Hà Nội

Tạm dừng phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh trong 4 ngày

29-01-2018 07:38 | Pháp luật
google news

SKĐS - Ngày 28/1, phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch HĐQT Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm trong vụ tham ô tài sản xảy ra tại Công ty PVP Land tiếp tục với phần đối đáp của đại diện Viện Kiểm sát (VKS). Theo đề nghị của đại diện VKS về việc làm rõ số tiền 19 tỷ đồng Đinh Mạnh Thắng và Trịnh Xuân Thanh chiếm đoạt, HĐXX đã tuyên bố dừng phiên tòa trong 4 ngày để xác minh, làm rõ. Phiên tòa sẽ được tiếp tục vào sáng 2/2/2018.

Tạm dừng phiên tòa theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015

Theo đó, mở đầu buổi làm việc sáng ngày hôm nay, đáng lẽ là phần đối đáp của đại diện VKS đối với phần bào chữa của các luật sư và các bị cáo, tuy nhiên, đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đề nghị HĐXX tạm ngừng phiên tòa để xác minh thêm ý kiến của đại diện Công ty Vietsan về số tiền phạm pháp. Cụ thể, trong phần luận tội, VKS đề nghị HĐXX tuyên thu hồi 19 tỷ đồng được xác định là tiền phạm pháp (tiền này được xác định do Thái Kiều Hương, Phó Tổng giám đốc Công ty Vietsan) đưa cho bị cáo Đinh Mạnh Thắng, Đinh Mạnh Thắng được hưởng 5 tỷ đồng và đưa cho Trịnh Xuân Thanh 14 tỷ đồng. Việc đưa 19 tỷ đồng này nhằm để Thắng tác động đến Trịnh Xuân Thanh, Thanh quyết định hạ thấp giá cổ phần tại Dự án Nam Đàn Plaza mà Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC, do Thanh làm Chủ  tịch HĐQT) có cổ phần.

Trịnh Xuân Thanh lần thứ 2 bị đề nghị mức án chung thân.

Trịnh Xuân Thanh lần thứ 2 bị đề nghị mức án chung thân.

Theo lời khai của bị cáo Thái Kiều Hương, Đinh Mạnh Thắng thì sau khi vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị khởi tố (Lê Hòa Bình lừa đảo), Thái Kiều Hương đã yêu cầu Đinh Mạnh Thắng hoàn trả lại đủ cả 19 tỷ. Thắng đã nói với Trịnh Xuân Thanh để Thanh trả 19 tỷ đồng này cho Thái Kiều Hương. Sau đó, số tiền 19 tỷ đồng được nhân viên Công ty Vietsan chuyển vào tài khoản của Công ty Vietsan tại một ngân hàng Hàn Quốc có chi nhánh tại Việt Nam.

Cũng theo lời khai của Hương và bị cáo Lê Hòa Bình (Chủ tịch HĐQT Công ty Minh Ngân, bên mua cổ phần), thì sau khi thu hồi, số tiền 19 tỷ đồng này được Lê Hòa Bình cấn trừ vào tiền mua cổ phần (Dự án Nam Đàn Plaza) của Công ty Minh Ngân với Vietsan. Đồng thời, Vietsan cũng khẳng định, số tiền 19 tỷ đồng được xác định là tang vật vụ án cũng đã được hoàn trả trong số tiền 93 tỷ đồng kia. “VKS thấy cần phải xác minh nội dung Công ty Vietsan nêu ra. Do đó, để đảm bảo việc xét xử khách quan, toàn diện, VKS căn cứ Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, đề nghị HĐXX xác minh, làm rõ nội dung trên. Đề nghị HĐXX tạm dừng phiên tòa làm rõ nội dung nêu trên” - đại diện VKS nói. Sau khoảng thời gian nghỉ hội ý, HĐXX cho biết, đề nghị của VKS có căn cứ nên tuyên bố dừng phiên tòa trong 4 ngày. Phiên tòa sẽ được tiếp tục vào sáng 2/2/2018.

Trịnh Xuân Thanh bị đề nghị mức án chung thân

Trước đó, phiên tòa tiếp tục với phần tranh tụng của các luật sư, tại phiên tòa, các luật sư đã tập trung lập luận, phân tích luận cứ nhằm gỡ tội cho thân chủ của mình.

Nhằm gỡ tội cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh, các luật sư đã phân tích, tranh luận xoay quanh các chứng cứ kết tội “Tham ô tài sản.” Theo luật sư Ngô Thị Thu Hằng, bị cáo Trịnh Xuân Thanh không có quyền quyết định trong việc PVP Land chuyển nhượng cổ phần, mà thẩm quyền của việc này thuộc về PVP Land. Theo luật sư, việc chuyển nhượng cổ phần hay thoái vốn của PVP Land tại Dự án Nam Đàn Plaza nhất thiết phải lấy ý kiến của tất cả các thành viên HĐQT PVP Land. Về việc lấy ý kiến thành viên HĐQT PVP Land, bị cáo Đào Duy Phong (nguyên Chủ tịch HĐQT PVP Land) đã ký phiếu xin ý kiến và có 4/5 thành viên HĐQT đồng ý phương án bán cổ phần. Ngày 12/4/2010, bị cáo Đào Duy Phong ký Quyết định số 18 PVPL/QĐ-HĐQT phê duyệt cho chuyển nhượng 12,12 triệu cổ phần chưa thanh toán của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương với giá không thấp hơn 13.500 đồng/cổ phần, giao cho bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh (nguyên Tổng Giám đốc PVP Land) thực hiện.

Trong phần luận tội trước đó, VKS nhận định, Trịnh Xuân Thanh chính là người đã quyết định và chỉ đạo cho chuyển nhượng 12,12 triệu cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương cho Lê Hòa Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng 1/5 với giá 34 triệu đồng/m2, thấp hơn giá trị thực của dự án (52 triệu đồng/m2) với mục đích để chiếm đoạt số tiền chênh lệch và Trịnh Xuân Thanh đã được chia hưởng 14 tỷ đồng từ số tiền chênh lệnh đó. Cựu Chủ tịch HĐQT PVC bị đại diện VKS đề nghị mức án chung thân về tội danh “Tham ô tài sản”.

Trong phần bào chữa cho bị cáo Đinh Mạnh Thắng (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà), luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng bị cáo Đinh Mạnh Thắng chỉ là người kết nối cho bị cáo Thái Kiều Hương gặp bị cáo Thanh để bàn về việc thoái vốn. Chủ trương này đã có từ trước, chính bị cáo Thanh cũng khẳng định như vậy. Mặt khác, bị cáo Đinh Mạnh Thắng cũng không hề biết gì về trình tự, quy trình, thỏa thuận, thương lượng về giá cả. Vai trò của Thắng chỉ là giới thiệu tiếp xúc, gặp gỡ... Như vậy, theo luật sư, bị cáo Đinh Mạnh Thắng không có dấu hiệu của tội “Tham ô tài sản”. Luật sư Nguyễn Huy Thiệp cũng đề nghị HĐXX cân nhắc về tình tiết giảm nhẹ của bị cáo Đinh Mạnh Thắng là việc Thắng chủ động khắc phục hậu quả, hoàn trả ngay toàn bộ số tiền này sau khi nhận mấy ngày theo yêu cầu của bị cáo Thái Kiều Hương.

Về nội dung này, quan điểm luận tội của VKS xác định Đinh Mạnh Thắng, Thái Kiều Hương, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy là những người thực hiện hành vi móc nối, tác động để Trịnh Xuân Thanh, Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh, thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần PVP Land...


H. Phong
Ý kiến của bạn