Từ bản làng ra thế giới
Đan Lai là dân tộc ít người, sinh sống chủ yếu ở khu vực miền núi phía Tây, Nghệ An. Trước đây, dân tộc này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì nghèo đói, lạc hậu và hôn nhân cận huyết.
Ngày xưa, đêm tối không một ánh đèn, dân bản lo sợ thú rừng tấn công nên quen kiểu ngủ ngồi bên bếp lửa. Hễ nghe tiếng động của con thú là tháo chạy thoát thân. Do quá sợ, có người còn trèo lên ngủ trên cành cây. Do đó người Đan Lai, còn được gọi là "tộc người ngủ ngồi".
Sau chuyện ngủ ngồi là một tập tục vô cùng lạc hậu khác. Đó là chuyện đẻ ngồi. Khi đẻ, người phụ nữ ngồi bệt xuống nền nhà, hai tay cầm chặt hai sợi dây rừng buộc chặt trên xà nhà, thả xuống. Đẻ xong, người bố bế đứa trẻ sơ sinh ra nhúng xuống suối. Sở dĩ có tập tục kì lạ đó là họ nghĩ, đứa trẻ nào chịu đựng được cái lạnh bất thường của sông suối ngay từ lúc mới sinh thì về sau sẽ rất khỏe mạnh, không sợ bệnh tật.
Giờ những chuyện này đã không còn là nhờ có cán bộ dân số, y tế và Bộ đội Biên phòng đến tuyên truyền thường xuyên. Riêng phụ nữ có thai đều được cán bộ y tế tiêm phòng, tư vấn, thăm khám thai cẩn thận. Đến ngày gần sinh thì được đưa xuống Trạm Y tế xã để sinh đẻ cho mẹ tròn, con vuông. Nhiều nhà có điều kiện còn ra Trung tâm Y tế huyện khám thai, sinh con.... Lớp trẻ dần thay đổi bản làng. Có những học sinh đã giành được huy chương quốc tế.
Nguyễn La Vi Na là học sinh đầu tiên của tộc người Đan Lai giành được tấm huy chương quốc tế. Từ nhỏ, Vi Na học tập tại các trường tiểu học và THCS trong xã. Lên lớp 4, em bắt đầu có niềm đam mê với môn Toán. Năm học lớp 5 và lớp 9, Vi Na đều tham gia kỳ thi học sinh giỏi huyện.
Do không có điều kiện đầu tư học hành nên Tiếng Anh không phải là môn lợi thế của em. Cũng bởi vậy, khi thi đầu vào Trường THPT dân tộc nội trú (DTNT) tỉnh, Na chỉ được 5 điểm Tiếng Anh còn môn Toán đạt 7,75 điểm và môn Văn 9,35 điểm.
Mới nhập học chưa đầy 1 tháng, Vi Na cùng các bạn được cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Thùy Linh trao đổi về cuộc thi Olympic Toán học Quốc tế TIMO. Đây là sân chơi lớn để các em có thể thử sức mình. "Nghe tin đó, em háo hức lắm và bắt đầu lên lịch trình ôn luyện tỉ mỉ" – Vi Na hào hứng kể.
Cuối tháng 12/2022, các học sinh bước vào kỳ thi Quốc gia và đầu tháng 4/2023 là vòng chung kết Quốc tế tổ chức tại thành phố Pataya, Thái Lan. Đây kỳ thi được tổ chức lần thứ 9 trên thế giới và lần thứ 4 tại Việt Nam. Đội tuyển Trường THPT DTNT tỉnh cũng là đại diện duy nhất của tỉnh Nghệ An tham dự kỳ thi này", cô Nguyễn Thị Thùy Linh – Giáo viên chủ nhiệm lớp 11A1, Trường THPT DTNT Nghệ An cho biết.
Ngoài giờ học trên lớp, mỗi tuần cô Linh dành ra 2 - 3 buổi cùng các bạn lên lớp ôn tập vào ban đêm. Có những đêm cô trò miệt mài luyện đề đến sáng.
Tấm huy chương đặc biệt giành cho bản làng
Cô giáo Nguyễn Thị Thùy Linh cho biết, kỳ thi diễn ra 3 vòng. Trong đó, vòng loại quốc gia gồm 25 câu hỏi trắc nghiệm, làm trong vòng 60 phút, đề bài song ngữ Anh - Việt. Vòng chung kết quốc gia gồm 25 câu hỏi dạng điền đáp án làm trong vòng 90 phút, đề bài Tiếng Anh (có phụ đề Tiếng Việt).
Vòng chung kết quốc tế gồm 30 câu hỏi dạng điền đáp án làm trong 120 phút, đề bài Tiếng Anh. Các câu hỏi trong bộ đề thuộc lĩnh vực tư duy logic, số học/đại số, lý thuyết số, hình học, tổ hợp và số lượng câu hỏi chia đều tương ứng với mỗi lĩnh vực.
Trong các nội dung thi, rất nhiều nội dung mà các em chưa học ở trường như tổ hợp xác suất, tư duy logic nên trong quá trình bồi dưỡng đội tuyển các em đều phải bắt đầu từ con số 0.
Ngoài kiến thức cơ bản là Toán, Tiếng Anh cũng là một thách thức không nhỏ. Thời gian đầu, khi mới giao bài tập cho học sinh, cô giáo Thùy Linh phải phiên âm Tiếng Việt cho các em. Sau này, để các em làm quen với các dạng toán, làm quen với những thuật ngữ riêng của môn Toán, giáo viên dạy Toán và giáo viên dạy Tiếng Anh phải phối hợp để phụ đạo thêm cho các em về Ngoại ngữ.
Trong quá trình để đi đến vòng thi cuối cùng là vòng thi quốc tế, thành viên của đội tuyển cũng phải chạy đua với thời gian vì các thành viên đều là học sinh lớp 10. Tính từ thời gian các em nhập học, tham gia đội tuyển và dự thi vòng loại chỉ kéo dài vài tháng. Trong khi đó, các em vẫn phải hoàn thành chương trình học ở trường, tham gia các kỳ thi giữa kỳ, cuối kỳ.
Đầu tháng 4/2023, cô Linh và các học trò bắt xe ra Hà Nội để bay sang Thái Lan tham gia kỳ thi Quốc tế. Đó là một hành trình dài và lần đầu tiên trải qua của tất cả các thành viên trong đoàn. Dù mệt mỏi nhưng được sự động viên của lãnh đạo nhà trường, các thầy cô và chính nỗ lực của mình, các em học sinh đã hoàn thành kỳ thi một cách tốt nhất.
Sau 2 ngày chờ đợi kết quả, giây phút ban tổ chức gọi tên Vi Na và 8 bạn trong đoàn đoạt Huy chương Bạc, 1 bạn giải Khuyến khích khiến cả đoàn đều vỡ òa. Đó là niềm tự hào không chỉ riêng cho bản thân các em, của giáo viên hướng dẫn mà còn cho nhà trường, gia đình và cả "màu cờ sắc áo" của học trò xứ Nghệ. Tất cả 10 thí sinh tham gia đạt giải đều là học sinh của lớp 10A1 (nay là lớp 11A1).
"Kết quả đối với em là điều khá bất ngờ, là phần thưởng mà em muốn dành cho bố mẹ - người luôn động viên, an ủi em trong học tập. Dành cho cô giáo chủ nhiệm người luôn dìu dắt em và dành cho bản làng – nơi cuộc sống đang còn rất khó khăn. Em hy vọng, tấm huy chương sẽ là động lực để em càng cố gắng cũng như nỗ lực để cho mọi người thấy người Đan Lai đã dần thay đổi và đi ra thế giới bên ngoài" – Nguyễn La Vi Na vui nói.
Kỳ thi Olympic Toán học quốc tế TIMO (Thailand International Mathematical Olympiad) được tổ chức hàng năm bởi Trung tâm Giáo dục Vô địch Olympiad Hong Kong (Olympiad Champion Education Centre from Hong Kong) hợp tác cùng Tổ chức Du lịch Thái Lan (Tourism Authority of Thailand).
Đây là sân chơi trí tuệ bổ ích dành cho các học sinh yêu thích và đam mê Toán học các khối lớp từ mầm non đến trung học phổ thông, nhằm kích thích và nuôi dưỡng niềm yêu thích Toán học của giới trẻ, tăng cường khả năng tư duy sáng tạo của học sinh, đồng thời mở rộng mối quan hệ giao lưu văn hóa quốc tế.
Năm học 2022 – 2023, kỳ thi TIMO được tổ chức lần thứ 9 trên thế giới và tổ chức lần thứ 4 tại Việt Nam. Vòng chung kết của cuộc thi vừa được tổ chức tại thành phố Pataya của Thái Lan và Đội tuyển Trường THPT DTNT tỉnh là đại diện duy nhất của tỉnh Nghệ An tham dự kỳ thi. 9 học sinh của trường đoạt Huy chương. Trong đó, em Lương Quốc Hoàng, Nguyễn Lê Bảo Châu, Phan Đăng Phú, Lê Thị Trúc Quỳnh, Vi Trí Khoa, Nguyễn Huy Hoàng, Lương Thị Thúy Mai, Nguyễn La Vi Na, Vi Lương Mai đạt Huy chương bạc. Học sinh đạt giải Khuyến khích là em Bùi Minh Đức.
5 món cháo dinh dưỡng ngon bổ rẻ, càng ăn bệnh tật càng tránh xa | SKĐS