Tầm nhìn quy hoạch kiểu “máy bơm”

29-08-2016 07:49 | Thời sự
google news

SKĐS - Những trận mưa lớn không cần do bão, lũ cũng đủ khiến nhiều nơi trong các thành phố lớn bị ngập lụt nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản, kinh tế và an ninh trật tự, đảo lộn cuộc sống của người dân. Điệp khúc mưa - ngập này tái diễn kéo dài có nguyên nhân từ đâu và làm sao giải quyết triệt để chứ không phải trông chờ... máy bơm?

Bao năm thoát nước vẫn... bế tắc

Điển hình nhất là trận ngập ở sân bay Tân Sơn Nhất tối 26/8 vừa qua, chỉ một cơn mưa lớn đủ khiến gần 70 chuyến bay đến Tân Sơn Nhất bị ảnh hưởng. Trong đó có 2 chuyến bị hủy, 14 chuyến phải hạ cánh xuống các sân bay lân cận như Liên Khương, Cam Ranh... 4 chuyến bay quốc tế không hạ cánh được phải đáp xuống sân bay của Campuchia, Thái Lan. Nguyên nhân ngập tại sân bay tái diễn là do các bãi đỗ ở gần lối thoát nước ra kênh A41 phía đường Phan Thúc Duyệt. Dù đơn vị đã kiến nghị nhiều lần nhưng tuyến kênh bên ngoài này chưa được giải tỏa, nạo vét khiến nước không thoát được.

Người dân ở cả quận Phú Nhuận, đặc biệt khu vực đường Phan Xích Long cũng hết sức khốn đốn vì... mưa, giao thông bị tê liệt. Đặc biệt, ở khu vực P.7, Q.Phú Nhuận, đã có 6 tòa nhà bị ngập nặng ở hầm xe khiến các phương tiện trôi nổi bồng bềnh trên mặt nước, hàng chục ôtô, xe máy bị hư hỏng.

mua ngapMỗi trận mưa lớn lại khiến người dân nơm nớp nỗi lo ngập nước.

Nhiều năm qua, TP.HCM đã tốn không biết bao nhiêu tiền của, công sức cho công tác chống ngập nhưng hiệu quả vẫn còn là thách thức. Nguyên nhân tình trạng ngập ở TP.HCM chủ yếu là việc đô thị hóa đã không phát triển đồng bộ với hệ thống thoát nước đô thị, sai lầm trong quy hoạch, phát triển ra vùng đất thấp mà không phải là vùng đất cao. TP.HCM có địa hình tương đối phẳng, thấp, do việc đô thị hóa, nhiều khu trũng chứa nước mưa và triều trước đây đã bị san lấp làm gia tăng đỉnh triều, ngập lan rộng hơn. Các cống tiêu thoát nước mưa hiện còn thiếu, đầu tư chưa đồng bộ mà hiện đã lạc hậu trong khi tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra rõ nét, những trận mưa cực lớn xuất hiện ngày càng nhiều và tổ hợp mưa lớn, triều cao xuất hiện thường xuyên hơn.

Tương tự là tình hình mưa - ngập ở Thủ đô Hà Nội cũng đã ngày càng quen thuộc và nặng nề hơn dù thành phố đã chi ra hàng ngàn tỷ đồng để... thoát nước. Nguyên do là không biết bao nhiêu dự án chung cư, liền kề đã được cấp phép tràn lan từ trước ở vào vùng trũng ngập, lấp ruộng, lấp kênh mương, lấp không gian bán ngập..., nay chủ đầu tư và người dân mới bỏ ra xây, vậy là hết chỗ đựng nước. Cho nên nhiệm vụ chống ngập ngày càng khó khăn hơn, tốn kém hơn...

Cần tầm nhìn tổng thể

Những trận ngập lụt vừa qua sau khi các thành phố lớn đã chịu chi hàng nghìn tỷ đồng có thể cho thấy một kết quả là qui hoạch cực kỳ yếu kém. Có thể nói một cách tổng quát là nếu chỉ qui hoạch thoát nước theo kiểu vá víu, trông chờ... máy bơm, thì hút nơi nọ bơm sang nơi kia không giải quyết được vấn đề. Mấu chốt là chỗ nước đó phải chuyển đi đâu để nơi khác không bị gánh cho nơi này và làm sao để lần sau thì nước không “ghé thăm” lại nữa.

Ví dụ như trước đây phố Thụy Khuê không bao giờ có điểm ngập sâu, nay “nhờ” có công trình thi công cải tạo mương sông Tô Lịch nên đã khác. Một vài trận mưa lớn đã khiến nhiều điểm ngập cao trên phố, kéo lan sang các phố lân cận, vì công trình thi công ì ạch đã bít miệng cống lại.

Người dân ở ngõ 165 Cầu Giấy, Hà Nội cũng cho biết, từ khi khu đô thị, tòa nhà cao tầng mọc lên gần ngõ thì nước không bao giờ thoát được mỗi khi mưa. Nước mưa rồi nước từ cống hôi thối tràn vào nhà ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống gia đình. Nguyên nhân là do hệ thống thoát nước chưa đồng bộ, chắp vá khiến những khu mới được xây dựng nước dễ dàng lưu thoát, còn những nơi hệ thống cống bé xây dựng từ trước đây thì không thể đáp ứng được.

Vì vậy, một bản qui hoạch đô thị và thoát nước cần lồng ghép đa mục tiêu: gia tăng cây xanh, mặt nước (vùng bán ngập) không gian công cộng an toàn, nâng cấp cảnh quan đô thị, kết hợp thoát nước với giao thông, thoát tự nhiên với thoát cưỡng bức, hạ tầng nổi và chìm, thủ công và tự động hóa... Đó là một bản qui hoạch đủ thông minh với tầm nhìn dài hạn, bao quát, ứng phó với tiến trình phát triển đô thị mới và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, không chỉ thoát nước mà còn tồn giữ nước sạch.

Còn với những qui hoạch thiếu tầm nhìn trước nay vừa tiêu tốn ngân sách, lại vẫn tồn tại những thiệt hại về thời gian dài, cùng nhiều phương tiện, nhà cửa, tài sản khác bị hỏng hóc nghiêm trọng đã tạo ra họa kép cho đất nước nói chung. Mong rằng mỗi cơn mưa là cảnh mát mẻ, thơ mộng, chứ không phải là mỗi lần người dân nơm nớp lo lắng.


Bình An
Ý kiến của bạn