Thêm một vụ hành hung phóng viên vừa xảy ra tại huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Theo đó, trong quá trình nhập vai điều tra và sử dụng máy quay phim nhỏ để ghi hình, 2 phóng viên của chương trình Chuyển động 24h (VTV) đã bị con trai gia chủ phát hiện và rút dao chém gây thương tích.
Chém phóng viên rồi đập nát máy quay
Liên quan đến vụ việc này, thông tin từ Công an huyện Đại Từ cho biết, cơ quan này nhận được trình báo của anh Trịnh Lưu Tuấn, 37 tuổi và anh Phùng Văn Định, 32 tuổi, cùng công tác tại Trung tâm tin tức VTV 24 Đài Truyền hình Việt Nam) về việc bị hành hung trong lúc tác nghiệp. Cụ thể, chiều 8/5 anh Tuấn và anh Định đóng vai người mua chè đến nhà ông Nguyễn Anh M. (thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ) thực hiện phóng sự điều tra theo sự phân công, chỉ đạo của cơ quan. Anh Tuấn sử dụng máy quay lén giấu trong vỏ bao thuốc lá để ghi lại hình ảnh đánh mốc chè của nhà ông M...
Cơ quan điều tra tiến hành xác minh làm rõ vụ 2 phóng viên VTV 24 bị chém trong lúc tác nghiệp.
Trong lúc đang quay thì anh Nguyễn Duy Tùng (con trai ông M.) ngồi gần đó phát hiện và yêu cầu anh Tuấn bỏ máy quay ra nhưng anh Tuấn không đồng ý. Anh Tùng đã cầm dao chém vào cánh tay trái anh Tuấn. Trước thái độ côn đồ của Tùng, hai phóng viên của Trung tâm tin tức VTV 24 đã vứt máy quay lại nhà ông M. và chạy đến Công an huyện Đại Từ trình báo. Anh Tuấn được đưa vào bệnh viện cấp cứu, các bác sĩ khâu 4 mũi tại vị trí bị chém bên cánh tay trái.
Công an huyện Đại Từ cho biết, sau khi chém phóng viên của Đài Truyền hình Việt Nam, anh Tùng đã đến công an địa phương tự thú. Theo lời khai ban đầu, anh Tùng không biết hai người đến nhà mình quay lén là phóng viên. Khi anh Tuấn vứt máy lại và bỏ đi, Tùng đã đập vỡ máy quay. Công an huyện Đại Từ đang tạm giữ anh Tùng để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.
Tại thời điểm đến cơ quan công an trình báo, cả anh Tuấn và anh Định đều không xuất trình được giấy tờ chứng minh là phóng viên. Đến chiều tối 8/5, hai người này mới xuất trình thẻ ra vào của Đài Truyền hình Việt Nam ghi anh Tuấn là phóng viên, anh Định là quay phim. Sáng 9/5, qua email, Công an huyện Đại Từ tiếp tục nhận được giấy giới thiệu của Trung tâm tin tức VTV 24 Đài Truyền hình Việt Nam cử anh Tuấn và anh Định đến UBND huyện Đại Từ liên hệ công tác.
Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ xô xát gây thương tích, ông Nhữ Văn Tâm, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, đã nhận được báo cáo từ các cơ quan chức năng của huyện Đại Từ về vụ việc. UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND, Công an huyện Đại Từ chăm sóc sức khỏe cho người bị chém và điều tra xử lý nghiêm vụ việc.
Hành hung nhà báo phải bị xử lý thật nghiêm
Đưa ra quan điểm của mình về vụ việc, luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng Văn phòng Luật sư Toàn Cầu, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhận định, phóng viên có quyền tác nghiệp theo quy định của Luật Báo chí và các quy định khác của pháp luật. Việc điều tra phóng sự là bình thường và có nhiều ý nghĩa trong công tác đấu tranh chống sai phạm của các chủ thể khác trong xã hội, bảo vệ người tiêu dùng. Việc nhập vai bất kỳ để điều tra làm rõ sự thật của vụ án là không trái pháp luật, rất tích cực và cần được ủng hộ. Còn hành vi chém người thì dù người đó là ai cũng đều bị xử lý theo quy định của pháp luật, nếu kết quả giám định thương tật đủ căn cứ khởi tố hình sự thì vẫn bị xử lý bình thường.
Liên quan đến thực trạng số vụ hành hung phóng viên, nhà báo liên tiếp xảy ra và có xu hướng ngày càng gia tăng, Luật sư Nguyễn Phú Thắng - Giám đốc Công ty Luật INTERCOT (Hà Nội) cho biết, pháp luật hiện hành đã có những quy định để bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhà báo. Tuy nhiên, những luật này lại là những điều luật áp dụng chung cho toàn dân mà còn thiếu những quy định cụ thể đối với đối tượng đặc thù như người làm báo. Những cán bộ công chức hoặc một số lực lượng chức năng được trang bị cả công cụ hỗ trợ, khi làm nhiệm vụ mà bị chống đối đã có thể bị xử lý về tội “Chống người thi hành công vụ”. Trong khi đó, nhà báo hoạt động tại những điểm nóng, xông pha vào những đề tài nguy hiểm không hề có công cụ hỗ trợ, khi bị hành hung hoặc đập phá thiết bị tác nghiệp, chỉ được xử lý vụ việc như một công dân bình thường vì chưa có chế tài quy định hoạt động công vụ của nhà báo.
Với những bài báo của mình, phóng viên, nhà báo có thể cảnh báo thay đổi nhận thức hoặc ngăn chặn một nguy cơ nào đó từ việc phanh phui những tiêu cực. Thiết nghĩ, cần có hành lang pháp lý đầy đủ, chắc chắn hơn nhằm thực thi sự bảo hộ của pháp luật đối với hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật của các nhà báo; đồng thời, tạo thuận lợi để báo chí tham gia chống tiêu cực.