Tâm lý e ngại đến bệnh viện trong mùa dịch

05-09-2020 12:34 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Lo lắng trước nguy cơ lây nhiễm COVID-19, nhất là có nhiều trường hợp nhiễm bệnh có nguồn lây từ bệnh viện, nhiều người dân phát sinh tâm lý hoang mang, ngại đến bệnh viện, mà tự mua thuốc để sử dụng. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy hại cho người bệnh.

Theo ghi nhận, hiện nay dù các bệnh viện đã tăng cường quyết liệt phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt cho các đối tượng có nguy cơ cao. Nhiều bệnh viện đã tiếp tục thắt chặt công tác kiểm soát phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 với quyết tâm cao không để dịch COVID-19 xâm nhập, tạo môi trường khám chữa bệnh an toàn cho người bệnh và thân nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện. Tuy nhiên, tâm lý lo sợ, e ngại đến bệnh viện cũng còn xuất hiện ở rất nhiều người. Trong số đó có nhiều trường hợp người cao tuổi với nhiều bệnh nền cần được theo dõi thường xuyên.

Ngại đến bệnh viện do dịch bệnh

Trong thời gian gần đây, dù đã quá lịch tái khám định kỳ tại bệnh viện khoảng 1 tháng nhưng cụ ông Nguyễn Văn H. (66 tuổi, ngụ tại Quận 5, TP.HCM) cũng chưa đến bệnh viện để tái khám theo đúng lịch định kỳ của bác sĩ do lo ngại về dịch COVID-19, ông H. nói: “Tôi bị cao huyết áp, polyp túi mật cùng tiểu đường nên định kỳ 6 tháng lại đến bệnh viện để làm xét nghiệm, kiểm tra và theo dõi. Nhưng ở TP.HCM có nhiều trường hợp tiếp xúc gần, nghi nhiễm, cách ly… với lại những trường hợp bệnh nhân nặng thường là người cao tuổi, có sẵn nhiều bệnh nên tôi cũng sợ phải đến bệnh viện”.

Theo chia sẻ của các bác sĩ, việc lo ngại không đến bệnh viện để thăm khám theo đúng chỉ định của bác sĩ có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe cũng như sự an toàn của người bệnh. Đơn cử như bệnh đái tháo đường, nếu người bệnh không đi khám thường xuyên sẽ làm tăng nguy cơ tăng hoặc hạ đường huyết. Bệnh huyết áp cao mà không đi khám thì không kiểm soát được huyết áp cũng như gây các biến chứng tai biến mạch máu não, đột quỵ... Ngoài ra còn đặc biệt nguy hiểm hơn khi người bệnh tự ý dùng thuốc, thay thế thuốc, thay đổi điểu trị…

 bệnh  viện trong mùa dịchCác bệnh viện tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm đảm bảo hạn chế nguy cơ lây nhiễm ở mức thấp nhất, tạo môi trường an toàn cho người dân đến thăm khám

Giống như trường hợp của ông H, hiện nay có nhiều trường hợp người bệnh do lo ngại mà không đến khám định kỳ, hay khi cơ thể có dấu hiệu bất thường mà tự ý mua thuốc để điều trị. Trường hợp này cũng xảy ra với nhiều bậc phụ huynh, do lo ngại dịch bệnh nên không đưa con đi khám mà tự ý điều trị.

Theo thông tin từ bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển, thời gian vừa qua đơn vị Hồi sức tích cực nhi khoa bệnh viện tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi viêm phổi nặng, biến chứng co giật, có cơn ngừng thở. Đáng nói trẻ bắt đầu có triệu chứng từ 3 ngày trước, nhưng do tâm lý lo ngại dịch bệnh COIVD-19, gia đình đã trì hoãn không đưa trẻ đến viện sớm, khiến bệnh trở nặng. Rất may mắn sau 2 ngày điều trị, trẻ đã qua cơn nguy kịch và đang được tiếp tục theo dõi điều trị tại khoa Nhi của bệnh viện.

Diễn biến nguy hiểm do phát hiện muộn

Việc ngại đến bệnh viện để thăm khám không phải là hiện tượng mới xuất hiện trong thời gian gần đây mà đã xuất hiện trong giai đoạn đầu của dịch, trước khi có sự xuất hiện trở lại của ca bệnh tại Đà Nẵng sau gần 100 ngày không xuất hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng.

BS.CK II Nguyễn Văn Tiến – Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM  cho biết trong thời gian trước khi tình hình dịch Covid-19 có nhiều chuyển biến tích cực, cuộc sống dần bình ổn trở lại. Khoa của ông thường xuyên tiếp nhận những người bệnh ung thư nặng. Tất ca những ca phẫu thuật đó dường như trở thành cuộc đua cân não của bác sĩ với bệnh tật của người bệnh. Bà Nguyễn Thị M. 60 tuổi, ngụ tại Sóc Trăng tới viện với cái bầu khệ nệ. Bà M.kể mình phát hiện bụng to dần 3 tháng nay lúc đầu còn nhỏ sờ thấy khối u trên bụng nhưng không đau và không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt hằng ngày nên không quan tâm vì nhà rất nghèo và vùng nông thôn xa xôi nên không đi khám. Sau đó bụng to nhanh và đau ngày càng mệt và khó thở, hàng xóm quyên góp được một số tiền khuyên nên đi lên tuyến trên điều trị . Khi chuẩn bị hành trang đi viện thì dịch bệnh, cách ly nên đành ôm bụng chờ. Bụng bệnh nhân  ngày càng căng chướng không thở nổi. BS Tiến cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng. Bác sĩ chẩn đoán ung thư buồng trứng với dịch ổ bụng rất nhiều chèn ép khó thở phải mổ gấp.

Ngoài những bệnh lý nền, bệnh mạn tính lâu năm… nhiều trường hợp bệnh lý khác cũng đang bị xem nhẹ, dẫn đến phát hiện muộn, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch và việc điều trị cũng gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian vừa qua bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) có tiếp nhận một số trường hợp bệnh nhân bị sốt xuất huyết nhưng đã không dám tới bệnh viện để thăm khám và điều trị mà tự ý điều trị tại nhà và dẫn đến nhiều biến chứng nguy kịch.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn. Nặng hơn có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Ở nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết, nặng hơn có biểu hiện xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu... Khi có một trong những biểu hiện này, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà.

bệnh  viện trong mùa dịch

Các bệnh viện tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19

Nhằm đảm bảo an toàn, giảm thiếu tới mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho nhân viên y tế, người bệnh và cộng đồng, các bệnh viện đã có nhiều biện pháp để tăng cường hiệu quả phòng và kiểm soát SARS-COV-2 trong các bệnh viện như: tổ chức rà soát, đảm bảo thực hiện nghiêm và có hiệu quả cấc quy định về phòng, kiểm soát lây nhiễm dịch COVID-19; thực hiện sàng lọc, khai thác kỹ các yếu tố dịch tễ, triệu chứng đối với bất kỳ ai đến các cơ sở khám chữa bệnh; đảm bảo việc thực hiện đeo khẩu trang và vệ sinh tay, thực hiện nghiêm quy định về giãn cách… Ngoài ra các biện pháp như bố trí lối đi riêng cho người có bệnh lý nền, người có nguy cơ cao,… cũng được triển khai thực hiện nhằm đảm bảo an toàn trước dịch bệnh nói chung và an toàn trong môi trường khám chữa bệnh nói riêng.

Dịch COVID-19 nguy hiểm và có nhiều diễn biến phức tạp, tuy nhiên các biện pháp bảo vệ, phòng và chống dịch đang được triển khai nghiêm chỉnh, quyết liệt tại các cơ sở khám chữa bệnh để đảm bảo sự an toàn, phòng tránh nguy cơ lây nhiễm ở mức cao nhất. Do đó người dân không nên quá hoang mang, lo sợ  với việc đến bệnh viện khám chữa bệnh mà vô tình gây nên sự nguy hại đến sức khỏe và tính mạng của bản thân mình.


HOÀNG NGỌC
Ý kiến của bạn