Tâm lý trẻ em Việt Nam

10-03-2013 14:48 | Văn hóa – Giải trí
google news

Nỗi băn khoăn suốt đời của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện cho đến khi tắt thở cách đây 15 năm là trả nợ cho nhân dân đã nuôi dưỡng mình, tạo điều kiện cho mình phát triển tốt đẹp.

Nỗi băn khoăn suốt đời của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện cho đến khi tắt thở cách đây 15 năm là trả nợ cho nhân dân đã nuôi dưỡng mình, tạo điều kiện cho mình phát triển tốt đẹp. Để trả món nợ tinh thần ấy, ông đã có ý đồ từ thuở trẻ, đóng góp xây dựng cho đất nước những thế hệ trẻ ưu tú. Và ông bắt đầu đi sâu nghiên cứu tâm lý trẻ em Việt Nam. Còn nhớ hồi kháng chiến chống Pháp, năm 1948, ở vùng tự do khu III, tôi lượm được một tờ báo tiếng Pháp do một bà con nào vừa từ vùng địch gói đồ mang ra, đăng tin bác sĩ Nguyễn Khắc Viện ở Paris vừa xuất bản một tài liệu về phương pháp giáo dục bậc tiểu học. Hồi ấy, Việt Nam bắt đầu đánh Pháp, quốc tế chẳng hiểu mấy về ta. Những tin như vậy, lại từ Pháp, rất quý để gây uy tín cho dân tộc và kháng chiến Việt Nam. Do đó, tôi cho đăng ngay tin đó lên tờ báo địch vận L‘Etincelle (của Liên khu III) mà tôi đảm nhiệm.

Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện về nước năm 1963, làm việc trong ngành xuất bản, về hưu khi thôi làm Giám đốc NXB Thế giới. Nhờ vậy, ông đã có thì giờ tập trung vào nghiên cứu trẻ em. Ông thành lập Trung tâm NT (Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em), tập hợp một số bác sĩ, giáo sư, cán bộ ngành Khoa học xã hội, nghiên cứu về tâm lý và tâm bệnh trẻ em. Ông tổ chức nhiều cơ sở khám chữa trẻ em có vấn đề tâm lý.

Qua mấy chục năm hoạt động, N.T. đạt được nhiều thành tựu và được sự hưởng ứng, hỗ trợ của các chuyên gia, kể cả nước ngoài.Trong số đó có nữ bác sĩ tâm thần người Pháp là bà Hoffet, một cộng tác viên tích cực của N.T., tự nhận là theo trường phái Nguyễn Khắc Viện. Bà là giáo sư Trường đại học Paris 13. Bà đặc biệt chú trọng đến môi trường văn hóa Việt Nam trong những công trình nghiên cứu tâm lý trẻ em Việt Nam, điều mà những nhà tâm lý trị liệu phương Tây còn ít biết.

Bà Hoffet đã có kinh nghiệm quan sát trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ở Pháp. Rồi ở Việt Nam, bà cũng bỏ ra nhiều năm thực hiện việc ấy khi nghiên cứu lý thuyết và thực hành điều trị. Xuất phát từ quan sát thực tế Việt Nam, bà cho là lý thuyết về sự phát triển của tâm lý trẻ em theo hướng phân tâm học phương Tây không thể cứ nguyên xi truyền sang Việt Nam. Cần phải có sự chuẩn bị “tiền trạm” bằng cách nghiên cứu dân tộc học.Vì vậy, bà đã bắt đầu bằng sự nghiên cứu kỹ càng các lĩnh vực nhân học, xã hội học, ngôn ngữ học để áp dụng tốt nhất cách điều trị phương Tây vào Việt Nam, xây dựng một phương pháp điều trị kiểu Việt Nam với trẻ em.

Với kinh nghiệm nghề nghiệp, bà đã tiếp thu kết quả quan sát trẻ em của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện và những đồng sự. Bản thân bà cũng đi quan sát trẻ em ở vùng ngoại ô Hà Nội là nơi còn lưu giữ dáng dấp xóm làng thôn quê. Bà phân tích những dữ kiện ấy dưới góc độ nhân học và phân tâm học để tìm ra đặc thù thời kỳ đầu quan hệ mẹ sinh con trong gia đình Việt Nam và tìm hiểu ảnh hưởng của đặc thù ấy đến sự hình thành tâm lý trẻ. Những kết quả đạt được phải đem so với lý thuyết phân tâm học cổ điển xem có chỗ nào không ăn khớp? Bà cũng khuyến cáo các nhà điều trị tâm lý Việt Nam nên tìm hiểu những phát hiện mới của môn học, mặt khác, cần nhận thức là quan hệ mẹ con thời kỳ đầu ở Việt Nam đang bị đảo lộn do quá trình công nghiệp hóa, thành thị hóa và cả toàn cầu hóa.

Luận án tiến sĩ của bà Hoffet rất hấp dẫn, ngay cả đối với người ngoại đạo, vì đó là một tài liệu xã hội học, nhân học cho thấy ảnh hưởng đối với trẻ sơ sinh trong một gia đình Việt Nam. Nó cũng có giá trị lịch sử vì bà Hoffet theo dõi sự biến diễn của xã hội Việt Nam vào đầu thế kỷ 21.

Đó là cách nhìn có phân tích của một học giả phương Tây về phong tục tập quán người Việt.Thời kỳ đầu của mẹ con cũng cho thấy rõ quan niệm Việt Nam về vị trí đứa trẻ trong gia đình và toàn bộ thế giới quan người Việt (khác hẳn Pháp, Ý).

Chỉ xin đơn cử một thí dụ Việt Nam khác Pháp trong giai đoạn đầu của mẹ con: Giáo dục đi ngoài cho trẻ sơ sinh. Ở Việt Nam, mới đầu, người mẹ theo dõi những biến đổi trên thân thể của em bé khi sắp đi ngoài. Sau đó, mẹ theo dõi thấy em bé thể hiện nhu cầu bằng một cử chỉ nào đó hoặc gây tiếng động. Việc huấn luyện vệ sinh này đòi hỏi kiên nhẫn và không thể dùng sức ép tâm lý được. Dựa vào quan sát ấy, các bà mẹ Việt đã tập được cho em bé đi vệ sinh, điều lạ lùng đối với các bà mẹ phương Tây. Các ứng xử khác giữa người mẹ và em bé cũng khác: đặt tên, ăn uống, mắng con, quan hệ với ông bà, cách ru ngủ… không giống những mô hình của phân tâm học. Bà Hoffet thành công trong công trình nghiên cứu khoa học này hẳn cũng nhờ sự cảm thông sâu sắc của bà với tâm lý và tâm hồn Việt Nam. 

  Hữu Ngọc


Ý kiến của bạn