Tâm lý thường gặp ở bệnh nhân

02-11-2011 10:17 | Thời sự
google news

Khi bị bệnh, người bệnh rất lo âu và mong muốn chóng khỏi bệnh để trở lại cuộc sống gia đình và xã hội. Khi bị bệnh nặng, họ thường rất sợ bị biến chứng, sợ chết, sợ tàn phế...có trường hợp suy nghĩ túng quẫn mà tự sát.

Khi bị bệnh, người bệnh rất lo âu và mong muốn chóng khỏi bệnh để trở lại cuộc sống gia đình và xã hội. Khi bị bệnh nặng, họ thường rất sợ bị biến chứng, sợ chết, sợ tàn phế...có trường hợp suy nghĩ túng quẫn mà tự sát. Sau đây là một số dạng tâm lý bệnh nhân ngõ hầu để thầy thuốc - bệnh nhân hiểu nhau hơn để góp phần làm nên văn hóa bệnh viện.

Bệnh nhân sẵn sàng trình bày bệnh tật

Tâm lý chung của bệnh nhân là mong muốn được gặp bác sĩ, điều dưỡng để trình bày cặn kẽ bệnh tật của mình sau 24 giờ qua để bác sĩ hiểu hết bệnh tật của mình, vì vậy đôi khi dài dòng và chiếm nhiều thời gian.

Tâm lý chung của thầy thuốc là phải kiên nhẫn lắng nghe, chọn lọc cái tinh, vừa nghe vừa suy nghĩ để trở thành tài liệu cho chẩn đoán và điều trị, không nên cáu gắt, ngắt lời bệnh nhân.

Bệnh nhân rụt rè, e thẹn

Bệnh nhân thường rụt rè, e sợ, thiếu tự tin trước thầy thuốc, đặc biệt là phụ nữ. Đối với nhân dân ta có phong cách Á Đông thường e lệ kín đáo, không muốn nói rõ bệnh tật của mình nhất là bệnh ngoài da, bệnh lây, bệnh đường sinh dục, vì vậy trong khám bệnh thường ngại cởi áo quần.

Người thầy thuốc cần thông cảm, tế nhị, bao giờ cũng chuẩn bị thật tốt tâm lý cho bệnh nhân khi khám cũng như khi làm thủ thuật điều trị để bệnh nhân tin tưởng sự đứng đắn của thầy thuốc và sẵn sàng hưởng ứng các ý kiến của thầy thuốc, của điều dưỡng. Khi cởi áo quần để khám, người thầy thuốc lưu ý luôn có người điều dưỡng giúp việc, giúp đỡ, tiếp cận với bệnh nhân.

 Thầy thuốc cần hiểu tâm lý của bệnh nhân để có thể điều trị tốt hơn.

Bệnh nhân luôn luôn quan sát, nhận xét

Bệnh nhân vào viện, thay đổi hẳn môi trường: khung cảnh bệnh viện, đặc biệt là mối quan hệ giữa người và người thay đổi. Bệnh nhân bị cách ly khỏi gia đình, làng xóm, bên cạnh thái độ rụt rè bệnh nhân luôn luôn quan sát tinh thần thái độ, lời nói, tác phong của bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý... và cũng tìm hiểu, lắng nghe ý kiến của bệnh nhân bên cạnh để có ấn tượng đầu tiên của mình về những điều vừa ý và không vừa ý.

Đối với những bệnh nhân đã vào viện hơn một lần được điều trị khỏi bệnh, thường có tâm lý hy vọng tin tưởng, đối với những bệnh nhân này, thầy thuốc cần tạo điều kiện để bệnh nhân giúp thầy thuốc nói chuyện với bệnh nhân khác gây ảnh hưởng tốt cho điều trị.

Có bệnh nhân đã vào điều trị trước kia nhưng chưa tốt, chế độ chăm sóc còn thiếu sót, quan hệ thầy thuốc bệnh nhân có điều chưa tốt cần hết sức quan tâm làm tốt công tác tâm lý cho bệnh nhân, làm sao cho bệnh nhân thông cảm và tin tưởng bệnh viện đã sửa chữa những mặt thiếu sót từ trước, không vì thế mà cán bộ y tế đối xử lạnh lùng với họ, hậu quả sẽ rất tai hại đến kết quả điều trị.

Lòng tin của bệnh nhân

Khi bệnh nhân vào viện, nhất là khi mới đến bệnh viện lần đầu rất tin tưởng vào bệnh viện, có ấn tượng tốt với sự cao quý của ngành y và sẵn sàng giao phó tính mạng mình cho y tế, cán bộ y tế càng phát huy tốt thuận lợi đó phục vụ tốt bệnh nhân, điều trị khám bệnh có chất lượng để củng cố lòng tin của bệnh nhân.

Khi có những cử chỉ và lời nói không tốt đẹp, phạm thiếu sót, thái độ phục vụ và chất lượng điều trị không đảm bảo thì dễ mất lòng tin, sự mất lòng tin hay lây lan đến người nhà và bệnh nhân khác, bệnh nhân giữ ấn tượng đó cho đến khi ra viện và những lần ốm đau sau này phải đến điều trị ở bệnh viện cũ, thường thì bệnh nhân không muốn đến bệnh viện. Vì vậy, trong thời gian điều trị ở bệnh viện chúng ta luôn củng cố lòng tin về mọi mặt, đặc biệt khi ra viện cần giải quyết mọi tồn tại làm cho bệnh nhân thông cảm và có ấn tượng tốt khi về nhà.

Vì sao bệnh nhân phản ứng với thầy thuốc?

Đa số bệnh nhân thường tuân thủ theo y lệnh và luôn luôn tỏ lòng biết ơn thầy thuốc, nếu bệnh nhân phản ứng với thầy thuốc thì thầy thuốc phải tự xem lại mình. Có thể bệnh nhân thấy mình không được tôn trọng, đối xử không bình đẳng, chăm sóc thiếu tận tình chu đáo, đôi khi bị bạc đãi, coi thường, thầy thuốc thiếu đứng đắn làm tổn thương đến nhân phẩm bệnh nhân. Trong những trường hợp đó, người phụ trách phải trao đổi, thông cảm với bệnh nhân.

BS. TRƯƠNG VĂN HÙNG


Ý kiến của bạn