thì mọi thứ có thể đã bị người ta cho “chìm xuồng”. Chỉ tới khi ông Trưởng ban Trọng tài Dương Vũ Lâm “nửa kín nửa hở” nguyên nhân của sự vắng mặt thì các vị lãnh đạo của VFF và BTC giải mới “ngã ngửa”: “Có chuyện đó thật sao”. Xin đề cập lại những dư luận xung quanh việc Ban trọng tài của VFF đã và đang làm việc thiếu hiệu quả. Người ta cũng truyền tai nhau việc có thành viên cốt cán của ban này từng thuộc diện “ông trùm” của một phe cánh trọng tài trong quá khứ. Bởi vậy, trên thực tế, các nhà chuyên môn sẽ không lấy làm lạ khi họ cố tình giấu các cấp lãnh đạo cấp trên (Ban chỉ đạo giải và BTC giải) vụ việc dù đã được biết thông tin từ trước. Trên công luận, cả Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ lẫn Phó Chủ tịch Nguyễn Lân Trung đều tỏ ra bức xúc khi bị cấp dưới qua mặt và quyết định tạm đình chỉ công tác của 2 ông trưởng - phó Ban trọng tài sau khi vỡ lở vụ việc là hoàn toàn cần thiết.

Chế độ tài chính cho các trọng tài đã được tăng lên đáng kể trong khoảng 4-5 năm gần đây khi số tiền thù lao (không kể ăn ở, di chuyển) đã được nâng từ khoảng 2 triệu lên tới 8 triệu đồng/trận đấu. Nhưng sẽ là vô cùng chủ quan khi nói rằng chừng ấy đã đủ để các trọng tài của chúng ta hoàn toàn an tâm, “ngó lơ” trước những tập phong bì cảm ơn dày cộp của các đội bóng! Nên nhớ rằng giai đoạn 2, đặc biệt là khoảng 4-5 vòng cuối cùng mới là thời điểm “nóng” và các trọng tài cũng hoàn toàn có thể bị “tấn công” bởi... lòng hiếu khách của các ông chủ, đại diện CLB dự giải. Về mặt chuyên môn, các trận đấu ở lượt về chắc chắn cũng sẽ gay cấn hơn, tiềm ẩn nhiều khó khăn cho những người làm công tác tổ chức (BTC giải và BTC địa phương). Do vậy, rất cần sự tỉnh táo, tập trung tối đa của mọi lực lượng làm nhiệm vụ đối với từng trận đấu, trong đó rất cần lưu tâm tới cả những động thái của các lực lượng cổ động viên, khán giả hâm mộ. Thoạt nhìn thì lượt đi của V.League 2013 tạm ổn, nhưng với các nhà tổ chức và giới mộ điệu thì mọi thứ vẫn chưa yên.

Minh Linh


Ý kiến của bạn