Mới đây, vụ việc một nữ sinh lớp 8 đánh nữ sinh lớp 6 rách mặt, chảy máu tại Trường THCS Kiến Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội) đã gây xôn xao dư luận. Sau vụ việc, hình thức kỷ luật được đưa ra đối với học sinh này là tạm dừng việc học ở trường 6 ngày. Cùng đó, nữ sinh này bị xếp loại rèn luyện Chưa đạt.
Không riêng gì vụ việc học sinh đánh nhau xảy ra tại Trường THCS Kiến Hưng này mà nhiều vụ việc bạo lực học đường xảy ra trước đây, đa số các nhà trường đều đưa ra cách giải quyết đó là tạm đình chỉ học có thời hạn với học sinh vi phạm.
Đình chỉ học, tạm dừng đến trường liệu có hiệu quả?
Liên quan vấn đề trên, chia sẻ với PV báo Sức khoẻ và Đời sống, cô Hà Thuỷ - giáo viên dạy Văn cấp THCS ở Hà Nội cho rằng, kỷ luật học sinh bằng hình thức tạm dừng việc học để học sinh nghỉ học ở nhà là không hiệu quả và chưa phù hợp.
Theo cô Thuỷ, việc đình chỉ học các em dù ngắn hay dài ngày thì cũng gây thiệt thòi cho các em. Những buổi không được học, học sinh sẽ mất bài, hổng kiến thức, sau đó rất khó bù bài. Những học sinh thường xuyên vi phạm vốn học lực đã yếu, do phải nghỉ học nhiều thì lực học lại càng yếu hơn. Khi đã đuối kiến thức, không nắm được kiến thức cũ thì sẽ không thể nạp thêm kiến thức mới. Và như thế mỗi ngày, lực học sẽ đi xuống nhiều hơn rồi sinh ra chán nản. Chưa kể, trong những ngày các em bị đình chỉ học mà gia đình không có ai quản lý thì cũng không an toàn.
"Để đảm bảo nội quy của lớp, của trường thì kỷ luật học sinh vi phạm là điều cần thiết. Tuy nhiên, áp dụng hình thức kỷ luật thế nào để học sinh từ bỏ được hành vi xấu, hướng đến những hành vi chuẩn mực hơn mới cần đến môi trường giáo dục. Tôi cho rằng, hình thức kỷ luật đối với học sinh vi phạm là các em không được ở nhà mà phải đến trường và ngồi trong phòng giám thị tự học có giám sát, đồng thời các em phải viết bản kiểm điểm cá nhân mỗi ngày và hứa không tái phạm.
Ngoài ra, những học sinh vi phạm còn phải chịu hình thức phạt bằng lao động tuỳ mức độ phù hợp và đủ sức răn đe như vệ sinh trường lớp, chăm sóc cây, xếp lại sách trong thư viện… Điều đó sẽ giúp học sinh nhận ra được những vi phạm của mình là đáng trách và tự nguyện sửa đổi, đó chính là giáo dục đã thành công".
Theo quan điểm của TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, học sinh bậc THCS là lứa tuổi tâm lý có nhiều biến động. Các em thường có những hành động bộc phát. Vì thế, không tránh khỏi những xích mích xảy ra trong phạm vi trường học.
TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, kỷ luật học sinh bằng hình thức tạm dừng việc học chỉ là bước đầu để học sinh chịu trách nhiệm về hành vi của mình còn việc giáo dục học sinh tốt hơn mới là biện pháp quan trọng, cần phải làm. "Với những học sinh phạm lỗi, mục tiêu chính không phải là kỷ luật các em mà là giáo dục cho học sinh nhận thức những sai lầm để từ đó sửa chữa. Giáo viên chủ nhiệm cần tìm hiểu xem hành vi bạo lực học đường của học sinh đã diễn ra nhiều lần hay chưa.
Nếu nhiều lần, nhà trường, giáo viên cần phối hợp với gia đình đưa ra cách giáo dục khác, quan tâm tới học sinh hơn chứ không chỉ kỷ luật là xong. Trong thời gian tạm dừng việc học, nhà trường không thể thả nổi học sinh mà cần giao cho học sinh thực hiện một số hoạt động hoặc có hình thức giáo dục để các em chuộc lỗi như đến chăm sóc bạn bị đánh để từ đó hình thành cho các em tính cách tốt, suy nghĩ tốt".
Còn PGS.TS Trần Thị Minh Hằng - giảng viên cao cấp Học viện Quản lý giáo dục cho rằng, việc một số trường ra quyết định kỷ luật học sinh vi phạm bằng hình thức tạm ngừng học là chưa mang tính tích cực. Bởi, một trong các phương pháp giáo dục học sinh là kỷ luật tích cực. Đối với học sinh dù vi phạm, thầy cô phải định hướng nhận thức để các em thay đổi hành vi của mình. Những học sinh vi phạm phải tăng cường gặp gỡ, trao đổi và kết hợp giữa các lực lượng nhằm giáo dục các em. Học sinh phải nhận thức được cái gì sai, cái gì đúng để biết thay đổi chính mình, từ đó hàn gắn các quan hệ đó một cách tốt nhất.
Thay vì tạm ngừng học có thời hạn với học sinh vi phạm thì các trường cần tiếp tục cho các em đi học. Đồng thời, lực lượng tâm lý học đường cùng giáo viên chủ nhiệm, Đoàn thanh niên, giáo viên bộ môn cần tích cực tuyên truyền, tư vấn cho học sinh. Nếu ta đẩy các em ra ngoài nhà trường thì ai sẽ giáo dục các em thay nhà trường. "Cần có các hình thức linh hoạt khi xử lý học sinh vi phạm. Việc tạm ngừng học có thời hạn với các em đôi khi sẽ phản tác dụng, các em sẽ thể hiện thái độ bất cần mà không nhận thức được những việc mình đã làm là sai thì còn nguy hiểm hơn", PGS.TS Trần Thị Minh Hằng nêu quan điểm.
Khi nào thì xử lý kỷ luật học sinh?
Căn cứ Điều 22 Luật Giáo dục 2019 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong trường học, cụ thể: Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, người lao động của cơ sở giáo dục và người học; Xuyên tạc nội dung giáo dục; Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh; Hút thuốc; uống rượu, bia; gây rối an ninh, trật tự; Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền. Lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật.
Hình thức xử lý kỷ luật?
Căn cứ khoản 2 Điều 38 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định về các hình thức xử lý kỷ luật học sinh như sau: Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm; Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ GD&ĐT.