Bà Nguyễn Tuyết Minh sinh năm 1938. Tốt nghiệp khoa ngữ văn trường Đại học Sư phạm Lê Nin ở Moscow. Bà từng làm Phó Chủ nhiệm khoa Tiếng Nga, phụ trách chuyên môn, trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ. Từng tham gia công trình hợp tác giữa Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp của VN với Bộ Đại học Nga về việc biên soạn bộ giáo trình tiếng Nga. Năm 1986, bà được mời tham gia làm bộ Đại từ điển Việt Nga. Là công trình hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (nay là Viện Hàn Lâm Khoa học Liên bang Nga) và Uỷ ban Khoa học Xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN).
Đã nghe danh bà là con gái một gia đình đại Cách Mạng?
Bố tôi là tướng Nguyễn Chánh, nguyên Chính uỷ kiêm tư lệnh liên khu V trong kháng chiến chống Pháp, người trực tiếp chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên giải phóng Kon Tum năm 1954... Chiến thắng này cùng với thắng lợi trong trận Điện Biên Phủ chính là những nguyên tố quyết định buộc Pháp phải đầu hàng trong chiến tranh Đông Dương và rút khỏi Việt Nam. Ông là vị tướng văn võ song toàn đã ra đi ở tuổi 43, lúc đó đang là Phó Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN và là Chủ nhiệm Tổng cục Cán bộ QĐNDVN. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhắc đến tướng Nguyễn Chánh trong hồi ký của mình: "Anh qua đời, quân đội mất đi một vị tướng tài năng, tôi mất đi một người bạn chí thiết ". Mẹ là Phạm Thị Trinh, lão thành Cách Mạng năm nay được 100 tuổi đời, 83 tuổi Đảng. Từng làm Hội trưởng Phụ nữ khu V, uỷ viên tỉnh uỷ Quảng Ngãi... đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập Hạng nhất và nhiều huân chương cao quí khác.
Tình người Cách Mạng sâu nặng lắm!
Đúng vậy! 6 tuổi, tôi theo bà ngoại vào nhà lao Quảng Ngãi thăm mẹ. Hồi đó bố tôi bị đi đày biệt xứ. Mẹ tôi bị bắt lần hai. Vào đó rồi, tôi ôm chặt lấy mẹ nhất định không về. Mẹ tôi lúc đó cũng vì quá nhớ con nên quyết định đấu tranh với bọn cai ngục cho tôi ở lại. Thế là khoảng sáu tháng trời, tôi được biết thế nào là cảnh đày đoạ, thế nào là đấu tranh Cách Mạng trong tù... Cho tới ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Ngày 11/3 nổ ra cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, các tù nhân trong nhà lao được trở về nhà. Món quà cho ngày ra tù của tôi là một chiếc xe kéo bằng lụa màu và một con chim bằng lạt rất đẹp do các chú trong tù làm cho. Hai món quà đó tôi cứ giữ mãi. Cho đến bây giờ, những người bạn tù Cách Mạng ấy vẫn đi lại, thăm nom, hỏi han nhau rất thân thiết.
Năm 14 tuổi, tôi đi bộ từ Nam ra chiến khu Việt Bắc, sau đó sang Quế Lâm, Trung Quốc. 16 tuổi, tôi là 1 trong 100 người vinh dự được Bác Hồ cử sang Liên Xô học để sau về nước làm phiên dịch và dạy học.
![]() |
Bà có thể nói vì sao bà yêu công việc làm giáo trình và từ điển đến thế ? Thời gian thì dài mà mức thù lao thì ngắn?
Cái để mình bền bỉ được vì mình làm nghề dậy học. Muốn học tốt phải có học liệu mà học liệu chính là sách giáo khoa và từ điển. Tôi xác định cả đời đi theo tiếng Nga nên cũng muốn con cháu tiếp tục sự nghiệp. Tôi cho con gái theo mẹ sang Liên Xô học từ lớp 1 đến hết phổ thông. Hiện là trưởng phòng đối tác và truyền thông của Khoa Quốc tế ĐHQGHN, đồng thời phụ trách phòng đọc Thế giới Nga. Vừa làm vừa học , cháu đã bảo vệ xong luận án tiến sĩ chuyên ngành tiếng Nga. Tôi theo đuổi công việc này cũng vì muốn trả ơn nước Nga đã cho tôi nên người. Nước Việt cho tôi cuộc sống. Nước Nga cho tôi học vấn. Chính vì những lý do đó, làm được gì là tôi làm hết lòng ! Mặc dù, với 50 USD một tháng ở Nga thực sự không đủ sống. Tôi phải làm thêm những công việc khác như dịch thuật... để kiếm thêm. Cuộc sống ở Nga những năm đó tuy vất vả, thiếu thốn nhưng tôi vẫn quyết một lòng theo nghĩa lớn.
Cuốn "Tuổi 17" từ những năm 70 đã được đông đảo người yêu văn học Nga đón đợi. Bà đã dịch rất thành công cuốn tiểu thuyết này!
Khi đọc "Tuổi 17" bằng tiếng Nga tôi đã rất thích. Năm 1970 về nước thấy cuốn sách vẫn chưa có bản tiếng Việt, tôi quyết tâm bắt tay vào dịch. Trong trường, cứ đêm đêm, tôi chong đèn kê va li lên giường. Tôi dịch rất nhanh. Một phần để chứng tỏ tuy ở Nga nhiều năm nhưng vốn tiếng Việt của mình vẫn phong phú. Cuốn "Tuổi 17" đã được bầu là cuốn sách dịch hay nhất năm đó. Tới giờ cuốn sách đã được tái bản 7 lần. Mỗi lần tái bản, tôi lại được nhận một khoản tiền. Hồi mới giải phóng, nhuận bút cuốn đó tôi còn mua được cả xe máy (bà cười rất vui vẻ). Tôi cũng đã dịch một vài cuốn sách nữa cũng về đề tài giáo dục.
Tư tưởng Makarenko đã ngấm sâu trong tư duy giáo dục của những nhà giáo chân chính!
Đúng vậy. Tấm gương người thầy là cách giáo dục tốt nhất. Hơn tất cả mọi giáo điều. Đó là điểm cơ bản trong tư tưởng Makarenko. Ngẫm lại ở một chừng mực nào đó tôi đã thực hiện được điều này trong cuộc đời mình. Nhờ thế tôi đã không đánh mất mình, không làm những điều ngược với đạo lý. Chính vì cái tư tưởng giáo dục này mà bao năm qua dù làm quản lý, tới giờ vẫn là chủ nhiệm khoa tiếng Nga, Khoa Quốc tế, ĐHQGHN, và những năm bên Nga rất dễ "làm ăn", nhưng tới giờ phút này tôi vẫn nói chuyện với các học sinh cũ của mình, tôi chưa bao giờ phải xấu hổ.
Tóm lại, cả đời tôi những gì tôi làm đều xoay quanh đề tài giáo dục. Bây giờ ở tuổi 75, tôi vẫn đi dậy. Cái vui nhất trong đời dậy học là mỗi năm cứ đến ngày nhà giáo, học sinh cũ, ngay từ những khoá đầu tiên, giờ đa số đã về hưu vẫn luôn nhớ đến cô giáo. Chính tấm lòng của họ khiến tôi có thể khẳng định, tôi đã thực hiện đầy đủ, trọn vẹn vai trò của một người thầy có tấm lòng.
Học sinh của bà rất nhiều người đã được nhận danh hiệu nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân. Vậy mà bà sau bao năm cống hiến...?
Với tôi, cái từ Nhà Giáo đã nói lên đủ nhân cách của người thầy rồi. Làm một nhà giáo theo đúng và đủ nghĩa của nó đã là rất khó. Còn từ Ưu tú với Nhân dân đi cùng theo quan điểm của tôi không quan trọng, chỉ là chuyện trang điểm thêm.
Bà cũng chưa mang danh xưng Giáo sư?!
Vì để có được danh xưng đó, tôi phải viết đơn trình bày và thu thập tài liệu. Tôi rất ngại những việc đó. Hơn nữa nếu so với những giáo sư dậy tôi bên Nga mà tôi biết thì tôi tự thấy tôi được nhận danh xưng Phó Giáo sư đã xứng đáng rồi. Trong quá trình làm Từ điển, tôi đã viết sách, phát triển luận án Phó tiến sĩ của mình thành một chuyên khảo đối chiếu tiếng Nga tiếng Việt và được Hội đồng Khoa học của Viện Ngôn ngữ Viện Hàn lâm Khoa học Nga đề nghị bảo vệ thành Luận án Tiến sĩ Khoa học và sau đó chính Viện này đã giới thiệu tôi với Viện Hàn lâm Khoa học Tự nhiên Nga bầu tôi là Viện sĩ Nước ngoài của Viện Hàn lâm Khoa học Tự nhiên Nga, Ban Từ điển học và Bách khoa thư năm 2000. Năm 2012, tôi cùng ê kíp của mình đã hoàn thiện bộ Đại Từ điển Nga Việt. Đây là một từ điển song ngữ kiểu mới theo những yêu cầu của từ điển thế giới hiện đại. Một mặt mang tính chất hàn lâm khoa học, mặt khác có tính thực hành tích cực, phục vụ tra cứu tham khảo kiến thức và dậy học. Với tôi đó đã là một điều rất đáng hãnh diện. Mà (bà cười)... những danh vị cao quí đó cũng phải dành cho người khác nữa chứ. Với tôi, nó chỉ làm dài và oai thêm bài điếu văn về sau cho mình. Mới đây, có một học sinh đi Nha Trang về đã tặng tôi một bức tranh bằng cát và một bức thư. Lá thư đó có đoạn thế này: " Khi nhìn thấy người nghệ nhân - là tác giả của bức tranh cát em đã nghĩ ngay đến cô. Những nghệ nhân lớn tuổi ấy đang tỉ mẩn với tác phẩm của mình. Hình ảnh đó làm em nhớ lại những ngày đầu khi em được gặp, được học, được nghe cô kể chuyện ...Em cám ơn số phận đã cho em được gặp cô !!!...". Đó mới là món quà quí giá nhất mà bất cứ một nhà giáo chân chính nào cũng mong có!
Tuyết Lan (thực hiện)