Hà Nội

“Tâm nguyện còn dang dở của những người tử tù khiến chúng tôi day dứt…”

Thạc sỹ Cao Tiến Sỹ

Thạc sỹ Cao Tiến Sỹ

Trưởng phòng Pháp chế, Truyền thông thuộc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người

22-12-2016 07:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Tâm nguyện hiến tạng của những người tử tù còn dang dở khiến những người làm công tác vận động hiến mô tạng cảm thấy trăn trở và day dứt....

Ai rồi cũng sẽ có ngày phải rời xa khỏi cõi dương gian này, nhưng sự ra đi của mình mà cứu rỗi được thêm bao linh hồn khác sẽ khiến lòng trở nên thanh thản hơn. Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Nhật Từ cho rằng: "Triết lý Phật giáo không những không ngăn cấm những hành động từ bi và nhân văn cao cả như hiến mô, hiến xác, hiến tạng cho y học..... Khi y học phát triển thì tầm nhìn của Đức Phật về khích lệ lòng nhân ái mang lại sự sống là rất sâu sắc. Do đó những người tu học Phật có được thuận lợi ở chỗ là đã được Đức Phật khích lệ hãy hiến tặng bằng lòng từ bi lớn, bằng thái độ vô ngã lớn, bằng sự quan hoài lớn đối với những ai có nhu cầu lắp ghép để sự sống của họ có thể tái sinh thêm một lần nữa ngay trong kiếp sống này."

Hiến tạng- Cho đi là còn mãi

Thượng tọa Thích Nhật Từ, TTƯT Trần Sĩ Tuấn và ThS Cao Tiến Sỹ tại buổi truyền hình trực tiếp "Hiến tạng- Cho đi là còn mãi" do báo SKĐS tổ chức.

Thế còn câu chuyện những người tử tù muốn làm điều thiện nguyện vào lúc cuối đời bằng cách hiến tạng để tiếp nối sự sống cho những người khác, chúng ta có nên khuyến khích hay không? Theo TTƯT.BS, Nhà thơ Trần Sĩ Tuấn: "Khi người tử tù tình nguyện hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể người khi thi hành án, tôi nghe nói tôi cũng thấy xúc động. Vì dù là tử tù thì họ vẫn là con người và khi những người này thức tỉnh lương tâm trong một giây phút nào đó chúng ta nên ủng hộ." Còn Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Nhật Từ thì cho rằng, tâm nguyện của những người tử tù muốn hiến tạng là một hành động mang tính nhân văn và thể hiện sự sám hối của họ ở phút cuối đời thì chúng ta không nên ngăn cản, vì đạo Phật rất từ bi, luôn mở lối đi cho những ai muốn quay về với sự lương thiện. Chúng ta không nên từ chối tâm nguyện của họ. Việc hiến tạng, hy sinh một phần thân thể cũng giúp họ có thể phần nào chuộc lỗi để có thể được tái sinh ở kiếp sau tốt hơn. "Khi người đó thức tỉnh rồi, mình đừng nên tiếp tục đánh giá người đó bằng quá khứ của chính họ vì thế là không công bằng. Bởi chủ trương cuộc sống được đánh giá là ở bây giờ, tại đây, quá khứ cần khép lại đi.", Thượng tọa Thích Nhật Từ chia sẻ.

"Tóm lại không có một trở ngại gì về phương diện tâm linh đối với một người có quá khứ đen tối nhưng muốn hiến mô tạng, không ảnh hưởng gì về tâm tính, ngược lại còn có tác động tích cực, bởi người được hiến tặng có lòng biết ơn với người hiến tặng, sống quãng đời còn lại một cách có ý nghĩa và giá trị" Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Nhật Từ.

Thạc sĩ Cao Tiến Sỹ, Trưởng phòng Pháp chế, Truyền thông thuộc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã kể lại những băn khoăn trăn trở trong quá trình tìm con đường "cứu người" qua việc vận động hiến mô tạng từ người cho chết não hay ngưng tim của những người đang lặng thầm làm công việc mang tính nhân vân này ở Trung tâm.

Thạc sỹ Cao Tiến Sỹ

Thạc sỹ Cao Tiến Sỹ

"Kể cả những người tử tù cũng vẫn có quyền đăng ký hiến tặng mô tạng và bày tỏ nguyện vọng của mình. Người ta là tử tù, chỉ bị tước quyền công dân, còn quyền con người của họ thì vẫn giữ nguyên. Họ hoàn toàn có quyền bày tỏ nguyện vọng đó về quyền con người của mình. Luật pháp của một số quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam không hạn chế quyền này của họ." Thạc sĩ Cao Tiến Sỹ, Trưởng phòng Pháp chế, Truyền thông thuộc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người

Theo Luật thi hành án hình sự năm 2010, những người đã bị tử hình, thân nhân được mang về gia đình an táng, người ta vẫn có quyền hiến mô tạng, hiến xác cho y học bình thường như những người khác.

Ông bồi hồi kể lại những tiếc nuối khi tâm nguyện của hai người tử tù đã không được vẹn toàn trước lúc chia lìa thế gian này. Hai trường hợp bị tử hình ở Nghệ An và Quảng Ninh đã giải quyết hết sức rõ ràng về cơ sở pháp lý nhưng rất tiếc cho những rào cản kỹ thuật nên nguyện vọng của hai người này chưa thể thực hiện được. Nguyên nhân khách quan là do theo quy định, thi thể những người bị tử hình sẽ được mai táng tại nơi và do đó rất khó để di chuyển. Tử tù là những người chết ngưng tim. Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam đã ghép tạng từ người cho chết não, còn chết ngưng tim mới đang có một đề tài khoa học ở Bệnh viện Chợ Rẫy mới nghiệm thu cấp nhà nước, chưa ghép thường quy được. Bản thân ThS. Cao Tiến Sỹ và những người đang lặng thầm làm công việc vận động hiến mô tạng cảm thấy thấm thía và ngậm ngùi trước tâm nguyện cao đẹp của những người tử tù cũng như thấu hiểu sự nuối tiếc của gia đình họ vì tâm nguyện cuối cùng của người thân đã chưa thể đong đầy.

"Bản thân tôi cùng những người trực tiếp làm công tác truyền thông vận động, tư vấn pháp lý cho những người này cũng cảm thấy day dứt. Chúng tôi cũng hết sức chia sẻ sâu sắc với gia đình những người có mong muốn làm việc thiện nguyện cuối đời và chút gì đó gửi lại cho dương thế trước khi bước sang thế giới bên kia thế nhưng đã không thể giúp gì được cho họ...." ThS. Cao Tiến Sỹ

Đúng như lời của Thượng tọa Thích Nhật Từ đã nói: "Việc hiến mô, tạng như tôi đã nói nhiều lần, là tạo một cơ hội cho một người khác có điều kiện tái sinh một lần nữa trong cuộc sống hiện tại này. Vì vậy, đừng do dự khi làm việc đó. Nếu lỡ do dự rồi thì bỏ do dự đó đi. Mà nói về Phật giáo là gì, là hãy an nhiên, thư thái, thoải mái, thảnh thơi, rũ bỏ mọi nỗi lo để chúng ta làm một nghĩa cử cao thượng cho cuộc đời." Hãy để cho những người tử tù có cơ hội được chuộc lỗi, được làm điều thiện nguyện trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời như một sự cứu rỗi tâm linh. Chúng ta đều mong rằng, trong tương lai, mọi rào cản kỹ thuật sẽ được vượt qua để giúp cho tâm nguyện tốt đẹp vào giây phút cuối đời của những tử tù sẽ thành hiện thực, là giúp cho một phần cơ thể của họ có thể mang lại sự sống cho người khác. Một đôi mắt cho đi sau khi qua đời sẽ giúp cho kiếp sau đôi mắt đó trở nên sáng hơn, trái tim cho đi lúc lìa đời tiếp nối cuộc sống của một người khác sẽ giúp kiếp sau ta được phù hộ và ban ơn cứu rỗi để có một trái tim còn đẹp hơn và khỏe mạnh hơn. Đó chính là thuyết nhân quả đầy nhân văn, từ bi và giàu lòng vị tha trong triết lý của đạo Phật.


Nguyễn Vân
Ý kiến của bạn