Ngày nay, nhiều phụ nữ vẫn đóng vai trò chính yếu trong công tác chăm sóc gia đình. Họ thường đưa ra những quyết định quan trọng liên quan đến sức khỏe của chính họ và của người thân. Việc phụ nữ trong gia đình cảm thấy tự tin, được ủng hộ nhằm chủ động trong các công tác chăm sóc sức khỏe từ sàng lọc dự phòng đến điều trị sớm bệnh sẽ ảnh hưởng rất tích cực đến sức khỏe của cộng đồng và hệ thống y tế nói chung.
Khảo sát FreedomtoBe 2024 của Roche Diagnostics Châu Á Thái Bình Dương trên 2.836 phụ nữ tại 8 quốc gia trong APAC bao gồm cả Việt Nam đã cho thấy những rào cản đang ảnh hưởng đến việc ra quyết định và tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của nữ giới. Từ đó giúp chúng ta thúc đẩy những thay đổi và hành động hướng đến một tương lai khỏe mạnh và tự chủ cho phụ nữ.
Khảo sát đã so sánh nhận định của phụ nữ Việt với trung bình ý kiến của phụ nữ tại 8 quốc gia trong APAC trên 4 khía cạnh: Thứ nhất, hiểu biết về xét nghiệm và sàng lọc; Thứ hai, lý do không sàng lọc; Thứ ba lý do trì hoãn sàng lọc và điều trị và thứ tư sự ủng hộ trong gia đình và hệ thống y tế.
Lấy điển hình như trong sàng lọc phòng ngừa ung thư cổ tử cung hay việc xét nghiệm để tìm kiếm virus HPV nguy cơ cao gây nên hơn 90% ca ung thư cổ tử cung ở phụ nữ, khảo sát cho thấy: nhiều phụ nữ Việt vẫn còn dè dặt trong việc thực hiện sàng lọc/ điều trị bệnh sớm mặc dù họ có kiến thức và tự tin về kiến thức trong việc dự phòng bệnh. Nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến các quyết định của họ trong đó bao gồm cả tâm lý sợ bệnh, sợ đau, ngại ngùng/ xấu hổ, cho đến những trọng trách họ đang gánh vác trong gia đình và sự ủng hộ của nam giới trong các quyết định chăm sóc sức khỏe của họ.
BS. CKII. Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Giám đốc Trung tâm Sản phụ Khoa, Bệnh Viện Tâm Anh TP. HCM cũng chia sẻ nhiều bệnh nhân mắc ung thư cổ tử cung đến với bác sĩ trong tình trạng bệnh đã tiến triển xa vì bận rộn với công việc hay vì sợ phải thực hiện những thủ tục điều trị phức tạp. Các quyết định điều trị từ nhẹ như khoét chóp 1 phần cổ tử cung cho đến phải cắt bỏ cả tử cung vì ung thư đã xâm lấn thường ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý phụ nữ, khiến họ lo ngại về hạnh phúc gia đình sau này. Nhiều trường hợp còn rơi vào trầm cảm, chối bỏ điều trị. Vì vậy, sàng lọc sớm sẽ giúp phụ nữ rất nhiều trong việc phòng và tránh được những dằn vặt về cả thể xác lẫn tinh thần này.
Gần đây Bộ Y tế đã tiến hành đề xuất ưu tiên mở rộng chi trả BHYT cho sàng lọc ung thư cổ tử cung, giúp phụ nữ được hưởng BHYT không chỉ chủ động hơn trong việc phòng bệnh mà còn được giảm gánh nặng chi phí điều trị bệnh, nâng cao chất lượng sống và hạnh phúc gia đình. Các công tác truyền thông cũng được nhà nước khuyến khích đẩy mạnh.
Điển hình như chiến dịch "Để Cổ Nói" do Trung Tâm vì sự phát triển Phụ nữ Bắc Trung Bộ, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Phụ Sản Việt Nam với sự đồng hành của Roche Việt Nam khởi xướng trong 3 năm 2023 - 2025. Bên cạnh các hoạt động trực tiếp và trực tuyến diễn ra xuyên suốt trong năm, trước thềm Quốc tế Phụ nữ 8/3 vừa qua, chiến dịch đã giới thiệu Podcast Cổ Tích kết hợp cùng họa sĩ đường phố CRESK, 5 phụ nữ tại các tỉnh thành của Việt Nam và các chuyên gia y tế nhằm tạo nên thông điệp sáng tạo, giúp phụ nữ vượt qua những rào cản về kiến thức và tâm lý liên quan đến ung thư cổ tử cung. Chiến dịch kêu gọi phụ nữ cấp thiết hành động, thực hiện sàng lọc định kỳ nhằm bảo vệ chính bản thân họ khỏi căn bệnh nguy hiểm này.
Nghe Podcast Cổ Tích tại đây