Tam giác mạch làm thuốc

09-12-2019 06:21 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Tam giác mạch có nguồn gốc từ vùng Viễn đông, Liên bang Nga, di thực vào Việt Nam và được trồng nhiều ở Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên để làm lương thực phụ và chăn nuôi.

Từ tháng 10 - 12, hoa tam giác mạch nở rộ khắp hai bên sườn núi, thu hút đông đảo du khách. Tam giác mạch được thu hái vào thu đông hay đông xuân, lúc cây mới ra hoa hoặc lấy hạt. Toàn cây chứa glucosid, chủ yếu là rutosid, nhiều nhất ở lá, ở thân. Ngoài ra còn có quercetin, hyperin, acid protocatechic, epicatechic, squalene, õ- tocopherol... Hạt có chứa acid phytic và các aflatoxin. Rễ chứa oxymethyl anthraquinon.

Tam giác mạch

Tam giác mạch rất giàu dinh dưỡng: 100g bột cho 343 calo; có 3,4g lipid; 13g protein; 72g cacbohydrat; 10g chất xơ; 1mg natri, 460mg kali, 18mg canxi, 2,2mg sắt, 231mg magie, 0,2mg vitamin B6...

Theo Đông y, tam giác mạch vị chát, hơi ngọt, tính bình; vào các kinh tỳ, vị và đại tràng. Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi thấp, tiêu thũng (khai vị, hạ khí, tiêu tích). Lá và phần non dùng làm thực phẩm. Bột lá khô làm phẩm màu tự nhiên, là chất bảo vệ da ngăn ngừa ung thư da do có tác dụng chống ôxy hóa và hấp thụ tối đa ánh nắng trên da. Chất rutosid tác dụng giống vitamin P làm tăng độ chịu đựng và giảm độ thấm của mao mạch, có tác dụng lợi tiểu.

Tam giác mạch có nhiều công dụng: bột để ăn, nấu cháo, làm bánh, là nguồn lương thực quan trọng với đồng bào miền núi. Quả và lá làm thức ăn chăn nuôi gia súc. Chất rutosid thường dùng phòng vữa xơ động mạch, tăng huyết áp (viêm võng mạc, ban xuất huyết); viêm da do tia Rơnghen, rối loạn tuần hoàn tĩnh mạch. Một số nơi dùng lá nấu canh ăn dễ tiêu và làm sáng mắt, thính tai. Bột hạt dùng như chất làm mềm và tan sưng; làm thuốc kiện vị, thu liễm, chống đổ mồ hôi. Tam giác mạch là thực phẩm lý tưởng cho người tăng huyết áp, mỡ máu cao và đái tháo đường vì có tác dụng 3 hạ (hạ huyết áp, hạ đường huyết và hạ mỡ máu).

Chú ý: Không dùng hạt và sản phẩm từ hạt tam giác mạch có dấu hiệu bị nấm mốc.


BS. Phương Thảo
Ý kiến của bạn