Hà Nội

Tạm ngừng nhiều chuyến tàu do bão số 2

17-07-2017 16:14 | Thời sự
google news

SKĐS - Đã có người chết và nhiều thiệt hại nặng nề trong bão số 2 - theo báo cáo thiệt hại ban đầu cho hay.

Tổng Công ty Đường sắt VN cho biết, do ảnh hưởng của bão số 2, vùng ven biển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có mưa to kèm theo gió lớn. Từ 23h ngày 16/7, trên đoạn đường sắt từ Thanh Hóa đến Vinh có nhiều cây, cột điện hạ thế và cao thế bị đổ, chắn ngang đường sắt, gây ảnh hưởng đến chạy tàu. Đến 7h30 sáng nay, ngày 17/7, ngành Đường sắt đã cơ bản khắc phục xong sự cố, thông tuyến, trả đường cho các đoàn tàu.

Đối với 10 đoàn tàu trên tuyến đường sắt Thống Nhất (SE1, SE3, SE4, SE17, SE18, SE19, SE20, QB1, NA1, NA2) bị ảnh hưởng phải nằm chờ tại các ga dọc đường gây chậm tàu, ngành Đường sắt đã tổ chức phục vụ bữa sáng, nước uống miễn phí cho hơn 4.000 hành khách.

Cây đổ chắn ngang đường sắt, cản trở chạy tàu.


Do ảnh hưởng mưa bão, ngày 17/7, Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội sẽ tạm ngừng chạy tàu SE35, SE36 trên tuyến Hà Nội Vinh và ngược lại. Hành khách trên các đoàn tàu SE35, SE36 sẽ được chuyển đổi sang các đoàn tàu khác.


Dự kiến các đoàn tàu về ga Hà Nội: NA2: 11h10 (xuất phát tại Vinh ngày 16/7); SE4: 13h00 (xuất phát tại Vinh ngày 15/7); SE18: 14h30 (xuất phát tại Đà Nẵng ngày 16/7); SE20: 15h00 (xuất phát tại Đà Nẵng ngày 16/7);

Các tàu chiều Hà Nội – Sài Gòn, xuất phát tại Hà Nội ngày 16/7 về ga cuối: Tàu SE1: dự kiến chậm 7 tiếng;
- Tàu SE3: dự kiến chậm 5 tiếng; Tàu QB1: dự kiến chậm 7 tiếng; Tàu SE19: dự kiến chậm 7,5 tiếng; Tàu SE17:dự kiến chậm 7,5 tiếng; Tàu NA1: dự kiến chậm 7 tiếng;

Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, bão số 2 làm 01 người chết tại thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An; làm chìm tàu vận tải VTB 26 chở 4.700 tấn than neo đậu tại khu vực biển Hòn Ngư, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, trên tàu lúc gặp nạn có 13 thuyền viên (hiện nay đã cứu được 4 thuyền viên).

Lực lượng Bộ đội biên phòng đã phối hợp với Cảng vụ Nghệ An thông báo cho 3 tàu vận tải khác đang neo đậu tại khu vực hỗ trợ tìm kiếm cứu với người bị nạn. Mưa bão làm sạt lở nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ; ngập ứng hàng nghìn ha lúa và hoa màu, hàng nghìn cây xanh bị ngã, đổ…

Ứng phó bão số 2, lực lượng quân đội đã phối hợp các địa phương sơ tán 9.722 người dân khu vực nguy cơ cao về sạt lở đến nơi an toàn. Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa duy trì thường trực 8.555 cán bộ chiến sĩ, 214 phương tiện sẵn sàng ứng phó. Tổ chức bắn pháo hiệu tại 37 điểm các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa. Phối hợp với các địa phương kêu gọi thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 65.766 phương tiện, với 263.793 người và 7.098 lồng, bè chòi canh biết hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm.

Tại Hội nghị trực tuyến khắc phục hậu quả bão số 2 với các địa phương khu vực Bắc Trung Bộ do BCĐ Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn tổ chức sáng nay (17/7), Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu BCĐ trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn khẩn trương phối hợp hợp với các địa phương khắc phục hậu quả sau bão, tìm kiếm số thuyền viên còn mất tích; Hỗ trợ động viên kịp thời những gia đình có người gặp nạn, sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường không để dịch bệnh xảy ra. Tiếp tục sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy cơ về sạt lở đất, lũ ống lũ quét, nhất là những khu vực hồ đập đang xuống cấp. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ để chủ động vận hành liên hồ chứa đảm bảo an toàn tính mạng người dân và các hồ đập, hệ thống đê điều.

Mái tôn đè chết một người phụ nữ trong bão số 2 - Nhiều thiệt hại nặng nề

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, thiệt hại ban đầu do báo số 2 gây ra tại tỉnh Thanh Hóa, tính đến 7h sáng 17/7 bão đã làm 96 nhà, trường học bị tốc mái; 590 ha lúa bị ngập úng, đổ gãy; 980 ha hoa màu bị đổ gãy, hư hỏng; 1.023 cây lâm nghiệp và cây xanh đô thị bị đổ gãy; 110 m kênh mương bị sạt đổ; 33 cột điện bị đổ.

Tỉnh Nghệ An, tính đến 5 sáng ngày 17/7 bão đã làm 01 người chết (đó là Nguyễn Thị M. sinh năm 1969 ở thị xã Hoàng Mai do mái tôn đè chết), 2.751 nhà, quán (Kiot) bị tốc mái, trong đó có 01 trụ sở Ủy ban nhân dân, 01 trạm y tế và 01 trường học; trên 2000 ha vừng bị đổ; 300 ha dưa hấu bị ngập; 350 ha keo bị đổ và hàng nghìn cây xanh bị đổ.

Trước đó, tính đến 14h ngày 16/7, mưa lớn đã làm sạt lở một số điểm trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ gây ách tắc giao thông, cụ thể: Quốc lộ 48 sạt lở 05 điểm; Quốc lộ 16 sạt lở 07 điểm; Tỉnh lộ 532 sạt lở 04 điểm; Tỉnh lộ 544 sạt lở 02 điểm. Hiện, Tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị quản lý phối hợp với lực lượng thanh tra giao thông, chính quyền địa phương khắc phục tạm thời đảm bảo giao thông đi lại.

Theo báo cáo của Cơ quan thường trực Ban chỉ huy PCTT, TCKN Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, bão số 2 đã làm tàu vận tải VTB 26 trên tàu có 13 thuyền viên bị chìm, tàu chở 4.700 tấn than, neo đậu tại khu vực biển Hòn Ngư, Cửa Lò, Nghệ An, hiện đã cứu được 03 thuyền viên, đang tiếp tục tìm kiếm 10 thuyền viên còn lại. Bộ tham mưu chỉ đạo Biên phòng Nghệ An phối hợp với cảng vụ Nghệ An xác minh thông tin, thông báo cho 03 tàu vận tải đang neo ở khu vực trên hỗ trợ tìm kiếm cứu vớt người bị nạn.

Tỉnh Hà Tĩnh, tình hình thiệt hại tính đến 7h30 ngày 17/7 như sau: 01 nhà dân và 45 kiot bị sập đổ; 31 nhà dân, 04 trường học và 01 trụ sở UBND xã bị tốc mái; 08 cột điện bị đổ; 607 ha lúa và 290 ha hoa màu bị ngập úng, nhiều cây cối bị gãy đổ; 04 tàu bị chìm trong khu vực tránh trú bão. Trong ngày các hãng hàng không đã phải hủy 18 chuyến bay từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đi Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới và ngược lại.

Miền Bắc mưa kéo dài khoảng 2-3 ngày tới

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của bão số 2, trên đất liền các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10-11 (Diễn Châu, Cửa Hội cấp 8, giật cấp 10; Quỳnh Lưu, Vinh cấp 7, giật cấp 10; Hoành Sơn cấp 7, giật cấp 11). Vùng biển ven bờ có gió mạnh cấp 8, giật cấp 12 (đảo Hòn Ngư). Vùng ven biển từ Nam Định đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9 (Văn Lý cấp 7, giật cấp 8; Yên Định, Tĩnh Gia cấp 6, giật cấp 8-9). Ở ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Bình có gió giật cấp 6-7.

Hoàn lưu bão số 2 đã gây mưa lớn cho khu vực ven biển Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừ Thiên Huế; riêng khu vực các tỉnh từ Thanh Hóa-Thừa Thiên Huế đã có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa từ 07h ngày 16/07 đến 07h ngày 17/07 phổ biến từ 70-150mm, riêng khu vực các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình có mưa rất to 100-300mm.

Sáng nay (17/07) bão số 2 đã vượt qua khu vực biên giới Việt-Lào và đi sang khu vực Trung Lào.

Hồi 07 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 103,6 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-10.

Trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào.

Ở Vịnh Bắc Bộ sáng nay còn có gió giật cấp 6-7; sóng biển cao từ 2-3m; Biển động. Các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 2.

Cảnh báo, mưa ở các tỉnh Bắc Bộ có khả năng kéo dài trong 2-3 ngày tới, cần theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Lũ đang lên nhanh

Lũ trên sông Thao ở Yên Bái và các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình đang lên, sông Thao tại Yên Bái đang lên nhanh. Mực nước lúc 7h/17/7, trên Sông Thao tại Yên Bái 29,14m (dưới BĐ1: 0,86m). Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ 11,36m dưới báo động (BĐ)2: 0,64m; tại Hòa Duyệt 6,26m dưới BĐ1 1,24m; Sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm 8,8m dưới BĐ1: 1,2m; Sông Gianh tại Đồng Tâm 10,15m dưới BĐ2: 1,85m; tại Mai Hóa: 4,31m dưới BĐ2: 0,69m; Các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An còn dưới mức BĐ1.

Dự báo, lũ trên sông Thao và các sông từ Thanh Hóa, đến Quảng Bình tiếp tục lên.

Trong 3-6 giờ tới: Lũ trên thượng lưu các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, sông Gianh sẽ đạt đỉnh, sau đó xuống nhanh. Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ ở mức 12,0m (BĐ2); Sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm ở mức 10,0m (BĐ1); Sông Gianh tại Đồng Tâm ở mức 10,3m dưới BĐ2: 1,7m; tại Mai Hóa ở mức 4,6m dưới BĐ2: 0,4m.

Trong 12 giờ tới: Lũ trên sông Thao và hạ lưu sông Ngàn Sâu tiếp tục lên; sông Gianh xuống chậm. Sông Thao tại Yên Bái lên mức 29,60m dưới BĐ1: 0,40m; Sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt lên mức 8,0m trên BĐ1: 0,5m; Sông Gianh tại Mai Hóa xuống mức 3,0m (BĐ1).

Dự báo 24 giờ tới: Lũ trên sông Thao tiếp tục lên. Sông Thao tại Yên Bái: 30,30m trên BĐ1: 0,3m;

Cảnh báo, trong đợt lũ này, mực nước trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An lên với biên độ từ 3-5m.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt tại vùng trũng, ven sông ở các tỉnh ở vùng núi phía Bắc và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Đặc biệt là các huyện: Lào Cai (nguy cơ đặc biệt cao): Bát Xát, Bắc Hà, SaPa, Văn Bàn; Yên Bái (nguy cơ đặc biệt cao): Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Căng Chải, Yên Bình, Văn Yên, Trấn Yên; Lai Châu (nguy cơ đặc biệt cao): Tân Uyên, Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè, Tam Đường, Than Uyên, TP Lai Châu; Điện Biên (nguy cơ cao): Mường Nhé, Tủa Chùa, Mường Chà, Tuần Giáo, Điện Biên, Điện Biên Đông; Sơn La (nguy cơ cao): Yên Châu, Mộc Châu, Phù Yên, Bắc Yên; Hòa Bình (nguy cơ cao): Cao Phong, Yên Thủy, Đà Bắc, Tân Lạc, Mai Châu; Hà Giang (nguy cơ cao): Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Quang, Vị Xuyên; Thái Nguyên (nguy cơ cao): Định Hóa, Phú Lương, Đồng Hỷ, Võ Nhai, Đại Từ, Phổ Yên và Phú Bình; Bắc Cạn (nguy cơ cao): Chợ Đồn, Chợ Mới.

Thanh Hóa (nguy cơ đặc biệt cao): huyện Lang Chánh, Thường Xuân, Quan Hóa, Mường Lát, Như Xuân, Như Thành, Quan Sơn, Bá Thước, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thạch Thành; Nghệ An (nguy cơ đặc biệt cao): huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông; Hà Tĩnh (nguy cơ đặc biệt cao): Hương Khê, Vụ Quang, Hương Sơn; Quảng Bình (nguy cơ đặc biệt cao): Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch;

Ngập úng tại các khu đô thị, các thành phố lớn có nguy cơ xuất hiện như: Thanh Hóa, Vinh, Hà Tĩnh, Ba Đồn, Đồng Hới. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1


D.Hải
Ý kiến của bạn