Khởi công năm 2013, hệ thống xe buýt nhanh Hanoi BRT do Ban quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội triển khai xây dựng có chiều dài khoảng 14,7km, có điểm đầu là bến xe Yên Nghĩa và điểm cuối là bến xe Kim Mã với 21 nhà chờ, 1 trạm trung chuyển là bến xe Kim Mã, 4 cầu đi bộ tiếp cận nhà chờ và 1 trạm sửa chữa với mức đầu tư hơn hơn 1.100 tỉ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Hợp phần tuyến xe buýt nhanh Hanoi BRT từ bến xe Yên Nghĩa tới bến xe Kim Mã được kỳ vọng là bước đột phá của giao thông Thủ đô, góp phần giảm tải... Theo dự kiến, dự án này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2015, nhưng cho đến nay, sau nhiều năm triển khai, dự án này vẫn chưa được đưa vào sử dụng?
Vấn đề đặt ra ở đây là bằng mắt thường của người dân ngay từ đầu họ có thể chỉ ra hàng loạt bất cập của dự án như “trên tuyến đường hiện chủ yếu có từ 2 - 3 làn giờ lại chia thêm một làn cho xe buýt BRT sẽ càng thêm ùn tắc giao thông bởi mật độ phương tiện ngày càng lớn”, “xe buýt nhanh nhưng đường hẹp, chả lẽ xe buýt nhanh tranh đường của các phương tiện khác để đòi nhanh một mình”. Cùng hàng loạt bất cập khác như lượng phương tiện đi lại trên mặt đường rất nhiều, hơn nữa, xe buýt nhanh lại nằm ở giữa hai làn đường nên việc kết nối lúc lên xuống cũng bất tiện, vậy mà phải hơn 10 năm triển khai Sở GTVT Hà Nội là chủ đầu tư dự án mới thừa nhận là chưa lường hết được những bất cập.
Theo Sở GTVT Hà Nội, khó khăn nhất là lên phương án tổ chức giao thông vì hiện lượng phương tiện đã tăng cao so với thời gian nghiên cứu dự án từ năm 2007, khi Hà Tây chưa sáp nhập vào Hà Nội, trong quá trình nghiên cứu tính dự báo không lường trước được nên khi áp vào thực tế thì có nhiều vấn đề. Tuy nhiên, theo các chuyên gia xây dựng thì việc đổ lỗi cho quy hoạch, hay không lường trước được thực tế là cách đổ lỗi quá dễ dàng, nó thể hiện sự yếu kém của đơn vị quản lý. Còn theo các chuyên gia về luật thì những dự án như dự án xe buýt nhanh hay các dự án khác có vốn hàng nghìn tỷ đồng mà không hiệu quả thì trách nhiệm thuộc về các chủ dự án, không thể để cho qua được, luật đã quy định rõ, phải quy trách nhiệm và xử lý nghiêm chứ không để lãng phí như thế được.
Hiện Sở Giao thông Hà Nội cho biết thành phố đang cùng các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới nghiên cứu phương án khả thi nhất để tiếp tục triển khai và dự kiến trong quý III/2016 sẽ đưa tuyến buýt nhanh vào hoạt động. Còn về phía người dân, họ tự hỏi với mức đầu tư nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới, dự án này đang bị chậm tiến độ thì số tiền này liệu có bị đội thêm vốn và những hạng mục đã làm bị xuống cấp thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Và liệu dự án chậm tiến độ, đội vốn này có tạo bước đột phá cho giao thông Thủ đô hay không khi hiện nay đang lộ rõ quá nhiều bất cập.
Hoàng Sơn