Hà Nội

Tạm dừng sáp nhập tên gọi quê hương bà Chúa thơ Nôm

26-05-2024 08:24 | Thời sự

SKĐS - UBND tỉnh Nghệ An đồng ý tạm dừng sáp nhập xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu do chưa thống nhất được tên gọi, sau khi tên xã Đôi Hậu được đề xuất gây ra nhiều tranh cãi.

Ông Nguyễn Viết Hưng, Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An cho biết, dựa trên báo cáo của huyện Quỳnh Lưu vì chưa lấy ý kiến cử tri, chưa thống nhất được tên gọi của đơn vị hành chính mới nên đề xuất với UBND thông qua chưa tiến hành sắp xếp hai đơn vị này trong giai đoạn 2023 - 2025.

Theo kế hoạch, huyện Quỳnh lưu sẽ có 17 xã sáp nhập thành 8 đơn vị hành chính mới. Trước đó, ngày 22/5, HĐND huyện Quỳnh Lưu tổ chức kỳ họp để thông qua nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.

Tạm dừng sáp nhập tên gọi quê hương bà Chúa thơ Nôm- Ảnh 1.

Quỳnh Đôi là địa danh nổi tiếng về học hành và khoa bảng ở Nghệ An.

Tại kỳ họp này, các đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu giai đoạn 2023 - 2025 với tỷ lệ tán thành 100%.

Tuy nhiên, do còn vướng mắc về tên xã sau sáp nhập nên huyện Quỳnh Lưu tổ chức lấy ý kiến cử tri của 15/17 xã sáp nhập, riêng 2 xã Quỳnh Đôi Quỳnh Hậu chưa thực hiện được việc lấy ý kiến của người dân.

Cũng tại phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh Nghệ An ngày 24/5, lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh đã báo cáo UBND tỉnh đề xuất chưa tiến hành sáp nhập xã này trong giai đoạn 2023 - 2025 vì chưa thống nhất được tên gọi của xã.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cũng cho biết, thời gian qua, tại một số địa phương, việc đặt tên xã mới gây ra không ít tranh cãi, băn khoăn. Dựa trên cơ sở nghiên cứu và yếu tố văn hóa, lịch sử để đặt tên mới cho đơn vị hành chính sau sáp nhập cần nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân, đặc biệt là hai xã Quỳnh Hậu và Quỳnh Đôi khi tiến hành sáp nhập đơn vị hành chính.

Vì vậy, UBND tỉnh thống nhất tán thành với đề xuất của Sở Nội vụ trước mắt chưa tiến hành sắp xếp hai xã Quỳnh Hậu và Quỳnh Đôi của huyện Quỳnh Lưu trong giai đoạn 2023 - 2025.

Tạm dừng sáp nhập tên gọi quê hương bà Chúa thơ Nôm- Ảnh 2.

Quỳnh Đôi Đây là quê hương của nhiều danh nhân, nhân sỹ yêu nước nổi tiếng như bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương.

Như báo Sức khỏe & Đời sống đã thông tin, ngày 9/4, UBND huyện Quỳnh Lưu có tờ trình gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An về tên xã sau sáp nhập. Theo đó, hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu sau sáp nhập sẽ thành xã Đôi Hậu.

Ngay sau đó, tên gọi xã Đôi Hậu đã gây tranh cãi gay gắt, nhiều người bày tỏ tiếc nuối khi tên xã Quỳnh Đôi, địa danh nổi tiếng về học hành và khoa bảng bị xóa sổ.

Quỳnh Đôi là tên làng, cũng chính là tên xã, gắn với biểu tượng về làng khoa bảng nổi tiếng của Nghệ An. Đây cũng là quê hương của nhiều danh nhân, nhân sỹ yêu nước nổi tiếng như bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, danh nhân lịch sử Hồ Phi Tích, nhà cách mạng tiền bối Hồ Tùng Mậu, anh hùng lực lượng vũ trang Cù Chính Lan...

Trong khi cử tri Quỳnh Đôi mong muốn giữ lại tên xã thì nhân dân Quỳnh Hậu cũng có mong muốn tương tự. Nhiều ý kiến không đồng tình với việc đặt tên theo kiểu "ghép chữ" cơ học này.

UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu huyện Quỳnh Lưu làm lại tờ trình. Sau khi lấy ý kiến lãnh đạo các xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu, hai xã này thống nhất đổi thành tên xã Quỳnh An.

UBND huyện Quỳnh Lưu đã làm lại tờ trình đổi tên xã như ý kiến của hai xã. Tuy nhiên, phương án này vẫn chưa được duyệt vì chưa thông qua bước thăm dò ý kiến người dân.

Theo kế hoạch của Ban chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Nghệ An, HĐND cấp huyện phải hoàn thành phiên họp bỏ phiếu thống nhất về đề án sắp xếp đơn vị hành chính trong tháng 5.

HĐND tỉnh sẽ tổ chức kỳ họp thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2023-2025 trước ngày 10/6. Trên cơ sở đó hoàn thiện đề án trình Chính phủ trước ngày 15/6 để thẩm định trình Quốc hội phê duyệt.

Xứ Nghệ xôn xao chuyện tên làng, tên xã sau sáp nhập: ‘Những cái tên mới vô nghĩa và thiếu hồn cốt văn hóa ra đời’Xứ Nghệ xôn xao chuyện tên làng, tên xã sau sáp nhập: ‘Những cái tên mới vô nghĩa và thiếu hồn cốt văn hóa ra đời’

SKĐS - Không phải ngẫu nhiên mà những tên đất, tên làng, trải qua thời gian, gắn bó với lịch sử luôn được đặt một cách có ý nghĩa và rất trân trọng. Vì thế, khi tìm tên mới cho làng xã rất cần cân nhắc đến lịch sử, văn hóa và nguyện vọng của người dân.

Hoàng Trinh
Ý kiến của bạn