Vẻn vẹn một tháng sau khi công bố quyết định thành lập Nhà hát Kịch Quốc gia Việt Nam, chiều qua (8/5), cuộc họp của đại diện Bộ VH,TT&DL và toàn bộ nghệ sĩ thuộc Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ đưa ra kết luận: tạm dừng việc thành lập “siêu nhà hát” này. Trước đó, trong phần lấy ý kiến nội bộ, 100% cán bộ, nghệ sĩ của hai nhà hát không tán thành việc sáp nhập vào thời điểm này dưới một cái tên chung.
![]() Trong khi việc sáp nhập đang tạm dừng, NHTT vẫn tổ chức công diễn một số chương trình dành cho thiếu nhi. |
Điều đáng nói là suốt một tháng từ khi sáp nhập, các nghệ sĩ gạo cội của Nhà hát Tuổi trẻ (NHTT) vẫn chưa hề được đọc bản đề án sáp nhập 2 nhà hát (để thành lập NHKQGVN). Như lời NSƯT Anh Tú, tới khi được cầm bản đề án trong buổi họp ngày 8/5, các nghệ sĩ mới “ngã ngửa người” và tiếp tục bức xúc.
“Đề án không ghi tên tác giả, mà cứ thế được Ban giám đốc Nhà hát đưa thẳng lên Bộ. Và tôi nói thật đó là một sản phẩm ấu trĩ và yếu kém kinh khủng, được thực hiện bởi một người thiếu trình độ và hiểu biết tối thiểu”- Anh Tú nói- “Và, việc các cấp lãnh đạo tin và phê duyệt một bản đề án như vậy là quá quan liêu”. Theo lời Anh Tú, ngay trong phần nói về 2 nhà hát trước khi sáp nhập, bản đề án đã có những đoạn: “NHTT hiện có diễn viên tuổi đời còn trẻ, thiếu kinh nghiệm biểu diễn, chưa đủ sức làm những vở diễn lớn mang tầm quốc tế”. NSƯT này bực bội: “Nói như vậy, khác nào sổ toẹt nhữngVũ Như Tô, Macbeth, Rừng trúc... mà chúng tôi từng dàn dựng và mang về hàng loạt giải thưởng trong, ngoài nước”.
Trước các ý kiến về việc sáp nhập 2 nhà hát dựa trên một bản đề án mơ hồ như vậy là không hợp lý vào thời điểm này, ông Nguyễn Phúc Thảnh (Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ VH,TT&DL) cho biết: “Khi làm việc với chúng tôi, lãnh đạo Nhà hát lại nói rằng lẽ ra Bộ phải thúc đẩy việc thành lập NHKQGVN từ nhiều năm trước. Chuyện thời điểm sáp nhập là do đề đạt từ phía dưới, chứ không phải đến một cách... tự dưng. Thực lòng, Bộ quá tin anh Hùng, người có thâm niên lâu năm, tâm huyết với sân khấu và lại đang là giám đốc 2 nhà hát”.
Về quan điểm sáp nhập để... tránh xã hội hóa mà NSND Lê Hùng từng nhắc tới, ông Thảnh cho biết: “NHKQGVN được thành lập với mục đích phát triển kịch nghệ của cả nước và tạo điều kiện để được Nhà nước đầu tư tốt hơn. Vấn đề xã hội hóa không phải là lí do để sáp nhập 2 nhà hát, bởi dù thế nào, Bộ VH, TT&DL vẫn luôn có trách nhiệm và quan tâm tới các nghệ sĩ”.
* NHKQGVN cần một đề án khả thi
Theo kết luận của Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn tại cuộc họp chiều qua, các cơ quan chức năng của Bộ VH,TT&DL đã tiến hành đúng quy trình và thẩm quyền trong việc sáp nhập 2 nhà hát. Tuy nhiên, cách tiến hành việc sáp nhập này vẫn chưa toàn diện và thiếu lắng nghe ý kiến trực tiếp của các nghệ sĩ. “Vấn đề ở đây là trách nhiệm chung của tất cả chúng ta. Bộ có phần quá tin giám đốc Lê Hùng, còn các nghệ sĩ của nhà hát cũng không cương quyết đấu tranh” – Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn nói.
Theo yêu cầu của Thứ trưởng Tuấn, trước mắt, Ban Giám đốc NHKQGVN cần dừng lại toàn bộ công việc đang tiến hành về tổ chức, về bổ nhiệm, củng cố hoặc giải thể, dừng hoạt động của các tổ chức. Đồng thời, một tổ công tác sẽ được thành lập với trách nhiệm xây dựng đề án hoạt động NHKQGVN một cách đẩy đủ, công khai, minh bạch để đảm bảo tính khả thi.
“Tiêu chí ban đầu thành lập NHKQGVN là rất tốt. Đây là ước mơ rất lớn của nhiều thế hệ nghệ sĩ nếu chúng ta làm theo đúng quy trình, dân chủ công khai minh bạch và thời điểm chọn phù hợp” - Thứ trưởng Tuấn khẳng định - “Bây giờ NH Kịch VN, NHTT vẫn hoạt động như vậy, đơn vị nào vẫn giữ nguyên đơn vị ấy. Sau khi có đề án được duyệt nghiêm chỉnh, chúng ta sẽ bàn tới. Và tôi đảm bảo tất cả các nghệ sĩ đều được tham gia đề án”.
|