“Tâm linh”?

21-02-2016 21:26 | Xã hội
google news

SKĐS - Tín ngưỡng, tâm linh - di sản tinh thần của văn hóa dân gian và niềm tin tôn giáo là một phần của truyền thống không dễ bị coi nhẹ. Những năm gần đây, người đi lễ, hội nhất là vào mùa xuân ngày càng đông. Những đền chùa được tu bổ, xây dựng ngày càng nhiều, thậm chí ngày càng to rộng, hoành tráng. Thế nhưng có nghịch lý trong vấn đề này là càng lễ đông, con người càng coi thường tâm linh.

Tâm linh nghĩa là tin vào các đấng “quyền uy” và theo nó là con người phải biết “sợ” sự trừng phạt của các “đấng” để điều chỉnh hành vi của mình cho phải “đạo”.

Xưa ông bà ta đi lễ với tấm lòng thành đã có ai nghĩ “hối lộ thần linh” để mâm cao cỗ đầy, vàng mã đốt cả đống như hiện nay! Cũng chả ai nhét những tờ tiền lẻ vào khe ngón tay phật đang chìa ra như bố thí cho kẻ hành khất. Ông bà ta có cúng cũng chỉ là những món “lễ lạt lòng thành”. Tiền cũng có nhưng đó là “tiền giọt dầu” để nhà chùa, nhà đền thắp nhang nến hàng ngày.

Những năm gần đây, chùa chiền miếu mạo không còn là nơi tĩnh lặng để khách đến và suy ngẫm mà trở nên ồn ào náo nhiệt. Những hòm “công đức” được bày thêm và chính quyền sở tại với nhà chùa có hòm riêng như một hình thái kinh doanh tâm linh biến tướng. Những sư đi xe máy, dùng iPad và nói tục ngày một nhiều hơn. Và quanh các điểm lễ hội là hàng loạt thầy bói, thầy tướng, thầy địa lý, phong thủy mở “quán” như trò chơi bịt mắt bắt tương lai ngày càng nhiều. Hàng loạt người có học và bằng cấp cũng lao vào “tâm linh” với tên rất kêu là “nhà ngoại cảm” nhưng không ít kẻ làm giàu nhờ biết lợi dụng nỗi đau những gia đình liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt người thân trở về. Đến quan chức cũng không ít vị ham xì xụp khấn vái mong lên chức thêm quyền hơn là lao tâm khổ tứ cải tạo hiện tại bằng chính năng lực của mình.

Lễ là vậy, Hội cũng càng ngày mở ra thêm nhiều hơn. Thế nhưng lễ hội cha ông để lại không còn mấy ý nghĩa nguyên thủy mà đã biến tướng tối đa với khía cạnh thương mại do một số nhóm lợi ích bày đặt. Nhiều lễ hội thành “sàn môi giới” giữa người trần và thần thánh để cầu xin và hối lộ công khai. Chưa bao giờ báo chí thông tin nhiều về các chuyện cướp lộc tại các đền thờ như hiện nay khi lễ hội trước đây làm gì có việc đánh cướp nhau như vậy. Hội phát ấn Đền Trần là ngày vinh danh người có công xưa đã biến thành một cuộc tranh cướp danh lợi với các loại “thẻ” đeo như phân loại công dân mà đáng ra là bình đẳng theo tinh thần truyền thống.

Khi lễ hội “phát triển” quá mức dường như phản ánh hiện tượng thiếu tin tưởng vào đời sống thế tục, vào giá trị, lý tưởng chính trị xã hội để hy vọng vào tâm linh. Thế nhưng niềm tin không có, mưu cầu ích kỷ cá nhân tồn tại thì sự hy vọng và tâm linh bị biến dạng và méo mó. Tin vào tâm linh không có gì để bàn, nhưng lấy cái gọi là “tâm linh” nhảm nhí, lố bịch đã từng bị quẳng vào sọt rác của lịch sử văn minh thay cho lý tưởng cao đẹp vì xã hội chắc chắn chỉ là sự xuống cấp không phanh có tính hủy diệt của văn hóa.

Đã đến lúc cần báo động đỏ trước các hiện tượng tiêu cực khá phổ biến trong lễ hội hôm nay chăng? Vấn đề không hẳn là những phàn nàn và kêu gọi. Điều quan trọng hơn phải chăng bắt đầu từ các cấp chính quyền, trước hết tại các nơi có di tích văn hóa.


Lê Quý Hiền
Ý kiến của bạn