Tấm lòng thiện nguyện của một lương y

23-02-2024 14:00 | Nhịp cầu Nhân ái
google news

SKĐS - Mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, góp phần xây dựng và phát triển quê hương luôn là tâm niệm, là khát vọng của lương y Lê Phước Rồng, Phó Trưởng ban Trị sự Phật giáo huyện Phú Tân, Chủ tịch Hội Đông y xã Phú Xuân, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.

Sống tốt đời đẹp đạo

Làm việc với Hội Đông y tỉnh An Giang, ThS. Trần Quang Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Đông y Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội Đông y tỉnh An Giang cho tôi biết: "Trên địa bàn tỉnh An Giang hiện có 11 tôn giáo và 15 tổ chức được công nhận với khoảng 1,6 triệu tín đồ. Các tín đồ phát huy truyền thống tốt đẹp gắn bó đồng hành cùng dân tộc, sống tốt đời đẹp đạo và có tinh thần trách nhiệm với đất nước, với nhân dân. Với tôn chỉ hành đạo thể hiện lòng nhân ái, tình yêu thương con người, các tín đồ Phật giáo trên địa bàn tỉnh đã luôn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện - xã hội mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng, góp phần xây dựng và phát triển quê hương An Giang ngày càng giàu đẹp …".

Trong rất nhiều đơn vị và cá nhân đã đóng góp công sức, của cải, vật chất cho cộng đồng xã hội trên địa bàn tỉnh An Giang, ThS. Trần Quang Thảo cho tôi biết một tấm gương sáng – Đại đức Thích Giác Thống (lương y Lê Phước Rồng). Ông sinh năm 1959, Pháp danh Thích Giác Thống, Phó Trưởng Ban Trị sự Phật giáo huyện Phú Tân, Chủ tịch Hội Đông y xã Phú Xuân, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.

Tấm lòng thiện nguyện của một lương y- Ảnh 1.

Lương y Lê Phước Rồng đang khám bệnh cho người dân.

Lương y Lê Phước Rồng là Ủy viên Ban chấp hành Hội Đông y tỉnh An Giang khóa IV, V và VI. Hiện lương y đang phụ trách công tác khám, chữa bệnh bằng đông y cho bà con trên địa bàn xã và các vùng lân cận tại Phòng Chẩn trị Đông y xã Phú Xuân, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.

Ngoài việc dựa vào cổ phương để bào chế các loại cao đơn hoàn tán chủ trị các bệnh chứng thường gặp ở cộng đồng, các bệnh về rối loạn nội tiết phục vụ cho điều trị tại chỗ, trên 2.000m2 đất được người dân cho mượn, lương y Lê Phước Rồng và Phòng Chẩn trị còn trồng một số loại cây thuốc nam thiết yếu để sử dụng thường xuyên trong chăm sóc sức khỏe và chữa trị bệnh tật cho bà con như: Tía tô, bạc hà, kim tiền thảo, cỏ hàn the, mạn kinh tử…

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "xây dựng nền Y học Việt Nam khoa học, dân tộc và đại chúng", lương y Lê Phước Rồng luôn tâm niệm cố gắng hiện đại hóa nền Y học cổ truyền của huyện nhà bằng cách tham gia công tác giảng dạy các lớp bồi dưỡng chuyên môn Đông y châm cứu từ năm 2015 do Hội Đông y tỉnh An Giang tổ chức tại huyện Phú Tân.

Tại các lớp này, lương y Lê Phước Rồng đã truyền đạt các kiến thức, kinh nghiệm về y học cổ truyền cho các học viên. Mặt khác, lương y cũng tự tìm hiểu về những kiến thức xét nghiệm cận lâm sàng để phối kết hợp đông - tây y trong chẩn đoán và điều trị bệnh.

Bên cạnh đó ông còn tham gia các hoạt động từ thiện - an sinh xã hội, thể hiện lòng nhân ái, tình yêu thương con người như: Dựng nhà, xây cầu nông thôn, tổ chức xe đưa đón bệnh nhân, hỗ trợ gạo các tổ từ thiện nấu cơm, cháo tại các bệnh viện, sưu tầm thuốc nam, chế biến thảo dược, khám chữa bệnh từ thiện bằng đông y, tổ chức các bếp ăn từ thiện phục vụ nhân dân lao động và học sinh có hoàn cảnh khó khăn…

Tấm lòng thiện nguyện của một lương y- Ảnh 2.

Lương y Lê Phước Rồng đang tư vấn cho người bệnh tại Phòng chẩn trị Y học cổ truyền xã Phú Xuân.

Mỗi ngày được phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho bà con là một ngày sống đầy ý nghĩa

Lương y Lê Phước Rồng đã truyền lửa "thiện nguyện" cho các thầy thuốc trong Hội. Tại Phòng Chẩn trị, mọi người đều làm không công nhưng ai cũng rất vui vẻ, nhiệt tình. Ông luôn nhắc nhở các hội viên phải tận tâm, không qua loa khi chuẩn bị dược liệu làm thuốc, khi bào chế các thuốc thành phẩm để bà con nhanh khỏi bệnh.

Ông xây dựng phòng khám Đông y vừa là nơi nghiên cứu về y học cổ truyền vừa là nơi người dân đến khám chữa bệnh, tìm nguồn thuốc bảo đảm chất lượng, an toàn và hiệu quả. Tại đây, tất cả người bệnh từ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đến người có điều kiện đều được khám bệnh, phát thuốc miễn phí.

Cuộc sống của lương y rất đạm bạc, tất cả tiền bạc được bà con ủng hộ ông đều để phục vụ phòng chẩn trị. Bên cạnh chi phí thường xuyên điện nước, mua dược liệu thuốc bắc, phần còn lại ông dành cho chi phí đi lại của hội viên tại Phòng chẩn trị.

Quá trình làm các hoạt động xã hội từ thiện đã đem lại cho ông niềm vui, ý nghĩa. Ông không màng danh lợi chỉ cầu mong bà con mau khỏi bệnh tật để không còn phải khổ. Với ông, mỗi ngày được phục vụ, được chăm sóc sức khỏe cho bà con là niềm vui, là một ngày sống đầy ý nghĩa.

Tấm lòng thiện nguyện của một lương y- Ảnh 3.

Một trong rất nhiều ghi nhận của các cơ quan, đoàn thể về những đóng góp vì cộng đồng của lương y Lê Phước Rồng.

Ghi nhận những đóng góp thiết thực và to lớn của ông trong suốt thời gian từ khi ông trở thành Hội viên Hội Đông y tỉnh An Giang đến nay, Trung ương Hội Đông y Việt Nam, UBND tỉnh An Giang và Ủy ban nhân dân huyện Phú Tân và Hội Đông y tỉnh An Giang đã tặng thưởng cho ông rất nhiều bằng khen, phần thưởng cao quý.

Lương y Lê Phước Rồng đã và đang góp phần làm sáng thêm tinh thần "Phật giáo đồng hành cùng dân tộc", góp phần thực hiện thành công việc vận động toàn xã hội cùng chung tay xây dựng đất nước giàu đẹp, vững mạnh.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Cứu sống bệnh nhân bị chấn thương vỡ gan nguy kịch do tai nạn giao thông | SKĐS


ThS. BS. Nguyễn Đình Thục
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Đông y Việt Nam
Ý kiến của bạn